Những năm gần đây, sự lên ngôi của khách sạn boutique đã tạo nên một làn gió mới cho ngành du lịch, khi các nhà thiết kế tập trung vào quy mô lẫn hướng đến việc mang lại những trải nghiệm lưu trú mới mẻ và có cá tính cho du khách. Việc tạo nên một thương hiệu thành công đòi hỏi nhiều hơn sự đầu tư xa hoa. Trong bài viết này, hãy cùng ELLE Decoration khám phá những chiến lược thiết kế hiệu quả để khách sạn boutique ghi dấu ấn sâu đậm, ngay cả khi có những hạn chế.
Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa địa phương và thiết kế hiện đại đã tạo nên nét độc đáo và ấn tượng cho khách sạn boutique. Ảnh: The Myst Đồng Khởi
Xây dựng bản sắc mạnh mẽ – Câu chuyện kể qua từng chi tiết
Một khách sạn boutique thành công là nơi cung cấp chỗ nghỉ ngơi, mang đến trải nghiệm toàn diện gắn liền với một câu chuyện, một bản sắc riêng biệt. Xây dựng cá tính mạnh mẽ với không gian giới hạn đòi hỏi sự tinh tế và đầu tư công phu vào từng chi tiết, từ khâu thiết kế đến dịch vụ khách hàng.
Bản sắc của khách sạn boutique bắt đầu từ việc lựa chọn một chủ đề thiết kế thống nhất xuyên suốt. Nhất quán là tính chất quan trọng, thể hiện trong kiến trúc, nội thất, màu sắc, chất liệu đến đồ trang trí. Đó có thể là phong cách Rustic mộc mạc ấm cúng, Minimalist hiện đại tinh tế, Bohemian phóng khoáng tự do, hay phong cách cổ điển sang trọng… Chủ đề này sẽ định hình diện mạo và tính cách của khách sạn, tạo nên ấn tượng đầu tiên với du khách.
Khách sạn boutique đậm chất hipster ở Thessaloniki đã hồi sinh một công trình kiến trúc tân cổ điển xây từ năm 1925. Nội thất chào đón du khách với những viên gạch thô, trần nhà và cầu thang gỗ nguyên bản, toát lên vẻ đẹp của kỹ thuật chế tác bậc thầy một thời. Ảnh: Hipsters
Một câu chuyện đặc trưng làm nên nhận diện của mỗi khách sạn boutique, có thể lấy cảm hứng từ lịch sử kiến trúc, bản sắc văn hóa, hay hành trình riêng của chủ sở hữu. Việc lồng ghép câu chuyện vào thiết kế sẽ tạo nên sự cộng hưởng cảm xúc giữa du khách và khách sạn, khiến họ cảm thấy có được sự kết nối đặc biệt.
Thiết kế nội thất được tô điểm bởi sự kết hợp giữa thép mạ kẽm, kim loại đen thô cùng những mẫu nội thất kinh điển đến từ các tên tuổi lớn như Jean Prouvé, Werner Panton, Tom Dixon và Gebrüder Thonet. Ảnh: Hipsters
Khéo léo kết hợp nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ địa phương vào thiết kế cũng là một điểm nhấn quan trọng, tạo nên không gian ấm cúng, gần gũi và khác biệt cho khách sạn. Sử dụng đồ gốm, vải dệt, và các tác phẩm nghệ thuật thủ công truyền thống phản ánh văn hóa địa phương, cũng như hỗ trợ cộng đồng. Thêm vào đó, những điểm nhấn thiết kế có thể là một bức tranh tường nghệ thuật, một khu vườn nhỏ, bộ sưu tập đồ cổ, hay đơn giản là một vật liệu đặc biệt, giúp tạo nên cá tính thương hiệu.
Xique Boutique Hotel Mexico với câu chuyện thiết kế đồng bộ từ kiến trúc đến nội thất, phản ánh văn hóa địa phương cùng tính bền vững, khai thác vật liệu bề mặt từ chukum màu hồng đất- loại vật liệu có khả năng làm mát thụ động và giảm hấp thu nhiệt, chống thấm nước. Ảnh Cesar Belio
Tối ưu hóa không gian – Khéo léo biến hạn chế thành lợi thế
Không gian nhỏ hẹp có thể biến từ rào cản thành lợi thế chính là thách thức thú vị khi thiết kế khách sạn boutique. Giải pháp nội thất thông minh như giường tích hợp ngăn kéo hay ghế sofa đa năng, giúp tiết kiệm diện tích và đáp ứng linh hoạt các nhu cầu của du khách. Những chiếc gương lớn được sắp đặt có chủ đích vừa mở rộng không gian thị giác, vừa tăng cường ánh sáng. Tinh giản đồ đạc trên sàn nhà, sử dụng móc treo phía sau cửa và thay thế tủ quần áo cồng kềnh bằng kệ gắn tường cũng là những đề xuất đáng cân nhắc.
Đá terrazzo và gỗ địa phương – hai chất liệu gần gũi với thiên nhiên – được sử dụng xuyên suốt thiết kế khách sạn boutique Seegarten, gợi nhắc đến những bãi đá cuội ven hồ và khu rừng bao quanh. Ảnh Nicoló Lanfranchi
Sự lựa chọn vật liệu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa không gian. Ưu tiên các chất liệu nhẹ, có độ phản xạ ánh sáng tốt như gương, kim loại sáng bóng hay đá mài nhẵn. Đồ nội thất gỗ tự nhiên dù chiếm diện tích hơn nhưng vẫn được ưa chuộng nhờ vẻ đẹp nguyên bản, cần được sử dụng tiết chế, tập trung vào những điểm nhấn chính để tránh cảm giác bí bách.
Ngoài ra, ánh sáng tự nhiên là chìa khóa mở ra cảm giác thông thoáng cho không gian nhỏ. Thiết kế cửa sổ lớn kết hợp với ban công hoặc giếng trời có thể tận dụng tối đa nguồn sáng tự nhiên. Việc lựa chọn gam màu sáng như trắng, kem, pastel… tạo cảm giác rộng rãi và thư giản hơn. Để tránh sự đơn điệu, nên khéo léo sử dụng các điểm nhấn màu sắc có chủ đích, làm nổi bật các chi tiết kiến trúc và tạo nên sự thu hút cho tổng thể không gian.
Cầu thang chính vừa đóng vai trò kết nối không gian vừa tạo sự thoáng đãng, thông gió cho cả tòa nhà khách sạn Xique. Ảnh Cesar Belio
Với khách sạn boutique, triết lý “less is more” nên được áp dụng triệt để. Hạn chế tối đa các đồ trang trí không cần thiết. Thay vào đó, hãy tập trung vào chất lượng và tính thẩm mỹ của từng món đồ. Mỗi chi tiết trang trí phải được cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo tính hài hòa, thống nhất với tổng thể không gian.
Tăng trải nghiệm khách hàng – Sự trau chuốt trong từng khoảnh khắc
Từ không gian giới hạn, việc tạo ra trải nghiệm khách hàng đáng nhớ càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thay vì tập trung vào quy mô, khách sạn boutique nên hướng đến sự hoàn thiện, cá nhân hóa và chăm sóc tận tâm để tạo nên khác biệt. Mỗi không gian, dù diện tích khiêm tốn, đều được thiết kế để phục vụ một mục đích cụ thể, từ khu lounge ấm cúng với góc đọc sách yên tĩnh đến quầy bar cuốn hút hay khoảng sân nhỏ thoáng đãng, tất cả đều mang lại sự thoải mái và thư giãn cho du khách.
Những tấm màn mây cong và rèm mỏng đặc trưng ở khu vực chăm sóc sức khỏe của khách sạn. Ảnh Nicoló Lanfranchi
Công nghệ thông minh và dịch vụ cá nhân hoá là hai yếu tố then chốt nâng tầm trải nghiệm du khách tại khách sạn boutique. Hệ thống điều khiển ánh sáng, nhiệt độ tự động, wifi tốc độ cao, bảng điều khiển trung tâm tích hợp và hệ thống đặt phòng online thuận tiện giúp tiết kiệm không gian và mang đến sự tiện nghi tối đa. Hơn thế nữa, sự thấu hiểu và đáp ứng nhu cầu riêng của từng khách hàng thông qua những chi tiết nhỏ như chuẩn bị đồ dùng cá nhân theo sở thích, đề xuất hoạt động giải trí phù hợp hay thiết kế phòng theo ý muốn sẽ tạo nên sự khác biệt, khiến khách lưu trú cảm thấy được chăm sóc tận tâm.
Điểm tên những khách sạn boutique ghi dấu ấn riêng giữa lòng Sài Gòn
Amanaki Saigon Boutique Hotel nằm tại Thảo Điền và Quận 1 nhộn nhịp, là một ốc đảo bình yên, mang đến cái nhìn mới mẻ về Sài Gòn. Lấy cảm hứng từ vẻ đẹp vượt thời gian của Hòn ngọc Viễn Đông, khách sạn được thiết kế với chất liệu gỗ nội thất vùng Cửu Long và tranh chế tác từ các họa sĩ Việt, tạo nên không gian ấm cúng và gần gũi. Sự lựa chọn chất liệu thiên nhiên và thiết kế tôn vinh vẻ đẹp nguyên bản của chúng góp phần khẳng định cam kết thân thiện với môi trường của khách sạn.
Những món đồ nội thất, đồ trang trí cũ mộc mạc như chân máy may, tủ quần áo… được tái chế thành đồ dùng mang công năng mới. Ảnh: Amanaki
Phòng nghỉ thoáng đãng với nét đẹp truyền thống khắc họa trên từng món đồ nội thất được chạm trổ mộc mạc mà tinh xảo.
Fusion Suites Sài Gòn: Triết lý hướng đến sức khỏe và sự thư thái của thương hiệu Fusion được thể hiện qua không gian nghỉ ngơi yên bình, được kiến tạo bởi nội thất hiện đại với vật liệu gỗ và kính, mang chút hơi thở Scandinavia. Ánh nắng tràn ngập và tầm nhìn thành phố tuyệt đẹp từ mỗi phòng ngủ, cùng gam màu đất ấm áp tạo nên một không gian dễ chịu khó quên.
Ánh nắng chan hòa tô điểm thêm vẻ đẹp của nội thất, tạo nên một ấn tượng khó phai ngay khi bước chân vào sảnh khách sạn. Ảnh: Fusion Suites Sài Gòn
Hơi thở của truyền thống Việt Nam hiện diện khắp khách sạn qua những bức ảnh đen trắng chân thực về đời sống và những hiện vật cổ được bài trí hài hòa. Ảnh: Fusion Suites Sài Gòn
Phòng Corner Suite nổi bật với không gian rộng rãi và điểm nhấn đặc biệt là bồn tắm treo độc đáo. Ảnh: Fusion Suites Sài Gòn
The Myst Đồng Khởi là khách sạn mang phong cách bản địa, nơi các phòng nghỉ gợi nhớ không gian sống của các gia đình Sài Gòn xưa với những ô cửa sổ trang trí mang họa tiết bông gió, những tác phẩm hội họa và đồ chế tác thủ công được bài trí thú vị. Kiến trúc khách sạn tái hiện vẻ đẹp đặc trưng của Sài Gòn qua những con hẻm uốn lượn, dẫn lối du khách vào hành trình khám phá cuộc sống đô thị sôi động. Trần bê tông, ống nước lộ thiên, mái vòm Cham-pa và những hành lang thoáng gió mang đến một trải nghiệm thành phố chân thực và sống động.
Những mảnh ghép lịch sử Sài Gòn được gợi lại qua các hiện vật từ xưởng đóng tàu Ba Son, khéo léo điểm tô trong thiết kế, tạo nên một câu chuyện đầy cảm xúc. Ảnh: The Myst Đồng Khởi
Nội thất gỗ nâu trầm ấm áp góp phần giúp du khách cảm nhận vẻ đẹp của sự giản dị nơi đây. Ảnh: The Myst Đồng Khởi
M Village The Boutique như một bản hòa ca trong trẻo giữa lòng thành phố với không gian sân vườn rộng mở, khéo léo tạo các góc sinh hoạt chung cho du khách. Thiết kế tối giản hiện đại mang đến hơi thở trẻ trung, năng động và nguồn năng lượng tích cực cho bất cứ ai đặt chân đến đây.
Với diện tích giới hạn, khách sạn boutique chú trọng chăm chút những không gian sinh hoạt chung. Ảnh: M Village The Boutique
Sự kết hợp hài hòa giữa gam màu sáng, đồ nội thất thanh mảnh và gương lớn đã mở rộng không gian một cách hiệu quả. Ảnh: M Village The Boutique
Thực hiện: Dương Đoàn
Xem thêm:
Amanaki Thảo Điền: “Kén vàng” chứa giá trị văn hóa-nghệ thuật
Khách sạn The Yacht by DC – Cảm hứng từ những cánh buồm – KAZE Interior Design Studio
Khách sạn Il Palazzo: Sự chuyển mình của những hình khối mạnh mẽ