Trong không khí tràn ngập những hoài niệm về thập niên 70 trong thời trang lẫn nội thất, một chất liệu quen thuộc cũng đang âm thầm tạo nên sự trở lại đầy bất ngờ. Corduroy, còn được gọi là vải nhung kẻ, là loại vải có những đường gân và bề mặt lông nhung mềm mại, từng gắn liền với hình ảnh giai cấp lao động và phong cách Bohemian. Từ những khởi đầu khiêm tốn, chất liệu này đã vươn lên trở thành một biểu tượng của sự thoải mái và phong cách.
Lịch sử của vải Corduroy
Mặc dù thường gắn liền với thập niên 70 của thế kỷ 20, hành trình của vải Corduroy thực sự bắt đầu từ thế kỷ 18, khi cấu trúc vân sần đặc trưng khiến nó trở thành chất liệu không thể thiếu đối với những người lao động đang cần một loại vải vừa bền bỉ, vừa thoải mái.Không đơn thuần là một loại vải thực dụng, Corduroy mang một lịch sử phong phú.
Tên gọi “Corduroy” có nguồn gốc từ cụm từ tiếng Pháp là “corde du roi”, nghĩa là “vải của nhà vua”, mang đến cảm giác sang trọng cho xuất thân bình dị của nó. Ở một vài nơi tại châu Âu, Corduroy còn được gọi là vải Manchester.
Nhung Corduroy đầu tiên được sử dụng làm vải may quần áo cho giai cấp nông dân, công nhân và quân đội. Nguồn gốc vô sản của chất liệu đã khiến nó trở nên phổ biến vào thập niên 1960 và 1970 – ban đầu được giới trẻ đón nhận, trong đó có nhóm nhạc The Betles và dần trở thành một biểu tượng thời trang. Edward Heath, khi đó là chủ tịch của Bộ Thương mại, đã gọi The Beatles là “những người cứu rỗi ngành công nghiệp dệt Corduroy”.
Sự chuyển đổi từ thời trang đến nội thất
Đây là một quá trình dịch chuyển tự nhiên cũng giống như những loại vải khác. Vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, các nhà sản xuất đồ nội thất đã bắt đầu nhận ra tiềm năng của Corduroy. Độ bền và bề mặt mềm mại của vải thích hợp cho những món đồ sử dụng hàng ngày như ghế bành và sofa. Trong một thời kỳ mà đồ nội thất được kỳ vọng sẽ tồn tại qua nhiều thế hệ, khả năng giữ phom và chống mài mòn của corduroy là một lợi thế vượt trội, khiến nó được ưa chuộng và trở thành dấu ấn đặc trưng.
Giữa thế kỷ 20, ngành thiết kế nội thất trải qua một cuộc cách mạng lớn, đánh dấu bằng sự trỗi dậy của phong cách Mid-century Modern. Sau những năm tháng khó khăn của Thế chiến II, con người khao khát những vật trang nhã nhưng vẫn gần gũi. Từ những năm 1940 đến 1960, xu hướng thiết kế chuyển dịch sang sự đơn giản và tiện dụng, ưu tiên cho các vật liệu tự nhiên. Trong bối cảnh này, Corduroy đã trở thành một lựa chọn yêu thích cho những ai muốn đưa sự thoải mái và cá tính vào không gian sống của mình nhờ kới kết cấu mềm mại, vẻ ngoài tự nhiên và khả năng tạo cảm giác ấm cúng.
Charles Eames, một trong những nhà thiết kế và kiến trúc sư tài ba nhất thời kỳ đó, đã nhanh chóng nhận ra tiềm năng của Corduroy. Ông đã khéo léo kết hợp chất liệu này với những đường nét mềm mại, uyển chuyển trên đồ nội thất, tạo nên sự cân bằng hoàn hảo giữa yếu tố thoải mái và hiện đại.
Một nhà thiết kế tài năng khác là Florence Knoll cũng đã bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của Corduroy. Bà đã sử dụng loại vải này để tạo ra những không gian sống đáp ứng trọn vẹn nhu cầu về cả thẩm mỹ và sự tiện nghi.
Đặc điểm của Corduroy
Một trong những điểm thu hút nhất của Corduroy trong thiết kế nội thất chính cấu trúc vân sần độc đáo, tạo nên sự khác biệt rõ rệt so với những bề mặt trơn nhẵn thường thấy trong cùng thời kỳ. Các đường gân nhung của chất liệu góp phần tạo chiều sâu cho không gian, phá vỡ sự đơn điệu của những mặt phẳng và tạo cảm giác sinh động, mời gọi.
Bên cạnh đó, Corduroy còn là sự kết hợp hoàn hảo giữa cảm xúc hoài niệm về quá khứ và nhu cầu hiện đại về một không gian sống tiện nghi. Loại vải từng làm nên thương hiệu của phong cách nội thất Mid-Century trước nay đã trở lại, mang đến một làn gió “tuy cũ mà mới” cho những không gian sống đương thời.
Tổng hợp: Quốc Huy
Xem thêm:
Shibori: Sắc chàm giản dị trong không gian sống
Chất liệu Bouclé: Dệt sợi liên kết giữa thời trang và nội thất