8 loại vật liệu với tính năng phân hủy sinh học | Từ điển ELLE Decoration

Trong mọi sự sáng tạo của nền công nghiệp xây dựng, các nhà đầu tư luôn mong muốn tạo ra nhiều điều mới mẻ mà xem nhẹ đi hệ quả không thể tránh khỏi sau mỗi công trình.

Chúng ta luôn muốn các công trình xây dựng phải mang tính bền vững, nhưng đứng trước thời gian khắc nghiệt, đó là điều bất khả thi. Vậy, toàn bộ những chất thải vật liệu từ công trình xây dựng sẽ được quan tâm xử lý đúng mực hay lại là một vấn đề tồn đọng cần giữa môi trường đang ngày càng nhức nhối.

Trước thực tế khắc nghiệt ấy, hãy cùng ELLE Decoration điểm qua 8 loại vật liệu có khả năng phân hủy sinh học, một giải pháp tối ưu cho mọi xu thế kiến trúc – nội thất hiện nay.

1. Gỗ bần

Gỗ bần được ví như một “siêu thực phẩm” của nền công nghiệp vật liệu xây dựng. Việc khai thác nguồn cung gỗ bần là một quá trình hoàn toàn không gây hại đến môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, đây là vật liệu ưu việt với tính năng chống cháy, cách âm và chống thấm cực tốt được dùng cho cả nội thất và ngoại thất.

vật liệu 8

Ảnh: Archdaily.

2. Tre

Tre được xem là cơn sốt kiến trúc lớn nhất trong những năm trở lại đây, vô số các dự án và công trình được làm từ loại vật liệu này đã được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện truyền thông nhờ vào đặc điểm thẩm mỹ của chúng. Nhưng hơn hết, chính tính năng bền vững của tre mới là điều cần phải nhắc đến. Tre có thể phát triển hơn 1 mét mỗi ngày sau khi được khai thác và mang độ bền gấp 2 đến 3 lần so với thép.

vật liệu 7

Ảnh: Archdaily.

3. Finite (cát sa mạc)

Gần đây, các sinh viên của trường Imperial College tại London bao gồm Carolyn Tam, Hamza Oza, Matteo Maccario và Saki Maruyama đã phát triển một loại vật liệu mới từ cát sa mạc mang tên Finite. Đây là một hỗn hợp vật liệu được so sách trực tiếp với bê tông có nguồn gốc từ cát sa mạc, một loại cát ít gây ảnh hưởng đến môi trường hơn so với loại cát trắng thường dùng trong xây dựng. Đặc biệt, loại vật liệu này đem lại tính năng phân hủy sinh học tốt hơn so với bê tông, đồng thời, sau khi bị phân hủy, chúng còn có thể được tái chế và tận dụng nhiều lần, giảm thiểu việc tiêu thụ vật liệu.

vật liệu 6

Ảnh: Archdaily.

4. Tấm lót sàn Linoleum

Khác với các tấm lót sàn được làm từ vinyl với hỗn hợp dầu clo hóa gây hại đến mội trường, tấm lót sàn Linoleum được sản xuất hoàn toàn từ các nguyên liệu đến từ tự nhiên gồm: dầu hạt lanh, nhựa tự nhiên, bụi gỗ bần, bộ gỗ và bột đá vôi – tất cả tạo nên một vật liệu có thể phân hủy sinh học, bên cạnh đó, khi được loại bỏ và không sử dụng đến, Linoleum còn được tận dụng làm chất đốt tự nhiên, cung cấp một nguồn năng lượng sạch.

vật liệu 5

Ảnh: Archdaily.

5. Nhựa tự nhiên (đậu nành)

Trước tình trạng biển cả đang lâm vào cảnh “bội thực” rác thải, đặc biệt là các rác thải từ nhựa với thời gian phân hủy trong thời gian dài. Sự xuất hiện của nhựa tự nhiên như một cứu cánh đúng lúc để thay thế cho các loại nhựa thông thường. Với ưu điểm phân hủy sinh học, nhựa tự nhiên được tạo nên từ chất kết dính của đậu nành có thời gian phân hủy khá nhanh (6 tuần – tương đương với giấy),  giảm thải carbon dioxide và formaldehyde (một hợp chất gây ung thư). Bên cạnh đó, quá trình sản xuất nhựa tự nhiên đòi hỏi nhiệt độ nấu chảy thấp hơn so với các loại nhựa thông thường.

vật liệu 4

Ảnh: Archdaily.

6. Ván MDF sử dụng tinh bộ khoai tây

Tương tự với nhựa hóa học, chất kết dính trong ván MDF thông thường cũng chứa hợp chất formaldehyde gây ung thư và không thể tái chế. Bên cạnh đó, đây lại là loại vật liệu rất phổ biển trên thị trường tiêu dùng thế giới. Nhằm giải quyết vấn đề này, một hình thức mới của ván MDF đã được nghiên cứu bởi Đại học Leicester để thay thế hợp chất formaldehyde bằng loại chất kết dính khác có nguồn gốc từ tinh bột khoai tây, một thành phần tự nhiên có thể dễ dàng phân hủy với đặc tính sinh học của mình.

vật liệu 3

Ảnh: Archdaily.

7. Gỗ

Có thể đây không phải là một lựa chọn hoàn hảo tuyệt đối, nhưng không thể phủ nhật rằng gỗ chính là một vật liệu hoàn toàn thuần tự nhiên với đầy đủ các đặc tính sinh học với khả năng tái tạo cao nếu được khai thác đúng mực và đúng cách.

vật liệu 2

Ảnh: Archdaily.

8. Sợi nấm

Theo những nghiên cứu gần đây, sợi nấm được biết đến như một điều kỳ diệu trong ngành công nghiệp phát triển vật liệu, tuy nhiên, loại vật liệu này vẫn còn khá hạn chế trong việc sử dụng rộng rãi. Sợi nấm là thành phần sinh dưỡng của nấm, được tạo nên từ hàng trăm sợi xen kẽ do các bào tử nấm tạo ra. Chính đặc tính sinh học ấy đã khiến chúng trở thành một vật liệu cực kỳ bền khi được sấy khô. Hơn hết, nấm còn có thể được sử dụng như một loại gạch trong xây dựng với mức độ phân hủy đạt chuẩn tối ưu cho môi trường.

vật liệu 1

Ảnh: Archdaily.

Thực hiện: Đức Nguyên – Theo: Archdaily – Ảnh: Archdaily.


Xem thêm:

6 loại vật liệu bền bỉ với thời gian | Từ điển ELLE Decoration

8 loại vật liệu mới với tính năng tiết kiệm năng lượng | Từ điển ELLE Decoration