Bộ môn nghệ thuật thứ bảy điện ảnh mê hoặc chúng ta bằng câu chuyện lẫn không gian sống được kiến tạo trong từng khung hình. Bối cảnh trên màn bạc còn đóng vai trò như một thứ ngôn ngữ thị giác mạnh mẽ, nơi mà những bức tường, đồ nội thất và đặc biệt là ánh sáng trở thành những nốt nhạc quan trọng trong bản giao hưởng không lời của cuộc sống.
Đối với người làm thiết kế nội thất, điện ảnh là một tài nguyên chờ được khám phá. Mỗi bộ phim là một thế giới với những quy tắc thẩm mỹ và triết lý không gian độc đáo. Như nhà thiết kế huyền thoại Charles Eames từng nói: “Chi tiết không chỉ là chi tiết. Chúng tạo nên thiết kế”. Cũng như điện ảnh, mỗi chi tiết đều được cân nhắc kỹ lưỡng, mỗi góc máy đều có chủ đích và mỗi màu sắc đều mang ý nghĩa.
ELLE Decoration mời bạn đọc cùng đắm mình trong 5 kiệt tác điện ảnh làm rung động trái tim người xem bằng mạch truyện và những chân trời mới cho nghệ thuật thiết kế không gian.
1. The Grand Budapest Hotel (2014) – Sự hòa quyện giữa sắc màu và cảm xúc
Trong thiết kế nội thất, một bảng màu thống nhất có thể tạo nên tính cách cho không gian, ngay cả khi phá vỡ quy tắc thông thường về sự kết hợp màu sắc. Wes Anderson đã tạo nên một thế giới riêng với bảng màu pastel tinh tế và cấu trúc đối xứng hoàn hảo với tỷ lệ 1:1 theo phong cách “set-like”, tạo cảm giác như không gian sân khấu kịch, là minh chứng cho triết lý thiết kế Every frame a painting (Mỗi khung hình là một bức tranh) của Anderson. The Grand Budapest Hotel không chỉ là một tác phẩm điện ảnh xuất sắc với hàng loạt giải thưởng danh giá, mà còn là một bài học về cách màu sắc có thể định hình cảm xúc và không gian.
Anderson đã kết hợp một cách sáng tạo đồ họa Art Nouveau và Art Deco, không tuân theo quy tắc lịch sử chặt chẽ, tạo nên một không gian vượt thời gian, nơi hoài niệm và trí tưởng tượng giao thoa.
Nhìn sâu hơn vào thiết kế của khách sạn Grand Budapest, người xem thấy được Anderson sử dụng màu hồng đậm của mặt tiền để tạo cảm giác ấm áp và chào đón, trong khi nội thất với tông màu đỏ rượu vang lại mang đến sự sang trọng và bí ẩn. Điểm đặc biệt trong thiết kế của phim là sự chuyển đổi tinh tế giữa các thời kỳ: khách sạn ở thời kỳ đỉnh cao (1930s) với hai màu nóng rực rỡ đối lập với khách sạn thời kỳ suy tàn (1960s) mang tông màu nâu xám buồn tẻ. Điều này cho thấy màu sắc là yếu tố thẩm mỹ có khả năng kể chuyện về thời gian và ký ức.
2. Parasite (2019) – Ẩn dụ xã hội qua kiến trúc
Parasite của Bong Joon-Ho là một kiệt tác về cách không gian sống phản ánh và tác động đến địa vị xã hội. Điều đáng kinh ngạc là ngôi nhà của gia đình họ Park được nhà sản xuất Lee Ha Jun thiết kế độc quyền cho bộ phim (không phải địa điểm có thật) với ý tưởng “giàu có nhưng khiêm tốn, sang trọng nhưng không phô trương”.
Gia đình Kim sống trong banjiha – loại nhà bán hầm đặc trưng ở Seoul, vốn được xây làm hầm trú ẩn chống bom trong chiến tranh Triều Tiên, nay trở thành biểu tượng cho tầng lớp thu nhập thấp nhất ở Hàn Quốc. Không gian của kiểu nhà này luôn ẩm thấp, thiếu ánh sáng tự nhiên và dễ bị ngập lụt – phản ánh thực trạng nhà ở của nhóm người yếu thế trong xã hội.
Ngôi nhà sang trọng, hiện đại của gia đình Park trong phim Parasite.
Xuất hiện hoàn toàn đối lập chính là thiết kế ngôi nhà của Park, có kiến trúc theo phong cách modernism của kiến trúc sư (một nhân vật hư cấu) Namoong với không gian mở, ánh sáng tự nhiên dồi dào và kết nối trực tiếp với thiên nhiên thông qua khu vườn trong khuôn viên nhà. Đặc biệt, khu vườn được thiết kế theo phong cách borrowed landscape – vay mượn cảnh quan từ thiên nhiên, tạo cảm giác sở hữu cả thế giới bên ngoài.
Ánh sáng tự nhiên trong thiết kế nhà ở là yếu tố chức năng lẫn đặc quyền – một thông điệp sâu sắc về bất bình đẳng xã hội mà các nhà thiết kế cần nhận thức.
3. Her (2013) – Không gian cảm xúc trong kỷ nguyên công nghệ
Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, thách thức của nhà thiết kế nội thất là tạo ra không gian vừa tích hợp công nghệ, vừa giữ được sự ấm áp, thân thiên cho con người.
Thiết kế nội thất trong Her dự đoán xu hướng tech-warm minimalist trước khi nó trở thành xu hướng trong thiết kế hiện đại. Nhà thiết kế sản xuất K.K.Barrett đã tạo nên một tương lai gần, hoàn toàn không có những chủ điểm công nghệ phô trương, mà thay vào đó là sự tích hợp tinh tế vào cuộc sống hằng ngày.
Với màu sắc chủ đạo bao gồm đỏ, cam và hồng pastel, Her diễn ra trong một không gian vừa tương lai lại vừa hoài niệm. Đáng chú ý, nhân vật chính, Theodore (Joaquin Phoenix thủ vai) không sống trong một căn hộ lạnh lẽo, siêu hiện đại như các phim khoa học viễn tưởng thông thường, mà trong một không gian ấm áp với chất liệu gỗ, vải tự nhiên và ánh sáng dịu nhẹ.
Ảnh: Tư liệu
Đồ nội thất tích hợp công nghệ một cách liền mạch nhưng vẫn sử dụng vật liệu tự nhiên như gỗ, dự đoán xu hướng smarthome hiện nay. Công sở trong phim có thiết kế kiểu co-working space mở nhưng vẫn đảm bảo riêng tư – một khái niệm mà nhiều văn phòng hiện đại đang áp dụng. Căn hộ của Theodore nằm trong tòa nhà cao tầng với cửa sổ lớn đượm màu hoàng hôn LA – tạo cảm giác cô đơn trong đám đông đặc trưng của đô thị hiện đại.
4. The Handmaiden (2016) – Kiến trúc lai tạp và bản sắc văn hoá
Sự giao thoa văn hóa trong thiết kế không gian có thể tạo nên những trải nghiệm phong phú và đa tầng ý nghĩa, nhưng cũng cần nhận thức về những vấn đề quyền lực và bản sắc văn hoá.
The Handmaiden là bài học về kiến trúc lai tạp trong bối cảnh thuộc địa. Thiết kế nội thất trong bối cảnh chính kết hợp giữa washitsu (phòng kiểu Nhật với chiếu tatami, cửa trượt shoji) và phong cách Victorian với thư viện Gothic, phòng ngủ phong cách Tây phương tạo nên không gian vừa quen thuộc, vừa xa lạ.
Dinh thự được quay tại một địa điểm có thật – phim trường Goyang ở Hàn Quốc, được thiết kế bởi Ryu Seong-hie, thể hiện sự pha trộn văn hoá thời thuộc địa. Có thể nói, bối cảnh này là biểu tượng cho sự áp đặt và xâm lược văn hoá thông qua kiến trúc.
Cách bố trí không gian với hành lang, cầu thang bí mật và phòng kín theo kỹ thuật visual circulation phản ánh cốt truyện đa tầng và lớp mây mù của sự lừa dối. Đặc biệt, phòng thư viện với cấu trúc hai tầng và cầu thang xoắn ốc là không gian trung tâm, là nơi những bí mật dần được tiết lộ và những mối quan hệ đổi thay, xoay chiều.
Thiết kế ánh sáng theo phong cách chiaroscuro – tương phản mạnh giữa sáng và tối, nhất là trong thư viện, nơi Fujiwara tổ chức các buổi đọc sách không đơn thuần. Kỹ thuật này tạo nên không khí bí ẩn, phản ánh tính hai mặt của nhân vật và tình huống.
5. Ex Machina (2014) – Tương lai của thiết kế bền vững
Thiết kế bền vững không đồng nghĩa với việc từ bỏ công nghệ hay tiện nghi hiện đại, mà là tìm kiếm sự cân bằng giữa phát triển công nghệ và tôn trọng thiên nhiên. Bộ phim về trí tuệ nhân tạo Ex Machina là một ví dụ xuất sắc về kiến trúc bền vững hiện đại.
Bộ phim được quay tại Khách sạn Juvet Landscape tại Na Uy với vỏn vẹn 3 phòng xây theo kiểu cabin, được thiết kế bởi kiến trúc sư Jensen & Skodvin. Họ chọn phong cách thiết kế theo nguyên tắc minimal intervention, can thiệp tối thiểu vào môi trường tự nhiên khi xây dựng khách sạn đặc biệt này. Mỗi cabin được đặt cẩn thận để không phải đốn bỏ cây nào, và được nâng trên cọc để không làm xáo trộn mặt đất.
Phòng thí nghiệm của Nathan (Oscar Isaac thủ vai) sử dụng kỹ thuật bê tông thô mộc kết hợp với công nghệ cao, tạo cảm giác vừa thô sơ, vừa tinh vi. Đây là ví dụ về cách sử dụng vật liệu thuần khiết, nơi bê tông được thể hiện đúng bản chất của nó, không che đậy, không trang trí.
Khách sạn Juvet Landscape, bối cảnh trong phim Ex Machina.
Cấu trúc chia tầng của công trình này tạo ra nhiều lớp không gian, phản ánh nhiều lớp ý thức và trí tuệ trong câu chuyện. Từ khu vực sinh hoạt mở trên cao, phòng ngủ nửa tầng cho đến phòng thí nghiệm dưới lòng đất – mỗi cấp độ không gian đại diện cho một bậc ý thức khác nhau.
Thiết kế không gian trong bộ phim còn theo nguyên tắc kết nối con người với thiên nhiên, với cửa kính lớn mở ra cảnh quan rừng xanh và thác nước. Mặc dù là nơi phát triển công nghệ cao nhất, ngôi nhà vẫn duy trì kết nối với thế giới bên ngoài – một bài học về sự cân bằng trong thời đại số.
Điện ảnh – Phòng thí nghiệm cảm xúc của những thiết kế
Những bộ phim trong danh sách này không chỉ là những tác phẩm điện ảnh đáng xem, mà còn là nguồn cảm hứng đặc sắc cho người làm thiết kế nội thất và bối cảnh. Người xem thấy được cách không gian có thể trở thành nhân vật chính trong câu chuyện cuộc sống, và cách mỗi yếu tố thiết kế – từ màu sắc, ánh sáng đến vật liệu và cấu trúc – đều có thể mang ý nghĩa sâu sắc. Điện ảnh với khả năng kể chuyện bằng hình ảnh, đã trở thành phòng thí nghiệm nơi những ý tưởng thiết kế được thử nghiệm và tái diễn giải.
Thực hiện: Hoài Thu
Xem thêm:
Sức mạnh kể chuyện của đô thị trong phim