Nguồn cảm hứng lớn cho Lê Bá Đảng chính là tình yêu cho gia đình và tình yêu cho thiên nhiên. Nhìn vào thời kỳ ông thử nghiệm với kỹ thuật in thạch bản, không khó để nhận ra sự trừu tượng trong loạt tác phẩm này. Bộ tranh in thạch bản được xuất bản năm 1967, bởi nhà in Weston tại Paris và New York. Loạt tác phẩm gợi ra nhiều khoảng trống; điểm đặc sắc của chúng là sự kết hợp giữa các màu sắc hoặc việc tích hợp văn bản vào nền tranh với nhiều lớp màu. Nghệ sĩ đã từng chia sẻ nội dung của bản in trong một tuyển tập: “Tác phẩm này không chỉ là một cuốn sách hay một tập ảnh, mà cả hai. Tôi lấy cảm hứng từ một câu nói của triết gia nổi tiếng Lão Tử – một linh hồn mạnh mẽ luôn làm cho tôi cảm thấy truyền cảm hứng. Tất cả các bức tranh in thạch bản ở đây được tạo ra sau nhiều bản phác thảo bằng bột màu và sơn dầu…”. Chia sẻ này mở ra một cái nhìn về quá trình làm việc của nghệ sĩ: đó là quá trình thử nghiệm với cấu trúc, vật liệu và cách sắp xếp màu sắc. Các bức in thạch bản cho ta cảm giác như các luồng sáng, mảng màu, góc tối là các lớp đá lấp ló trong một vách hang. Các nét chữ được phát sáng, có hiệu ứng như các bảng hiệu quảng cáo. Các hình tượng về thiên nhiên hiện lên một cách thuần khiết, từ ánh trăng đượm vàng đến các địa hạt li ti của vũ trụ. Phần lớn các bản in sử dụng những màu tươi, đậm, có những bức sử dụng sự tương phản hay bổ trợ trong bảng màu như xanh lam – đỏ, vàng – xanh lá hay vàng-cam. triển lãm
Những người am hiểu về Đạo Đức Kinh của Lão Tử sẽ nhận ra tính thiền định trong loạt tác phẩm này. “La nature prie sans paroles (Lời nguyện cầu không lời của tự nhiên)” được trích từ những lời dạy của Lão Tử, giảng dạy cho người đời về một lẽ sống vị thiên nhiên, không đặt những giá trị vật chất làm trung tâm mà hướng tới mối quan hệ mật thiết của con người và tự nhiên. Đạo là cội nguồn của các sinh vật tạo nên vũ trụ. Đó là lý do khiến các bản in thạch bản của Lê Bá Đảng nghiêng về việc khơi gợi các mảng không gian và khối, để người xem đắm chìm và nghiệm ra thế giới của riêng họ.
Điều làm tôi thêm trân quý những giá trị của Lê Bá Đảng chính là cách họa sĩ luôn suy nghĩ tới việc nâng cao độ tiếp cận của thực hành cá nhân đến nhiều tầng lớp trong xã hội. Ông từng chia sẻ rằng: “Nghệ thuật không chỉ dành riêng cho một số người may mắn có khả năng mua tranh, mua tượng, hoặc chỉ nằm khô trong viện bảo tàng, mà phải hòa hợp với thiên nhiên, đi vào đời sống, để tất cả mọi người dù ở tầng lớp nào, cũng có thể thưởng ngoạn”. Chính lối tư duy này đã để lại cho khán giả yêu nghệ thuật những loạt tác phẩm in thạch bản hay in dập nổi, phù điêu với số lượng phiên bản lớn, được lưu truyền trong xã hội.triển lãm
Hình ảnh gia đình xuất hiện xuyên suốt các tác phẩm in dập nổi của Lê Bá Đảng từ biểu tượng gia đình trong phần chữ ký cho tới những khuôn in dập nổi với dáng hình 3 người. Các nhân vật bao gồm chính Lê Bá Đảng, vợ và người con trai duy nhất, đang đứng cạnh hay đùm bọc lẫn nhau. Chính người con trai, người đã không may qua đời vào cuối những năm 70, là nguồn cảm hứng để Lê Bá Đảng sáng tác loạt tác phẩm “Không gian” và “Tấn tuồng nhân loại” trong những thập niên 1980. Nỗi đau của một người cha mất con ắt hẳn là một cảm giác đầy day dứt, tiếc nuối trôi theo những hy vọng. Thêm vào đó là ảnh hưởng của nền văn học hiện thực Pháp, khi Lê Bá Đảng cũng được truyền cảm hứng bởi tác phẩm Tấn tuồng nhân loại cùng tên của nhà văn Honoré de Balzac, tạo nên những chiêm nghiệm về các hoạt cảnh đời sống, hồi ức và hoài bão của những thế hệ người dân trong thời kỳ lịch sử hậu chiến tranh. Các nét vẽ tưởng chừng ngô nghê, nhưng lại mô tả cô đọng những nỗi niềm và hân hoan của con người. Những khuôn hình nhỏ được vẽ phác thảo nhanh, được xếp san sát nhau trên mặt giấy, hoàn thiện với những gam màu trầm, đất và được điểm xuyết hai mảng hình dập nổi đặc trưng của Lê Bá Đảng, tạo nên một bữa tiệc về màu sắc, không gian, khiến ta phải trầm trồ theo dõi thật kỹ từng chi tiết.
“Không gian” (Spacegraphie) là một điểm nhấn khi nói về thực hành nghệ thuật của Lê Bá Đảng. Loạt tác phẩm giúp ông phô diễn được kỹ thuật làm giấy thủ công điêu luyện, với các phương pháp in dập nổi, phù điêu và bồi để tạo nên một không gian nổi, ba chiều.
Không gian miên man, cảm giác hun hút như ở giữa những vùng sa mạc cằn cỗi. Ông đã lấy cảm hứng từ bộ ảnh nhìn từ đường chim bay xuống khu vực khảo cổ Nazca ở Peru của nhiếp ảnh gia người Mỹ Marilyn Bridges. Nếu những bức ảnh này có vẻ u buồn, hiu quạnh thì không gian của Lê Bá Đảng lại trở nên tươi sáng hơn với sự xuất hiện của màu sắc. Vẫn là những vệt ngoằn ngoèo hằn trên cát, những rặng núi hay lùm cây, nhưng Lê Bá Đảng kết hợp kỹ thuật nhuộm màu thủ công và cắt dán để tạo nên những sự thú vị đến bất ngờ trong không gian này. Các hình khối trong toán học được sử dụng: những khối chữ nhật bo tròn thường là trung tâm của tác phẩm – thường được tô điểm bởi các chấm bi tròn màu đỏ hay xanh lam. Khối hình này mô phỏng lại tạo hình của khu khảo cổ – thiên văn học Chankillo tại Peru, nơi được coi là dấu tích đầu tiên trong việc tính toán ngày giờ trên Trái đất. Có lẽ đây là cách Lê Bá Đảng ngầm khẳng định với khán giả: không gian này được lập ra với một chủ đích rõ ràng, và nó có cách vận hành riêng. Ruộng bậc thang được tạo nên bởi việc chồng các miếng hình thoi nhỏ dần, các vệt xéo chạy dọc khổ giấy, vừa tạo cảm giác giống những vách núi, lại vừa giống những cành cây.
Tuy là người con xa xứ, nhưng Lê Bá Đảng luôn luôn nhắc nhở khán giả về nguồn gốc của ông qua các tác phẩm. Việc ông được gia đình lập nên một không gian tưởng niệm và nhà nước xây dựng một bảo tàng riêng tại Huế khiến người viết rất vui mừng. Những tác phẩm được lưu giữ cẩn thận và đúng theo tâm nguyện của ông – được trưng bày cho công chúng thưởng ngoạn. triển lãm
Bài: Chaodaysao | Ảnh: Bảo Nguyễn
Xem thêm
Bà Lê Cẩm Tế – Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng, bức tranh “không gian” với chiều kích thật