Xét về mặt lịch sử, ngôi trường này từng là nơi đào tạo nhiều nhân sĩ danh tiếng. Tồn tại theo thời gian trăm năm của ngôi trường hiển nhiên là những dấu ấn, những kỷ niệm, ký ức không chỉ của riêng học sinh, mà còn là một hình ảnh thân thương, quen thuộc với cư dân bản địa.
Ở góc độ kiến trúc và mỹ thuật trang trí, trường mang vẻ đẹp đặc biệt của một công trình đồ sộ với rất nhiều chi tiết sử dụng phong cách Art Décor đang thịnh hành tại Pháp lúc đương thời, ứng dụng vào việc xây trường, tạo nên một di sản đặc biệt của riêng vùng Tây Đô.
Ba dãy nhà ngang hai tầng lầu của trường Châu Văn Liêm tạo thành kết cấu chữ Tam, bố cục song song, dài đến 75m, rộng 12m, với nếp mái ngói dốc, sàn gạch nung, cửa lá sách, trường lang có mái che, được kết nối bằng các khoảng sân rộng thoáng, rợp bóng cây.
Kết cấu thông tầng được bố trí giữa các dãy nhà, tạo lối lên xuống giữa các tầng lầu, và cũng là điểm nhấn kiến trúc, tạo trục đối xứng phân đôi các dãy nhà học và trường lang.
Hai tòa biệt thự dùng làm văn phòng điểm xuyết cho tổng thể không gian kiến trúc của trường thêm chặt chẽ, liền mạch. Lối quy hoạch kiến trúc của trường mang công năng phù hợp, là điểm lý tưởng cho việc học tập, giảng dạy của thầy trò trường qua các thế hệ.
Mưa nắng thời gian khiến công trình đã ít nhiều xuống cấp. Hiện dãy nhà ngang đầu tiên đã phải thay thế ngói bằng mái lợp tôn, dãy cuối đã ngưng sử dụng. Phần nền các kiến trúc thấp hơn so với bình diện chung nên chuyện lụt ngập mỗi khi mưa lớn, triều cường đều chưa có giải pháp khắc phục triệt để, một biệt thự cũng phải đóng cửa để đảm bảo an toàn. 5 công trình xây từ thời Pháp thì nay chỉ còn lại 3 đang được sử dụng.
Việc cần một không gian để học sinh có nơi học tập khang trang, an toàn, xét về nhu cầu sử dụng thực là điều cần thiết. Nhưng cái khó bởi đây là công trình đã đi sâu vào bao thế hệ lòng người, mang giá trị của một di sản mà không một công trình xây mới nào có thể mang lại được.
Đến trường Châu Văn Liêm những ngày mưa gió tháng 11, dấu ấn tàn phá của thời gian, rêu phong, dột nát vẫn không xóa đi được vẻ đẹp đặc biệt của một công trình kiến trúc thuộc địa trăm năm tuổi. Khi nhìn vào vẻ đẹp ấy dù ở ngay lần đầu tiên, hẳn nhiều người sẽ có chung cảm nghĩ mong muốn giữ lại công trình quý giá này. Bởi thế, việc cộng đồng chung tay kêu gọi giữ lại giá trị cổ xưa của trường Châu Văn Liêm, hẳn là hữu ý.
Xây mới luôn là giải pháp dễ dàng nhất, với lợi ích được đong đo một cách rõ ràng, cụ thể, giải quyết được yếu tố hiện đại và phát triển – điều cần cho diện mạo đô thị trong phát triển lợi ích cộng đồng.
Còn cái lý để bảo tồn, bởi đây là công trình văn hóa, lịch sử, giáo dục mang dấu ấn đặc biệt, là vốn quý mà từ trăm năm qua được vun đắp bằng tình cảm, yêu thương, kỷ niệm… những giá trị không thể có được ở các kiến trúc xây mới thời hiện đại. Nếu cứ theo tư duy đến tuổi, hết hạn sử dụng, xuống cấp là đập bỏ xây mới, thì khái niệm về di sản, bảo tồn, cả những hồn cốt đô thị sẽ không còn tồn tại.
Những công trình có đầy đủ các giá trị về mỹ thuật, văn hóa, lịch sử, niên đại… xứng đáng được bảo vệ. Thế nhưng ngay cả khi công trình tiếp tục tồn tại, vẫn rất cần một dự án trùng tu nghiêm túc, hiệu quả, bởi nhìn lại các công trình phục chế – bảo tồn kiến trúc ở Việt Nam (đặc biệt là các công trình thuộc địa), kỳ thực niềm tin vào việc thực hiện các dự án dường như chưa bao giờ được đánh giá ở mức tuyệt đối.
Thực hiện: THIÊN AN