Triển lãm Portals – Cánh cổng sau đại dịch

Không chỉ là dự án cải tạo nhà máy cũ thành không gian triển lãm ấn tượng, Portals còn nhen nhóm niềm hy vọng của NEON trong việc phục hồi văn hóa nghệ thuật đương đại của Hy Lạp sau 200 năm trong giai đoạn bình thường mới.

NEON, một tổ chức phi lợi nhuận của Hy Lạp mang sứ mệnh mang nghệ thuật đương đại đến gần hơn với công chúng kể từ khi ra mắt năm 2013 đã thổi luồng sinh khí mới vào nhiều địa điểm trên khắp Athens, từ các địa danh khảo cổ đến từng khu vườn tư nhân, ngôi nhà bị bỏ hoang. Dự án gần đầy nhất và cũng nhiều tham vọng nhất mang tên Portals của NEON là chuyển đổi Nhà máy Thuốc lá Công cộng cũ (Public Tobacco Factory), một tòa nhà mang tính biểu tượng trong thời kỳ chiến tranh thành không gian văn hóa mới rộng 6.500 mét vuông. Đây cũng là triển lãm được tổ chức nhằm kỷ niệm 200 năm cuộc chiến tranh giành độc lập tại Hy Lạp, đồng thời vực dậy tinh thần sau đại dịch.

Portals 10

Nhà máy Thuốc lá Công cộng cũ được sử dụng làm không gian cho triển lãm Portals. Ảnh: Natalia Tsoukala & NEON.

Portals 9

Ảnh: Natalia Tsoukala & NEON.

Portals là một triển lãm mang tính quốc tế, quy tụ 59 nghệ sĩ đến từ 27 quốc gia với hơn 15 hình thức thiết kế mới dành riêng cho từng địa điểm được NEON ủy quyền. Việc lựa chọn nhà máy thuốc lá cũ làm nơi tổ chức triển lãm có ý nghĩa đặc biệt liên quan đến lịch sử hình thành và hình mẫu kiến trúc của công trình. Nhà máy được khánh thành năm 1930, rộng 19.000 mét vuông, ngành chế biến và sản xuất thuốc là thời điểm đó cũng là mũi nhọn phát triển công nghiệp, thương mại của đất nước. Tòa nhà sau này được sử dụng làm nhà tù, nơi trú ẩn cho người tị nạn và thậm chí là nơi làm việc của một số cơ quan chính phủ trước khi được cấp cho Nghị viện Hy Lạp làm một phần của thư viện, nhà in Nghị viện năm 2000.

Portals 8

Ảnh: Natalia Tsoukala & NEON.

Portals 7

Ảnh: Natalia Tsoukala & NEON.

Portals 6

Ảnh: Natalia Tsoukala & NEON.

Portals 5

Ảnh: Natalia Tsoukala & NEON.

Từ một bánh răng quan trọng trong nền kinh tế thế kỷ XX của đất nước đến mô hình văn hóa đương đại, cách nhìn nhận của NEON về tòa nhà như một viên gạch vữa soi qua lớp X-quang của xã hội hiện đại. Do đó, đây là địa điểm hoàn hảo cho nhóm nghệ sĩ nghiêm túc nhìn nhận quá khứ của chúng như một chất liệu sáng tạo. Khái niệm “bình thường mới” được đặt ngay tại cổng vào. Quay trở lại cuộc sống bình thường không chỉ là điều khó khăn mà còn là nỗi mong muốn, tác giả người Ấn Độ Arundhati Roy đã nêu ra rằng: “Đại dịch là một cánh cổng, một cửa ngõ giữa thế giới này và thế giới khác. Chúng ta có thể chọn cách bước qua nó, kéo theo định kiến, thù hận, lợi ích, ký ức hay những ý tưởng, những dòng sông chết và bầu trời đầy khói sau lưng ta. Hoặc chúng ta có thể bước qua một cách nhẹ nhàng với lượng hành lý ít ỏi, sẵn sàng để tưởng tượng về một thế giới khác”. Suy nghĩ của Roy đã được hữu hình hóa bởi các nghệ sĩ tham gia triển lãm, những tác phẩm đề cập đến nhiều ý tưởng cũ, phong tục, tập quán mang tính tập thể hay các bối cảnh công cộng trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Portals 4

Ảnh: Natalia Tsoukala & NEON.

Portals 3

Ảnh: Natalia Tsoukala & NEON.

Portals 2

Ảnh: Natalia Tsoukala & NEON.

Triển lãm Portals tận dụng cơ sở công nghiệp rộng rãi làm bối cảnh tương phản cho các tác phẩm được sắp xếp thưa thớt, từ giếng trời uy nghi, cho đến sảnh lớn, căn gác xép, văn phòng hải quan cũ hay hành lang đều được bố trí để dung hòa hai góc nhìn choáng ngợp: nghệ thuật & kiến trúc. Sau khi kết thúc thời gian triển lãm, các không gian cải tạo sẽ được bàn giao cho Quốc hội như một trung tâm văn hóa mới, mở ra chương mới cho công trình, gieo mầm cho hành trình phục hồi văn hóa nghệ thuật đất nước.

Portals 1

Ảnh: Natalia Tsoukala & NEON.

Triển lãm: Portals.
Địa điểm: Athens, Hy Lạp.


Bài: Đức Nguyên | Theo: Yatzer | Ảnh: Natalia Tsoukala & NEON.


Xem thêm:

Graphic novel: Berlin & Aya – Lời tự sự qua kiến trúc

Phản biện xã hội với tạo hình của gốm