Mô hình giáo dục giới tính đầu tiên dành cho người khiếm thị tại châu Âu

“Pose” là bộ sản phẩm giáo dục giới tính dành cho người khiếm thị do nhà thiết kế người Ba Lan – Karolina Kruszewska cùng nhà giáo dục giới tính Dr. Dagna Kocur đồng phát triển.

Mô hình giáo dục giới tính đầu tiên tại châu Âu dành cho người khiếm thị là một phần trong luận văn thạc sĩ của Kruszewska tại Academy of Fine Arts (Học viện Mỹ thuật) ở Katowice. Dự án được thực hiện nhằm mục đích phổ cập kiến thức về các tư thế tình dục. Đồng thời cũng chỉ ra những đặc điểm trong tư thế để hướng dẫn những người khiếm thị thực hiện những “hành động thân mật”. Nội dung thông tin sẽ được phát hành dưới dạng 13 đoạn audio trên YouTube và 5 bức tượng được in 3D mô tả những tư thế cơ bản. 

giáo dục giới tính cho người khiếm thị 1

Dự án giáo dục giới tính đầu tiên dành cho người khiếm thị của Karolina Kruszewska.

giáo dục giới tính cho người khiếm thị 2

5 mô hình 3D mô tả các tư thế “thân mật” cơ bản.

Nhà thiết kế cho biết dự án có hai mục tiêu chính nhằm phục vụ người dùng cá nhân, những nhà giáo dục giới tính và các tổ chức. Dự án được thực hiện để cung cấp kiến thức cho người khiếm thị nên họ quyết định phát triển định dạng audio để mọi người có thể nghe trên YouTube.

Cho đến nay, Ba Lan chưa có sản phẩm nào liên quan đến giáo dục giới tính dành riêng cho nhóm người khiếm thị. Chính vì vậy, đây có thể xem là một trong những dự án sáng tạo mang tính chất đổi mới tại châu Âu, nơi mà vấn đề này chưa được quan tâm triệt để. Những phần mô tả chi tiết được soạn thảo bởi nhà giáo dục giới tính Dagna Kocur. Họ cũng chú ý đến việc diễn tả những giác quan khác trong quá trình thực hiện thay vì chỉ tập trung vào thị giác giúp nhóm người khuyết tật giác quan hiểu rõ hơn về tính chất sự việc. 

giáo dục giới tính cho người khiếm thị 3

Mô hình mô tả 5 tư thế cơ bản.

Mục tiêu thứ hai của dự án là thể hiện thông tin dưới dạng mô hình 3D. Kruszewska cho biết cô kết hợp với đọc chữ nổi Braille, một tính năng quen thuộc với người khiếm thị để giúp họ hình dung cụ thể hơn những mô hình này.

giáo dục giới tính cho người khiếm thị 5

Chữ nổi Braille ở phía sau phần đế của mỗi mô hình, để người dùng dễ hình dung hơn.

giáo dục giới tính cho người khiếm thị 7

13 đoạn audio trên Youtube để giúp người dùng dễ dàng tiếp cận và hình dung hơn.

Để tối ưu hoá việc hình dung của người dùng, Kruszewska đã phải phóng đại hoặc thay đổi kích thước một số bộ phận trên cơ thể. “Những phần lồi lõm sẽ được làm lớn hơn trong khi các bộ phận như tay chân sẽ được đơn giản hoá để những người khiếm thị có thể hình dung được các tư thế dễ dàng nhất. Một điểm cộng nữa của những mô hình này liên quan đến xúc giác người dùng. Bề mặt mịn, tròn cùng với chất liệu cứng cáp giúp chúng miêu tả rõ nét các tư thế và đẹp mắt hơn”, nhà thiết kế giải thích.

giáo dục giới tính cho người khiếm thị 8

Những mô hình được đơn giản hoá giúp người dùng dễ hình dung các tư thế.

Ngoài ra, các mô hình đều được đi kèm với những tính năng hỗ trợ đặc biệt cho người khiếm thị. Mỗi phần đế của tượng đều được in một bản hướng dẫn bằng chữ nổi Braille cùng với mã QR dẫn người dùng đến đường link của audio mô tả chi tiết tư thế đó. Mặc dù những bản audio đã làm tốt vai trò của nó trong việc cung cấp thông tin, tuy nhiên nhà thiết kế vẫn khuyến khích người dùng hãy vừa khám phá các mô hình vừa nghe. 

giáo dục giới tính cho người khiếm thị 9

Mã QR liên kết đến file mô tả âm thanh riêng của từng vị trí.

giáo dục giới tính cho người khiếm thị 10

Giáo dục giới tính dành cho tất cả mọi người.

Trong toàn bộ quá trình thực hiện, Karolina Kruszewska đã hợp tác chặt chẽ cùng với các nhà giáo dục giới tính cũng như nhóm người khiếm thị để khai thác đúng thông tin và nhu cầu của họ. Tại sự kiện European Product Design Award, Pose được bình chọn là 2022 Top Design ở hạng mục Education/Teaching Aids (Giáo dục và Hỗ trợ giảng dạy). 


Bài: Thanh Thảo | Tham khảo: Designboom | Ảnh: Karolina Kruszewska 


Xem thêm:

Caubetho – Xưởng tạo hình giấc mơ

Bảo tàng mô hình kiến trúc đầu tiên tại Trung Quốc