Kể chuyện đời bằng tinh thần của gốm

Nói về câu chuyện bén duyên với gốm, nghệ sĩ Trần Minh Thái – “lò” Xê ra mít Studio, Hội An – tâm sự: “Khi đang muốn tìm hiểu về chất liệu cho thiết kế tốt hơn, lần đầu tiên được chạm vào đất sét, cảm giác như gặp được tri kỷ, chỉ thấy dễ chịu và gắn kết. Việc có thể kết nối tâm trí với chất liệu đang sử dụng, với tôi là một điều đặc biệt”.

gốm 1

Trần Minh Thái – Nghệ sĩ sáng tác gốm đương đại. | Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.

Yêu gốm, mê gốm, đến với gốm theo cách chân tình, hồn nhiên, bằng con đường tự học, Trần Minh Thái tạo nên phong cách gốm đương đại, ứng dụng cao, đặc biệt là tinh thần, yếu tố cảm xúc trong hiện vật được bộc lộ rõ. Tạo gốm, có những quy chuẩn ràng buộc, nhưng dễ thấy trong sáng tác của Trần Minh Thái một cá tính của tự do, khoáng đạt. Thái cho biết: “Việc có quá nhiều quy chuẩn trong chế tác gốm sẽ hạn chế khả năng tư duy làm ra cái mới. Tôi không chối bỏ nền tảng cơ bản cần có, nhưng khi sáng tạo, tôi không để tâm vào quy cách, chỉ nhắm đến kết quả cuối cùng”. Trong gốm, tính nghệ sĩ, thế mạnh kỹ thuật… thường được biểu lộ, có người ở tạo dáng, người ở sắc men, với gốm của Trần Minh Thái, những chi tiết, màu sắc, được tiết chế khéo léo, vận dụng đầy chủ ý để tác phẩm mang tinh thần sâu lắng hơn, tạo được cảm xúc, cảm giác cho người đối diện. Gốm ở đây được sử dụng như phương tiện kể nhiều câu chuyện khác nhau về chính tác giả. Chiêm nghiệm trong sáng tác ấy, thấy cả những hy vọng, ngờ vực, những nỗi buồn, sự bất ngờ, hay tự vấn cuộc đời đang cần câu trả lời… Ở khía cạnh này, gốm với người nghệ sĩ, có sức hút mãnh liệt, có thể trò chuyện, đồng cảm như một mối tâm giao.

gốm 2

Sắc – nét trong gốm giữ được tinh thần tự nhiên, thân quen, gần gũi. | Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.

gốm 3

Một tác phẩm đẹp, như đang diễn đạt lời tình tự theo cách riêng. | Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.

“TRONG SÁNG TÁC TÔI THÍCH SỰ TỐI GIẢN, NHƯNG KHÔNG CỐ GẮNG ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC TỐI GIẢN, MÀ ĐỂ MỌI THỨ ĐẾN THEO CÁCH TỰ NHIÊN”.

gốm 4

Nét đời trong tạo hình và sắc men qua những sáng tác của nghệ sĩ gốm Trần Minh Thái. | Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.

Gốm là một nghề thủ công, yếu tố bản địa cao bởi lệ thuộc vùng nguyên liệu. Nhưng yếu tố vùng miền đã không là rào cản, kỹ thuật không là bí mật, cổ truyền. Những nghệ sĩ gốm như Trần Minh Thái chọn gốm làm phương tiện, chất liệu, phục vụ cho ý tưởng sáng tác. Các tạo hình, nước men, kể cả tinh thần của gốm, không cố định, không bất biến, sẽ thay đổi, dịch chuyển theo từng giai đoạn. Như Trần Minh Thái nói: “Còn phụ thuộc thời điểm sáng tác và mức độ trưởng thành của bản thân”. Sáng tạo với gốm, Trần Minh Thái tâm sự: “Tôi may mắn có những người bạn nghệ sĩ từ nhiều quốc gia khác nhau, họ được đào tạo bài bản về gốm và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm việc của họ khi tôi cần được giúp đỡ”. Và anh cũng mong đợi: “Tôi vẫn đang xem gốm như một công cụ để có thể kết nối với thế giới bên trong, và hy vọng ngày càng nhiều người trẻ làm gốm, để gốm Việt mang nhiều màu sắc hơn, vì theo tôi biết, thế giới ngoài kia riêng về gốm, họ đã đi quá xa rồi”.

gốm 5

Tối giản trong thiết kế, sáng tác, nhưng đó không phải là sự cố gắng để đạt được, mà là một vận động hoàn toàn tự nhiên. | Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.

gốm 6

Hình khối, đường nét, màu sắc không quan trọng bằng gốm phải truyền tải được nội dung, xúc cảm của người nghệ sĩ. | Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.

“SỬ DỤNG LOẠI MEN QUÝ TRÊN NỀN XƯƠNG GỐM TỐT MÀ KHÔNG TRUYỀN TẢI ĐƯỢC TINH THẦN MUỐN THỂ HIỆN, CHẾ TÁC ẤY, TÔI CHO LÀ KHÔNG HIỆU QUẢ”.
– Nghệ sĩ Trần Minh Thái

gốm 7

Tạo hình, men thuốc, khi qua lửa, có thể tạo ra vui buồn, thất vọng, nhưng đó lại là sức hút mãnh liệt của gốm. | Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.


Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình.

Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.


Xem thêm:

Baroque – Tinh hoa tráng lệ

Sưu tầm cổ phục, thú chơi độc đáo