Chủ nhân của 12 con giáp ấy là điêu khắc gia Nguyễn Thăng Long. Từng chinh chiến ở đủ mọi chất liệu, phong cách sáng tác trong hoạt động nghệ thuật, nhưng khi bén duyên với gốm, Nguyễn Thăng Long chọn ra ngôn ngữ riêng để thể hiện, ấy là sử dụng kỹ thuật đắp con chạch – một lối chế tác gốm cổ xưa nhất của nhân loại.
“Tôi muốn 12 con giáp thể hiện thần thái sảng khoái, vui tươi, hạnh phúc, bệ vệ, tựa như hình tượng ông địa và thần tài, với mong ước mang tốt lành đến cho mọi người dịp xuân sang.” – Điêu khắc gia Nguyễn Thăng Long
Nguyễn Thăng Long khéo léo vận dụng lợi thế của một nhà điêu khắc, biểu hiện ở những đường nét, thần thái đặc trưng từng con giáp ở dạng khối, khái quát, không đi sâu vào diễn tả chi tiết. Hình khối khái quát ấy dựng bằng kết nối “con chạch” – gốm vê thành sợi tròn dài như hình con cá chạch, đắp chồng lên nhau – tỷ lệ nhỏ to của chạch được người nghệ sĩ tính toán và điều chỉnh dựa theo kích thước tổng thể của tác phẩm. Những nét dựng hình bằng con chạch, lại được giữ nguyên bề mặt, tạo cho tác phẩm không nét mà kỳ thực nhiều nét, độ liên kết nét được khéo léo bố cục tưởng như rất tự nhiên, ngẫu hứng, nhưng kỳ thực, nói như tác giả là: “Không đơn giản tí nào, bởi sai một nét đắp chạch, là hỏng cả tổng thể, phải xoá đi làm lại từ đầu chứ không sửa đi sửa lại được”.
Rồng, linh vật khó thể hiện hơn cả trong bộ 12 con giáp bởi không mang hình hài cụ thể.
Điêu khắc gia Nguyễn Thăng Long với con giáp năm Mão.
Sự lịch lãm, tự tin, đường bệ của Mùi.
Diện mạo Tý qua những nét men chấm phá tự nhiên.
Tý – Sửu cùng hình khối nhưng phong cách, thần thái khác biệt rõ nét.
Ở khối, nét 12 con giáp, tác giả hướng đến yếu tố tình cảm với từng con linh vật bởi: “Tình cảm ấy đến ngẫu nhiên trong quá trình sáng tác, có những con bản vẽ là một kiểu, khi thực hiện được điều chỉnh theo cảm xúc lúc ấy để ra một tạo hình khác ý định ban đầu. Con giáp tựa như thần hộ mệnh cho tuổi của năm đấy, nên tôi muốn từng con giáp có được biểu hiện tươi vui, tích cực, hồn nhiên, biểu trưng cho điềm lành, an yên chứ không có chút gì uẩn khuất nội tâm cả”.
Chi tiết trang trí trên con giáp, cũng là cuộc chơi được Nguyễn Thăng Long hứng thú thể hiện, nguyên cớ là: “Trong gốm, câu chuyện men là đề tài thú vị nên khi trang trí con giáp, tôi muốn chơi với men. Bằng cách để các mảng màu tự do tương tác, hòa trộn, chồng lấn, để ra kết quả là sự ngẫu nhiên. Cuộc sống tôi coi là sự hợp thành những ngẫu nhiên, nên mượn cách ấy vận dụng vào trang trí men cho con giáp”.
Ngoài kỹ thuật đắp cốt con chạch tạo chất, ngẫu hứng men cũng là chi tiết dễ nhận trong gốm Nguyễn Thăng Long.
Dậu đầy bệ vệ, suy tư như trong vai lãnh đạo chuẩn bị ra quyết định hệ trọng.
Dần đạo mạo, phú quý với chiếc áo vest men lam.
Kỹ thuật đắp con chạch tạo hiệu ứng về hình – khối – nét qua lối thể hiện của Nguyễn Thăng Long.
Một hình tượng về Tuất rất… ăn chơi qua tạo hình một chú… chó cảnh.
Ngoài dấu ấn con chạch trên xương gốm, điểm chung 12 con giáp của Nguyễn Thăng Long có thêm chi tiết nhận diện khác chính là chiếc áo vest độc – lạ, tác giả giải thích: “Chỉ là muốn mang lại cho câu chuyện con giáp vốn rất cổ điển, truyền thống, xa xưa, có thêm hình hài khác, tinh thần khác. Chiếc áo vest mệnh danh cho sự sang trọng, chỉn chu của phương Tây, khi đem khoác lên con giáp, như một sự hòa hợp của Á – Âu, của truyền thống và hiện đại. Trên áo vest có chi tiết trang trí gợi về cá tính của từng con vật, hổ là chúa sơn lâm thì họa tiết áo vest có núi rừng, áo của mèo có hình xương cá, áo của khỉ có chuối, lợn có lá khoai… như một điểm nhấn để có thể kể thêm câu chuyện cho từng con giáp”.
Buông chi tiết để thể hiện chất, lấy ngẫu nhiên trong trang trí men để phá khái niệm lệ hình, trong gò ép của khối, lại có phóng khoáng của nét, của sắc màu, tạo thành một bộ tượng con giáp khác lạ, đặc biệt mang dấu ấn Nguyễn Thăng Long.
Thực hiện: Nguyễn Đình
Xem thêm