Nghệ thuật trên bàn cờ vua

Không chỉ đơn thuần là một trò chơi, bàn cờ vua còn mang tính nghệ thuật cao, thể hiện qua những thiết kế độc đáo từ xưa đến nay để trở thành nét chấm phá thú vị cho không gian nội thất.

Bắt nguồn và phát triển từ Ấn Độ, môn cờ vua đã lan rộng ra khắp thế giới và trở nên phổ biến đến ngày nay. Trò chơi trí tuệ này từng được gắn liền với văn hóa quý tộc và hoàng gia. Chính vì lý do đó, nhiều bộ cờ vua đã được thiết kế và chế tác một cách cầu kì để khẳng định vị thế của người sở hữu.  Theo dòng chảy của lịch sử, nhiều bàn cờ vua ấn tượng đã ra đời với thiết kế vừa giữ được trọn vẹn tinh thần của bộ môn này, vừa thể hiện tính độc bản mang dấu ấn của từng nhà thiết kế.

The Lewis chessmen (1831)

The Lewis có 78 quân cờ đã được tìm thấy trên Đảo Lewis thuộc Scotland. Các quân cờ bao gồm vua, hoàng hậu, giám mục, hiệp sĩ, người giám hộ, và tốt được chạm khắc tinh xảo từ ngà hải mã và răng cá voi. Chiều cao của các quân tốt dao động từ 3,5 đến 5,8 cm, trong khi các quân khác từ 7 đến 10,2 cm. Khi được tìm thấy, một số quân cờ có dấu vết màu đỏ, phần nào thể hiện người làm ra bộ cờ này đã dùng màu đỏ và màu trắng để phân biệt hai quân, thay vì đen và trắng thường thấy trong bàn cờ vua hiện đại. Hiện nay, hầu hết các quân cờ được lưu giữ tại Bảo tàng Anh và Bảo tàng Quốc gia Scotland.

ban co vua the lewis

Ảnh: National Museums Scotland

Man Ray – Chess Set (1947)

Lấy cảm hứng từ tình bạn trọn đời của Man Ray với người nghệ sĩ đồng hương Marcel Duchamp, phiên bản tái bản của bộ cờ vua này dựa trên bộ cờ vua Man Ray nguyên bản năm 1920 tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. Ra mắt năm 1947, Man Ray chuyển các quân cờ truyền thống thành các dạng hình học thuần túy bao gồm quân vua là hình chóp, hậu là hình nón, quân tượng là cờ, quân xe là hình lập phương và quân tốt là hình cầu. Bộ cờ gồm 32 quân này làm bằng gỗ sồi nguyên khối của Đức ở Schwarzwald. Trong đó, hai quân vua được đóng dấu chữ ‘R’ đầu tiên trên mặt vây.

ban co vua man ray

Ảnh: Maruani Mercier

Yayoi Kusama – Pumpkin Chess Set (2003)

Trong tác phẩm Bàn cờ vua Pumpkin, Yayoi đã tạo ra một sự kết hợp tuyệt vời giữa những mô típ đặc trưng của mình và hình ảnh bí ngô đầy sáng tạo. Lấy cảm hứng từ loạt tác phẩm Lưới Vô Cực nổi tiếng, nữ nghệ sĩ đã sử dụng chúng để biến thành các đường viền ấn tượng trên mặt phẳng ba chiều. Các quân cờ ấn tượng này được phân biệt bởi màu sắc đặc trưng, với một phe mang màu vàng đốm đen và phe còn lại mang màu trắng đốm đỏ. Bộ cờ này không chỉ thể hiện sự tinh tế qua việc sử dụng vật liệu như da bọc đệm cho phần vỏ và ghế ngồi, gỗ cho bàn cờ, mà còn thông qua việc tạo hình các quân cờ bằng sứ được ghép thủ công. 

chess set yayoi kusama

Ảnh: Tư liệu

Damien Hirst – Mental Escapology (2003)

Năm 2003, Damien Hirst đã giới thiệu một bàn cờ đặc biệt mang tên “Mental Escapology” dựa trên sự ám ảnh với y học và dược học. Thú vị hơn cả, ông không chỉ tiết kế một bàn cờ mà thay vào đó là một không gian chơi cờ mô phỏng phòng tư vấn y tế với nhiều trang thiết bị khác nhau mà ở đó, các quân cờ có hình dáng giống những lọ thuốc. Bộ cờ bao gồm 32 quân làm từ chất liệu thủy tinh đúc và bạc Anh có dấu ấn đặc trưng. Bàn cờ tái hiện hình ảnh chiếc xe đẩy phẫu thuật được làm từ thép không gỉ và kính gương có viền đen bóng loáng, tạo sự tương phản hấp dẫn và tính thẩm mỹ độc đáo. 

chess set Damien Hirst Mental Escapology

Ảnh: Christie’s

Rachel Whiteread – Modern Chess Set (2005)

Ra mắt vào năm 2005, bộ cờ vua hiện đại của Rachel Whiteread không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mà còn là một tuyên ngôn về sự đa dạng và đấu tranh bình đẳng giới, thể hiện thông qua sự kết hợp tinh tế của vật liệu và thiết kế. Nhà thiết kế đã tạo ra một phiên bản cờ vua độc đáo từ cảm hứng liên quan đến đồ nội thất của các nhà búp bê cổ điển, gồm 32 quân cờ làm bằng các vật liệu đa dạng như nhựa dẻo, giấy bạc, kim loại trắng, xốp, kết hợp với một ván cờ làm từ thảm, vải sơn, ván ép và gỗ sồi. Bộ cờ vua không chỉ có thiết kế ưa nhìn mà còn có ý nghĩa sâu sắc về sự đa dạng và tương tác của các yếu tố trong cuộc sống hàng ngày. Những quân cờ trên bàn được Rachel tái hiện qua các vật dụng gia đình quen thuộc: Một bên là các dụng cụ lao động như bàn là, xô chậu, bếp nướng,… ẩn dụ cho hình ảnh nội trợ luôn gắn với người phụ nữ; Phía còn lại có tivi, ghế sofa, tủ lạnh… ví von cho sự thư giãn từng được xem là đặc quyền của đàn ông. 

ban co vua Rachel Whiteread - Modern Chess Set

Ảnh: Christie’s

Barbara Kruger – Untitled (Do you feel comfortable losing?) (2006)

Bàn cờ vua Untitled của Barbara Kruger là sự kết hợp thú vị giữa nghệ thuật, thiết kế và công nghệ, một nét đặc trưng trong phong cách của nhà thiết kế. Với lớp phủ bằng đá nhân tạo đen và đỏ, bàn cờ trở nên hấp dẫn về mặt thị giác, ngoài ra còn đảm bảo tính bền bỉ cho sản phẩm. Tuy nhiên, điều thực sự làm nổi bật bàn cờ này chính là việc tích hợp các loa nhỏ và các thành phần điện tử vào bên trong bàn cờ, giúp này mang lại trải nghiệm chơi cờ khác biệt. Bộ cờ của Barbara không chỉ là một trò chơi, mà còn là một cuộc thám hiểm về giao tiếp. Dựa trên lý thuyết của nhà ngôn ngữ học Thụy Sĩ Ferdinand de Saussure, sản phẩm này khám phá sự khác biệt giữa ngôn ngữ viết và giao tiếp nói bởi khi một quân cờ di chuyển, một vi chip nhỏ sẽ được kích hoạt và phát ra âm thanh.

ban co vua Barbara Kruger - Untitled

Ảnh: Christie’s

Yuko Suga – Checkmate: Series I Prototype (2015)

Với bộ cờ vua “Checkmate: Series I Prototype” được Yuko Suga ra mắt vào năm 2015 với thông điệp sâu sắc về sự đối đầu và sự hiểu biết trong xã hội ngày nay. Các quân cờ làm bằng bạc nguyên chất, thủy tinh, sứ và acrylic với kích thước cân đối, hình dáng tối giản, tạo nên một bức tranh tương phản mạnh mẽ. 

Yuko Suga - Checkmate ban co vua

Ảnh: Tư liệu

L’OBJET – X Haas Brothers Chess Set (2022)

Năm 2022, L’OBJET và Haas Brothers đã cùng nhau tạo ra một thiết kế ấn tượng là Bộ cờ vua X Haas Brothers, thể hiện tầm nhìn nghệ thuật tuyệt vời với sự kết hợp hoàn hảo giữa những khối sứ trắng và đen được gắn kết với nhau. Nhà thiết kế đã sử dụng vật liệu đồng, biến đổi các quân cờ truyền thống thành những con vật hài hước, thể hiện sự sáng tạo không giới hạn để mở ra một thế giới trò chơi mới lạ và thú vị. 

L’OBJET X Haas Brothers Chess Set

Ảnh: L’Objet

Tổng hợp: Quốc Huy


Xem thêm

Art Toy Việt Nam – Ký ức, tương lai và bản sắc

Tủ LEGO: Đem ký ức tuổi thơ ùa về

Họa sĩ Lê Huy – Khai phá mảnh đất vốn liếng dân gian