Gian trước – Trung tâm Tết của nhà miền Nam xưa

Trong dịp cận Tết Giáp Thìn vừa qua, chúng tôi đã có dịp hoài niệm về Tết xưa dưới mái nhà cổ Chánh Trung ở Bình Dương cùng chị Ánh Tuyết – chủ nhân thế hệ thứ 5 sống dưới mái nhà gỗ này.

Tết trong một căn nhà gỗ truyền thống miền Nam – Việt Nam từng lấy không gian chính là gian trước, một không gian thiên về nghi lễ hơn là chức năng cụ thể và thực dụng như khái niệm “phòng khách” hay “phòng giải trí” trong kiến trúc nhà ở hiện đại. Để tưởng tượng ra quang cảnh này thực khó, bởi ngày nay ta đã quen với tính phân chia chức năng rõ ràng của các căn phòng, cũng như việc xây dựng những không gian riêng tư cho các thành viên trong gia đình. Căn nhà cổ này có được chúng tôi phác lại sơ đồ như sau:

nha go chanh trung mien nam mo hinh

Sơ đồ không gian nhà. Ảnh: Tản Mạn Kiến Trúc

Trong sơ đồ, khu vực 6 – 3 – 1 chính là gian trước, và gian thờ trung tâm là gian 1, những gian còn lại trong nhà là số 2 vùng chuyển tiếp để hành lễ, số 5 hành lang và số 4 là các khu vực “buồng” để ở cho những người quan trọng trong nhà.

Theo bước gia chủ qua mái nhà thấp và mát mẻ, gian trước hiện lên lóng lánh trong ánh xà cừ, và sống động với những phù điêu trạm trổ và bang thờ trang nghiêm mang phong vị xa xưa. Theo lời chủ nhân ngôi nhà chia sẻ: “Gian trước, nơi gia đình ngày xưa chỉ dùng trong những dịp trọng đại và đón tiếp khách quan trọng của ông chị“. Nơi đây là nơi người Việt Nam từng dùng cho lễ nghĩa, đón những vị khách tôn trọng lễ nghĩa. Không gian này rất ít khi “mở cửa chính” mà chỉ có thể tiến vào nó từ lối buồng sau hay hành lang của căn nhà. Lý do bởi hệ cửa thượng song hạ bản rất khó mở và đóng lại, thứ nữa là đây là nơi để kính viếng và tiền hiền của căn nhà nên không tiện để tiếp khách. Nhưng trong dịp Tết, hệ cửa sẽ được mở ra, ánh sáng mặt trời sẽ chiếu vào làm sống động lên những hoạ tiết trang trí cầu kỳ và sức sống của khu vườn lan vào căn nhà. Hoa vạn thỏ, hoa mào gà vào đầu Tết sẽ được gửi tặng từng những người đã được gia chủ giúp đỡ suốt nhiều năm, và gia đình của căn nhà cổ sẽ trân trọng, đón lấy và sắp chúng thành những hàng dài theo lối cửa vườn vào tận trong gian chính. Trong đó, các đoá hoa đẹp nhất sẽ toả hương tại bàn thờ gia tiên và thần thánh trang nghiêm. Không khí Tết cứ thế đan kết không gian nội và ngoại của căn nhà, không đâu là không có mùa Xuân, không có giới hạn giữa con người và tự nhiên.

nha go xua chanh trung mien nam

Phần vách gỗ trước gian thờ của nhà gỗ miền Nam được gọi là “vách đố”, ở nhà Chánh Trung ta có thể thấy vách được làm từ gỗ mang sắc đen tạo độ sâu cho các hoạ tiết chạm trổ, cũng như cân bằng thẩm mỹ cho các phần dát vàng và khảm xà cừ. Ảnh: Tản Mạn Kiến Trúc

cham tro thu cong nha co mien nam

Chạm khắc gỗ Lân xuất thế Khai thái bình vận. Lân là biểu tượng thái bình thuần chất tuyệt đối không hại bất kỳ sinh linh nào kể cả cỏ hoa nên khi nó kéo đồng tiền là báo hiệu thời yên bình đang tới. Ảnh: Tản Mạn Kiến Trúc

Bạn sẽ choáng ngợp khi biết rằng ngày xưa, có lúc có đến 60 người con cháu và họ hàng cùng đón Tết dưới mái nhà này. Những người con trai khoẻ mạnh nhận phần đánh bóng lư đồng từ ngày 20 âm lịch và cần tới 4 ngày để phơi được hết đồ đồng của căn nhà. Họ còn cùng nhau nấu bánh ngay một căn bếp được mở ra giữa vườn để hứa hẹn những đêm yên vui cùng nhau thức xem củi lửa, làm mấy đòn bánh tét thơm lừng và ấm áp. Lá thì có ngay trong vườn, và vườn như thế còn là nơi chứa đựng vật liệu để nấu nướng.

nha co mien nam san vuon

Ảnh: Tản Mạn Kiến Trúc

nha co mien nam san vuon

Hệ cửa thượng song hạ bản chỉ được mở ra vào dịp Tết hay lễ lớn như cưới hỏi, khi mở không gian nhà và thiên nhiên dường như không còn bị ngăn chở. Ảnh: Tản Mạn Kiến Trúc

Khi bánh được dâng lên mâm thờ ngày 30 tháng Chạp, trung tâm của Tết sẽ được trả lại cho gian chính của căn nhà gỗ. Bởi ngay mùng một Tết, cả gia đình quây quần ở đây trước mặt những người lớn tuổi nhất, quỳ gối kính lễ bậc cao niên, và ông bà truyền lời hay ý đẹp để khích lệ con cháu. Họ hàng xa trong ba ngày Tết cũng thường ăn mặc tươm tất để ghé đến xin dâng nén hương lên bàn thờ, nén hương đến dòng tộc và nối kết với những giá trị thiêng liêng và công ơn tiền hiền.

kien truc mien nam chanh trung

Một phần góc trái của gian thờ chính của nhà Chánh Trung với trang trí khảm xà cừ tinh tế do nghệ nhân cuối thế kỷ 19 đầu 20 thực hiện. Kỹ thuật thể hiện hệ thống trang trí được tính toán tốt về mũ cam trong khả năng bắt sáng, cũng như diễn tả chi tiết phức tạp của chữ Hán và đồ án cổ. Ảnh: Tản Mạn Kiến Trúc

Như vậy gian thờ trở thành trung tâm của căn nhà dịp Tết, là nơi neo ký ức vững chắc trong tâm trí thế hệ trước. Bởi xưa kia, mối quan hệ của gia đình, dòng họ thường được nhấn mạnh hơn so với mô hình gia đình cha mẹ và con cái trong xã hội hiện đại. Điều này biểu hiện ngay trong việc khai xuân của căn nhà gỗ Chánh Trung, khi những người tham gia dọn dẹp và tổ chức lễ Tết tại đây có khi lên tới con số 60-70 người. Những người họ hàng này mang ơn của gia chủ khi họ được giúp đỡ chốn nương để làm ăn, học hành thuở họ bắt đầu lập thân nơi thành phố Thủ Dầu Một.

Không gian kiến trúc không chỉ phục vụ cho các tính năng thực dụng như giải trí, nấu ăn, nghỉ ngơi… mà từng có thời con người đã tìm kiếm lễ nghĩa và chiều sâu tinh thần dưới mái nhà. Khác với đời sống hiện đại, khi Tết được đón chào với cảm giác vui tươi và là dịp để cả nhà nghỉ ngơi, tận hưởng, ngôi nhà gỗ truyền thống mang cảm giác trang nghiêm hướng về lễ nghĩa, thiên về sự kết nối thân tình cũng như hồi tưởng về ký ức gia đình dòng tộc.

Thực hiện: Vương An Nguyên (thuộc nhóm Tản Mạn Kiến Trúc)


Xem thêm

Mái ngói trong kiến trúc Việt xưa

“Tản mạn kiến trúc Nam Bộ” – biên khảo kiến trúc của nhóm cây viết trẻ

Phương Đông qua chiếc gương soi