Snorm 2025: Chuyến hải hành ra biển lớn

Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố thủ công truyền thống với thiết kế đương đại đã đưa Snorm trở thành thương hiệu nội thất Việt Nam đầu tiên có mặt trong triển lãm thiết kế SaloneSatellite tại Milan Design Week 2025. Dấu ấn quan trọng này là sự ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực của đội ngũ thiết kế sản phẩm từ các văn phòng Việt Nam, đồng thời là sự khích lệ lớn với những NTK khác đang mong muốn vươn ra thế giới bằng chính những sản phẩm hình thành từ chất xám của người Việt.

Tháng 4 hằng năm chứng kiến sự hội tụ của cộng đồng thiết kế quốc tế tại Milan Design Week – triển lãm thiết kế lớn nhất thế giới. Thành phố Milan trở nên sôi động hơn với những showroom ấn tượng, trưng bày những thiết kế sản phẩm đột phá, thu hút sự quan tâm của những chuyên gia sáng tạo và giới điệu mộ từ khắp nơi trên thế giới. Năm 2025 đánh dấu một cột mốc đặc biệt quan trọng với ngành thiết kế nội thất Việt Nam khi lần đầu tiên có một thương hiệu trong nước tham gia SaloneSatellite – triển lãm thuộc khuôn khổ chính thức của Salone del Mobile Milano. Họ chính là Snorm.

Snorm 2025 1

Các thành viên chính của thương hiệu (từ trái sang): NTK Phạm Thọ Nhân, Phan Văn Hào – Phát triển sản phẩm, KTS Nguyễn Việt Triều – Cố vấn truyền thông và kinh doanh, KTS Phạm Nhân Thọ – Giám đốc sáng tạo, Bùi Kim Thông – Phát triển sản phẩm.

Tên gọi xuất phát từ cụm từ “Super. Normal. Things”, hàm ý những sản phẩm hòa quyện tinh tế giữa nghệ thuật, tính ứng dụng và vẻ đẹp đời thường. Snorm là thương hiệu đồ nội thất trẻ có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, được sáng lập từ năm 2020. Thể hiện đúng triết lý này tại SaloneSatellite 2025, đội ngũ thiết kế giới thiệu một BST gồm ba nhóm sản phẩm tâm huyết.

Đầu tiên là bộ đèn gốm mang tên Shape of Fire – Hình hài của lửa. Ý tưởng khởi nguồn từ quan sát quá trình nung gốm, khi người thợ cẩn thận sắp xếp từng sản phẩm lên khay trước khi đưa vào lò nung. Bên trong lò, ánh lửa hiện lên dáng hình của những món đồ gốm một cách huyền ảo. Lửa – yếu tố vô định về hình thù – lại mượn dáng vẻ của vật thể mà nó bao trùm để tồn tại. Theo nghĩa này, âm bản của một vật thể hữu hình chính là dương bản của một hiện tượng không thể nắm bắt được. Từ triết lý sâu sắc đó, bộ đèn gốm ra đời với ánh sáng ấm áp chiếu qua những khe hở có hình thù khác biệt, tượng trưng cho dáng hình của lửa.

Snorm Shape of Fire 1 do gom yen lam

Thiết kế trong bộ đèn gốm Shape of Fire, hợp tác với Yên Lam Gốm.

Snorm Shape of Fire 2 do gom yen lam salonesatelitte

Thiết kế trong bộ đèn gốm Shape of Fire, hợp tác với Yên Lam Gốm.

Thiết kế thứ hai mang tên X-stool. Trong tiếng Anh, “stool” là chiếc ghế đẩu – loại ghế quen thuộc trên các con phố Việt Nam, còn chữ “X” biểu trưng cho cấu trúc xếp đặc trưng của sản phẩm. Đây là một lối chơi chữ khéo léo, để cái tên duy nhất đã có thể khái quát được tinh thần thiết kế. Sản phẩm có hai phiên bản – có và không có tựa lưng – được chế tác từ chất liệu gỗ và nhôm. Sự kết hợp này thể hiện mong muốn dung hòa yếu tố thủ công – chủ đề chính của Salone del Mobile 2025 – vào một sản phẩm mang hơi thở đường phố và trẻ trung.

Ghe X-tool do noi that salonesatelitte

Mẫu ghế X-tool có lưng tựa.

Cuối cùng là thiết kế LiTEA. Khi phát âm, tên sản phẩm nghe như “li ti” – có nghĩa là nhỏ bé, đồng thời là sự kết hợp tinh tế giữa “ly” (vật dụng để uống nước) và “tea” (trà). Dụng ý của NTK hiện lên rõ nét qua cái tên đầy ý nghĩa này. Chiếc ghế được thiết kế để ngồi bàn thấp, gợi nhớ đến những khoảnh khắc thưởng trà, dùng bữa hay làm việc đặc trưng của người Á Đông. Chất liệu chính là gỗ và mây đan, cũng phù hợp với chủ đề thủ công của triển lãm. Đây là sản phẩm được nhóm thiết kế yêu thích nhất và mang tính đại diện cao nhất trong hành trình giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới, bởi nó tạo được ấn tượng sâu sắc với người phương Tây, vốn không quen ngồi thấp.

Snorm LiTEA 3 ghe do noi that salonesatelitte

Ghế LiTEA.

Snorm LiTEA 2

Thiết kế LiTEA làm từ gỗ và mây đan, được thiết kế cho những hoạt động quen thuộc với người Á Đông như thưởng trà, dùng bữa, học tập…

Để có mặt tại triển lãm SaloneSatellite lần này, Snorm đã tham gia cuộc tuyển chọn với chủ đề thiết kế do ban tổ chức đề ra. Tính từ thời điểm nhận đề bài, nhóm thiết kế chỉ có 4 tháng để chuẩn bị hồ sơ dự thi. Trong khoảng thời gian này, các thành viên phải xây dựng ý tưởng, phát triển mẫu thử, hoàn thiện sản phẩm và thực hiện bộ ảnh minh họa. Chặng đường này là một giai đoạn đầy thử thách với cường độ làm việc cao để tạo nên BST thuyết phục nhất. Mọi nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng. Đến tháng 11/2024, khi Snorm nhận được thông báo BST của mình đã được lựa chọn, đó cũng là lúc những thử thách mới bắt đầu. Nhóm phải tiếp tục phát triển các thiết kế qua hai lần chỉnh sửa để kịp vận chuyển đến Milan, Ý cho triển lãm vào tháng 4/2025. KTS Phạm Nhân Thọ chia sẻ, một trong những thay đổi quan trọng là việc tinh chỉnh kích thước và chi tiết nhằm tối ưu hóa quá trình đóng kiện, tháo ráp và lắp đặt. Áp lực lớn nhất đến từ việc mọi tính toán phải hoàn toàn chính xác ngay trong lần điều chỉnh đầu tiên do quỹ thời gian hết sức hạn hẹp. Thêm vào đó, khâu thiết kế gian hàng cũng đòi hỏi những tính toán tỉ mỉ về thiết kế, nguyên vật liệu và công cụ để vừa đạt hiệu quả thẩm mỹ, vừa tối ưu hóa nhân lực và chi phí.

Trên thực tế, đây là lần thứ hai Snorm có mặt tại Milan. Trong khuôn khổ Milan Design Week 2024, KTS Phạm Nhân Thọ đã đảm nhận đồng thời hai vai trò quan trọng: NTK cho gian triển lãm của HAWA và đại diện thương hiệu Snorm. Trong bối cảnh lần đầu tham gia sân chơi quốc tế với nhiều hạn chế, anh đã gánh vác thêm nhiều trách nhiệm cùng lúc để đảm bảo gian hàng cùng các sản phẩm trưng bày – bao gồm cả của Snorm và hơn 30 thương hiệu khác – được triển khai một cách hoàn hảo nhất.

snorm hawa vietnam pavilion do noi that

Sản phẩm của Snorm tại triển lãm VIETNAM PAVILION diễn ra vào tháng 4/2024.

Nhìn lại những kỷ niệm đó, KTS Phạm Nhân Thọ bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc vì có cơ hội được đồng hành cùng HAWA, bởi đó chính là nền tảng giúp anh và Snorm có thể có mặt tại SaloneSatellite năm nay. Theo anh, nếu đã được chứng kiến những điều tuyệt vời và vĩ đại mà không có những hành động cụ thể để theo đuổi, thì cơ hội đó chỉ đơn thuần như một chuyến tham quan.

Milan Design Week được ví như một đại dương, nơi mọi dòng chảy tinh túy của ngành thiết kế tụ hội, và bên trong đều là những “con cá lớn”. Snorm bắt đầu ấp ủ quyết tâm mãnh liệt để trở thành cái tên chính thức tham gia Milan Design Week từ khoảnh khắc nhận ra mình muốn là một phần của cuộc chơi, thay vì chỉ là vị khách quan sát từ bên ngoài. Ngoài cơ hội giới thiệu thương hiệu đến thị trường quốc tế tiềm năng, Snorm đã thu về những trải nghiệm quý báu. NTK Phạm Thọ Nhân chia sẻ rằng sự kiện là dịp trưng bày và định hướng những xu hướng thiết kế toàn cầu mới nhất – điều khó có cơ hội tiếp cận nếu chỉ hoạt động trong phạm vi Việt Nam. Việc nhìn thấy bức tranh toàn cảnh và giao lưu với những đồng nghiệp quốc tế đã giúp họ phần nào hình dung được những bước đi phù hợp cho Snorm và khía cạnh cần cải thiện để có thể hòa nhập vào thị trường lớn hơn.

Không chỉ chuẩn bị BST cho SaloneSatellite 2026, đội ngũ Snorm còn phải xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm và định hướng kinh doanh trong nước cho BST vừa được giới thiệu tại Milan. Các sản phẩm với sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố công nghiệp và thủ công sẽ được mở rộng thành nhiều dòng sản phẩm đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu và ngân sách của các nhóm khách hàng khác nhau.

Gian hang may tre

Gian hàng của Snorm được thiết kế với ý tưởng sử dụng thảm họa tiết để tổ chức không gian. Những tấm thảm đóng vai trò định hình bố cục, phân chia khu vực trưng bày và tạo liên kết cho tổng thể không gian. Tinh thần thủ công được thể hiện qua việc kết hợp đa dạng các loại vật liệu quen thuộc như mây tre, gỗ, kim loại và gốm, được tái hiện trong ngữ cảnh thiết kế đương đại.

Snorm sẽ tiếp tục hợp tác với nhiều NTK trẻ và các làng nghề thủ công truyền thống để tạo ra những thiết kế mới mẻ. Những sản phẩm này không chỉ mang câu chuyện về sự hợp tác liên ngành mà còn góp phần gìn giữ và phát triển những nhóm kỹ thuật thủ công truyền thống. Đằng sau sự phấn chấn và hy vọng vào chặng đường phía trước, câu chuyện về hành trình đến với SaloneSatellite của Snorm là nguồn cảm hứng về tinh thần dám mơ lớn và dám thực hiện ước mơ, cũng như sự kiên định với mục tiêu thực tế và rành mạch.

SaloneSatellite là một trong những chương trình quan trọng và đặc sắc nhất được tổ chức hàng năm tại Triển lãm Salone del Mobile Milano. Do Marva Griffin sáng lập vào năm 1998, SaloneSatellite mang mục tiêu trở thành nền tảng kết nối và hỗ trợ các NTK trẻ, sinh viên và tài năng mới trên toàn thế giới. Trong hơn 25 năm, mô hình này đã giới thiệu hàng ngàn NTK trẻ với ngành thiết kế thế giới. Nhiều NTK và studio nổi tiếng ngày nay từng tham gia triển lãm này như: Oki Sato của Nendo, Sebastian Herkner, Matali Crasset, Frank Chou…

Bài: Hoàng Lê | Ảnh: NVCC


Xem thêm

Kiến trúc sư – Nhà thiết kế Phạm Thọ Nhân: Hài hòa giữa tinh thần hiện đại và hoài cổ

Bộ ảnh sắp đặt: Palette mùa Hè

Milan Design Week 2025: Nếp gấp ánh sáng của A-Poc Able Issey Miyake