Từ lâu, cây trúc – biểu tượng cho đức tính ngay thẳng, cương trực của một người quân tử đã trở nên quen thuộc với các gia đình Việt. Loài cây này nằm trong bộ tứ mộc cao quý, bao gồm: tùng – cúc – trúc – mai, đại diện cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.
Trúc là loài cây có khả năng sinh trưởng tốt vào mùa hạ, ngay cả trên những vùng đất khô cằn, không mưa thì chúng vẫn xanh tươi quanh năm. Kể cả khi bị đốt cháy, chịu gian khó thì thân trúc vẫn đứng thẳng hiên ngang chứ không hề cong gãy. Thân cây cứng nhưng lại vô cùng mềm mại, dễ uốn nắn; ruột cây rỗng hàm chỉ tinh thần an nhiên, tự tại, không tính toán.
Với tất cả những ý nghĩa tốt đẹp này, người ta tin rằng trồng cây trúc trong nhà có thể mang lại may mắn cho gia chủ, nâng cao tính thẩm mỹ và cân bằng năng lượng cho ngôi nhà.
Nên đặt cây trúc ở đâu trong nhà?
Cây trúc có tính âm cao nên thích hợp đặt ở những nơi có nhiều người qua lại như phòng khách, cầu thang hay cửa lớn… Tuy nhiên, bạn nên tránh đặt cây ở chính giữa những lối đi vì điều đó có thể làm rối loạn việc trao đổi năng lượng và mất cân bằng âm dương.
Trước cửa nhà cũng là một vị trí tốt để trồng trúc bởi cây mang tính âm còn ánh sáng mang tính dương, vừa thuận lợi cho sự phát triển của cây vừa thu hút nhiều điều tốt lành.
Các loại trúc cảnh thường được trồng trong nhà
Trúc tăm: Có tên khoa học là Bambusa multiplex Fernleaf và xuất thân đến từ Trung Quốc. Loài cây này được ưa chuộng và nhân giống rộng rãi ở Việt Nam bởi vẻ đẹp độc đáo và tuổi thọ cao.
Trúc tăm thường mọc thành bụi, sở hữu những đặc điểm cơ bản của các loài cây cùng họ. Tuy nhiên, thân cây trúc tăm khá nhỏ nhắn và thanh mảnh, chỉ cao khoảng 30-90 cm, trên thân có nhiều đốt nhỏ. Ngọn cây uốn cong đẹp mắt kết hợp với dáng lá hình giáo mác đã tạo nên sức hút riêng biệt. Chính vì vẻ ngoài đặc biệt thơ mộng, trúc tăm thường được trồng trong chậu để sàn hoặc để bàn, mang tính trang trí cao và phù hợp với thẩm mỹ văn phòng.
Trúc bách hợp: Nhờ nguồn gốc xuất xứ từ Bắc Ấn và đảo Madagascar, trúc bách hợp là một trong những loài hiếm hoi có thân gỗ và lá rất rậm. Đây là loài cây dễ chịu bởi đặc tính sinh trưởng mạnh mẽ dù ở dưới nắng hay trong bóng râm nên bạn có thể đặt chúng ở bất kỳ đâu trong nhà mà không phải đắn đo. Tuy nhiên, giống trúc này kỵ nước, bạn cần phải ghi nhớ tần suất tưới, tốt nhất là 1 lần/ tuần để cây có thể phát triển khỏe mạnh.
Trúc bách hợp còn có khả năng hấp thụ các tia bức xạ và khí độc, chẳng hạn: xylene, trichloroethylene, formaldehyde,… bởi thế, chúng được trồng trong nhà và các không gian thương mại như sảnh khách sạn.
Trúc mây: Có thể xem phiên bản nhỏ của cây cọ vì thân mảnh và tán lá to hình quạt chia thành từng mảng rộng của chúng rất giống nhau. Cây trúc mây thuộc họ nhà tre, có nguồn gốc từ Nhật Bản và Trung Quốc, nên thường mọc theo khóm, bụi to. Cây trưởng thành có kích thước tối đa khoảng 2-3m khi trồng trong nhà và hơn 4m nếu trồng ngoài trời.
Loài trúc này có sức sống mãnh liệt, dù hạn hán hay mưa lũ cũng có thể sống sót với tốc độ sinh trưởng tương đối chậm, hoàn toàn phù hợp cho những ai thích trồng cây cảnh trong nhà nhưng lại không có quá nhiều thời gian chăm sóc. Tuyệt vời hơn, các nhà khoa học đã chứng minh rằng cây trúc mây có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ở người vì nó thường xuyên lọc khí amoniac bảo vệ hệ hô hấp.
Trúc Nhật: Là loài cây mọc theo từng khóm, có lá màu xanh và đôi khi sẽ chuyển sang màu trắng nếu cây ở trong bóng tối quá lâu. Cây trưởng thành có chiều cao trung bình khoảng 1 đến 2m. Thân chia thành từng đốt như tre nhưng đường kính rất nhỏ, chỉ khoảng 3mm-1cm.
Trúc Nhật chịu hạn rất tốt nên bạn chỉ cần tưới nước cho chúng 1-2 lần/tuần và không nên tưới tràn lên bề mặt đất vì độ ẩm quá nhiều có thể làm cho cây yếu dần và chết đi. Đặc biệt, khác với các loài cây cùng họ, trúc Nhật rất yêu thích bóng râm nên bạn hãy đặt chúng bên cạnh ghế sofa hoặc ở góc tường nơi ít ánh nắng chiếu vào.
Trúc Phú Quý: Còn có tên gọi khác là cây Phất Dụ, có nguồn gốc từ các nước Đông Nam Á nên dễ trồng và phù hợp với điều kiện khí hậu ẩm. Đặc trưng của loài cây này là không có cành, lá mọc thành từng chiếc đơn lẻ có bẹ ép sát vào thân. Phiến lá dày, có màu xanh bóng, hình giáo mác (nhọn dần về phía đuôi).
Tại Việt Nam, Trúc Phú Quý là loại cây phong thủy được ưa chuộng nhất trong họ nhà trúc bởi khả năng tương hợp với tất cả ngũ hành, từ Kim, Thủy đến Mộc, Hỏa và Thổ. Đây cũng là loài cây có thể nở hoa, dù rất hiếm vì chỉ khi được trồng trong môi trường cực kỳ lý tưởng và chăm sóc rất tốt, cây mới có thể ra hoa. Hoa Trúc Phú Quý báo hiệu rằng những điều may mắn, tài lộc và sự giàu sang chuẩn bị đến với gia chủ.
Cây thủy trúc: Trong số các loài cây được liệt kê ở bài viết này, thủy trúc đặc biệt nhất bởi nó thuộc họ cói và là cây thân thảo, có hình dáng giống cỏ nên dễ nuôi dưỡng. Ngoài tự nhiên, loài cây này thường mọc ở các khu rừng nhiệt đới ẩm, sườn núi, bên sông suối, mương hoặc các nơi ẩm ướt nên bạn chỉ cần cho một nhánh cây vào bình thủy tinh có chứa ít nước là nó đã có thể sống và phát triển tươi tốt.
Đặc tính ưa nước và vẻ đẹp thanh tao, trang nhã của thủy trúc khiến cho nó trở nên phù hợp với nhiệm vụ trang trí, làm tiểu cảnh bên trong hồ nước và bể cá.
Thực hiện: Thùy Như
Xem thêm:
Hoa sen: Biểu tượng của sự thuần khiết và kiên định