Cải tạo: Hướng đi “cũ mà mới” cho tương lai kiến trúc

Việc cải tạo một công trình trên thực tế lại phức tạp hơn rất nhiều so với xây dựng mới, tuy nhiên những nguồn lợi lớn lao mà chúng mang đến lại đáng để xem xét kỹ lưỡng. Những lợi ích không chỉ tác động trực tiếp đến cuộc sống con người mà rộng hơn còn là chìa khóa mở ra cánh cửa tốt đẹp đến tương lai.

Giải thưởng Pritzker năm 2021 được trao cho bộ đôi KTS Lacaton & Vassal đã gợi mở một phần về tương lai của kiến trúc từ chính quan điểm thực hành của họ: “không bao giờ phá dỡ, loại bỏ hoặc thay thế, luôn bổ sung, biến đổi và tái sử dụng”. Lacaton & Vassal đã tạo dựng sự nghiệp bằng cách tập trung vào việc cải tạo các tòa nhà, mang đến cho chúng chất lượng sử dụng mới hiệu quả hơn. Cách tiếp cận của họ dường như đi ngược lại với hầu hết những công trình kiến trúc từng được thế giới tôn vinh, những biểu tượng vô cùng hoành tráng mà giới KTS toàn cầu tôn thờ từ sau khái niệm Tabula Rasa được phổ biến (nghĩa là xây dựng từ ban đầu), điển hình như Ville Radieuse của Le Corbusier.

cải tạo 6

Ảnh: Adrià Goula.

Tạm thời gác lại nhu cầu và các tiêu chuẩn bền vững đang rất thịnh hành trong thời điểm hiện nay, hoặc cũng có thể nói rằng số lượng các tòa nhà trên thế giới đã đủ nhiều thì vai trò của việc cải tạo không gian vẫn đóng vai trò quan trọng cho những thay đổi cần thiết trong tương lai. Trọng tâm chính của cải tạo sẽ tập trung vào không gian nội thất, chú trọng chất lượng sống và sự thoải mái của người sử dụng trong xã hội hiện đại. Câu hỏi cần đặt ra ở đây là làm thế nào để có thể cải tạo lại các công trình cũ để thích ứng với nhu cầu mới một cách bền vững và hạnh phúc?

Từ mặt bằng bố trí đơn giản cho đến vấn đề lớn hơn như thay đổi kết cấu, nội thất ảnh hưởng đến tổng thể công trình, lĩnh vực cải tạo luôn cần huy động nguồn lực lớn. Đại dịch COVID-19 và bối cảnh dành nhiều thời gian ở nhà hơn đã biến ngôi nhà chúng ta trở thành một tổ hợp văn phòng, trường học hay thậm chí là cả phòng gym. Việc can thiệp đến không gian sống tưởng chừng đơn giản giờ đây lại phức tạp hơn rất nhiều. Thực tế các công trình khi thay đổi sẽ có nhiều vấn đề cần xử lý hơn so với một cấu trúc xây mới hoàn toàn. Vì lý do này mà yếu tố quan trọng nhất cho việc cải tạo là một lực lượng có chuyên môn và kinh nghiệm hoặc được tư vấn bởi chuyên gia.

Sẽ luôn có sự khác biệt trong các điều khoản liên quan đến cải tạo ở mỗi quốc gia và khu vực. Như vậy cải tạo có thể được định nghĩa là cải tiến hoặc hiện đại hóa một phần/toàn bộ cấu trúc hiện có. Lẽ dĩ nhiên khi đã gắn liền với yếu tố cải tiến, sự xuất hiện của nhiều thuật nghĩ liên quan đến công nghệ, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng sẽ xuất hiện nhiều hơn. Có nhiều cách gọi khác nhau như tân trang, tu sửa, cải tạo nhưng tựu trung đều nhằm mục đích cải cách một công trình lâu đời hoặc đã qua sử dụng. Riêng khái niệm trùng tu sẽ được áp dụng với công trình có giá trị lịch sử, vì vậy việc can thiệp sẽ được giám sát chặt chẽ hơn nhằm tránh các sai lầm so với nguyên mẫu ban đầu.

cải tạo 5

Ảnh: Héctor Santos-Díez.

Dù sử dụng thuật ngữ nào thì việc cải tạo một công trình thay vì phá bỏ vẫn mang đến nguồn lợi lớn về nguyên vật liệu khi hạn chế được phần lớn nhu cầu khai thác. Trong một số trường hợp, chúng còn mang đến ý nghĩa lớn lao về bảo tổn ký ức và lưu giữ hình ảnh đô thị ban đầu. Một yếu tố khác liên quan đến cải tạo “thân thiện” là thông qua việc hiện đại hóa các tòa nhà, chúng ta có thể tận dụng cơ hội này để lồng ghép thêm tiêu chuẩn tiết kiện năng lượng vào kết cấu cũ, mang đến cuộc sống thoải mái cho người sử dụng, từ đó giúp kéo dài thêm tuổi thọ của công trình (giải pháp cách nhiệt, lưu thông khí, giảm lượng tiêu thụ carbon,…). Như vậy cải tạo công trình còn liên quan đến lĩnh vực tái tạo năng lượng, mở ra một nhiệm vụ mới đầy hướng hẹn cho tương lai của ngành kiến trúc.

Theo Pierre-Emmanuel Thiard chia sẻ: “Cải tạo thay vì xây mới cũng đồng nghĩa với việc giảm thiểu diện tích đất, đảm bảo sự cân bằng tốt hơn trong hệ sinh thái đô thị. Tiếp theo là tạo ra giá trị lao động (khi chúng thực sự phát triển), bởi lẽ công việc này sẽ tạo ra nhiều việc làm cho địa phương. Cuối cùng là tái tạo năng lượng, tạo điều kiện kiến tạo môi trường sống tốt cho sức khỏe của người sử dụng. Nhìn chung cải tạo công trình sẽ đóng góp cho chính sách kinh tế, nhiên liệu ở một mức độ nhất định”.

cải tạo 4

Ảnh: Michael Kai.

Một sáng kiến khác được đưa ra vào tháng 6/2020 bởi European Commission với tên gọi Renovation Wave đã chứng minh tầm quan trọng mang tính toàn cầu của việc cải tạo. Báo cáo chỉ ra rằng các tòa nhà là một trong những nguồn tiêu thụ năng lượng lớn nhất ở Châu Âu (chiếm hơn một phần ba lượng khí thải carbon trên toàn Châu Âu) và hiện có khoảng 75% các tòa nhà trong khu vực này không sử dụng năng lượng cách hiệu quả. Để thành công trong chiến lược giảm khí thải và cải thiện chất lượng sống của hành tinh, kế hoạch cải tạo các tòa nhà công cộng lẫn tư nhân là bản hoạch định thiết yếu. Ngoài việc đưa ra lời kêu gọi, phát triển vật liệu, giải pháp bền vững, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới còn hỗ trợ đào tạo hơn 10.000 nghệ nhân mỗi năm về các vấn đề môi trường, tiếp xúc với các chuyên gia nhằm thúc đẩy kế hoạch cải tạo trên quy mô toàn cầu.

Sáng kiến này rất thú vị khi huy động được nhiều nguồn lao động có chuyên môn cao, song hành với đó là kiến thức về kỹ thuật, vật liệu xây dựng dân dụng được nâng cao. Các nguồn lực của chính phủ trong kế hoạch này cũng đóng vai trò vô cùng cần thiết, tuy nhiên điều quan trọng là phải được phân bổ đúng nơi cần thiết. Tại Brazil đã ban hành Luật hỗ trợ kỹ thuật miễn phí, cho phép cải tạo các dự án nhà ở đối với gia đình có thu nhập thấp với chi phí bằng không.

cải tạo 3

Ảnh: Leonardo Finotti.

cải tạo 2

Ảnh: Adam Gibson.

Sự thay đổi trong mô hình này còn có xu hướng thay đổi trọng tâm xây dựng, thậm chí còn đào tạo ra thế hệ KTS mới chuyên can thiệp vào những kết cấu hiện có thay vì tạo ra những công trình mới.

Liệu một tòa nhà hiện đại và hứa hẹn mang đến hiệu quả sử dụng cao có thực sự bền vững khi trước tiên chúng ta cần phải phá bỏ cấu trúc cũ đang hoạt động tốt để tái xây dựng? Đây là câu hỏi xác đáng cho tương lai của kiến trúc khi chúng ta cần tập trung hơn vào việc thích ứng với những gì đang có hơn là xây dựng mới. Vì mục tiêu lớn hơn của cải tạo là tiết kiệm khối lượng lớn nguồn tài nguyên, giảm thiểu carbon và tạo tiền đề phục hồi kinh tế. Một tuyệt tác hội họa không tự thân vĩ đại mà luôn khởi điểm từ một chấm nhỏ, tương lai của ngành kiến trúc có thể sẽ bắt đầu từ những công trình dân dụng tiến dần đến quy mô lớn hơn.

cải tạo 1

Ảnh: José Hevia.


Bài: Đức Nguyên | Theo: Archdaily | Ảnh: Tư liệu.


Xem thêm:

Sống giữa mảng xanh

Những suy ngẫm về giá trị bền vững