Trầm hương là một loại gỗ thơm quý hiếm hình thành từ cây Dó Bầu (Aquilaria crassna) khi cây bị tổn thương do côn trùng, nấm, vi khuẩn hoặc tác động cơ học. Để bảo vệ mình, cây tiết ra nhựa thấm vào các thớ gỗ xung quanh vùng hở, tạo nên một loại gỗ chứa nhựa để chữa lành với hương thơm đặc trưng. Sau hàng chục năm, lớp nhựa này hấp thụ thổ nhưỡng, sau đó ăn sâu vào tâm gỗ và tạo ra gỗ trầm.
Loại gỗ thơm quý giá này có đặc tính ấm nóng, vị đắng, màu vàng nâu như sáp ong. Gỗ có mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng. Khi đốt lên, gỗ trầm tạo ra mùi hương thanh tao vô cùng dễ chịu.
Ảnh: Yawar Saeed
Phân loại
Theo chất lượng: Trầm Kỳ Nam là loại cao cấp nhất, có độ mềm dẻo, hương thơm ngọt và thanh, cực kỳ hiếm và giá trị. Trầm tự nhiên có nhựa đậm, mùi phong phú, giá trị cao. Trầm nuôi cấy được kích thích tạo ra trên cây Dó Bầu, chất lượng và giá trị thấp hơn tự nhiên.
Theo xuất xứ:
Trầm Việt Nam được đánh giá cao nhất nhờ hương thơm phong phú, đa tầng với sự kết hợp giữa ngọt, cay và đắng nhẹ. Các khu vực như Khánh Hòa, Quảng Nam là nơi tập trung nguồn trầm chất lượng cao, thường dùng trong hương liệu cao cấp và nghi lễ tôn giáo.
Trầm Lào có nhựa đậm, hương thơm nhẹ hơn nhưng vẫn được ưa chuộng trong sản xuất nhang và thủ công mỹ nghệ. Trầm Campuchia nhẹ và ít nhựa hơn, chủ yếu dùng cho các sản phẩm hương liệu thông thường.
Ảnh: Tư liệu
Indonesia và Malaysia nổi bật với trầm nuôi cấy, có hương thơm thiên về gỗ và giá thành phải chăng, đáp ứng thị trường phổ thông. Trong khi đó, trầm Ấn Độ và Bangladesh mang hương thơm nhẹ nhàng, chủ yếu phục vụ nghi lễ và y học cổ truyền.
Theo tính chìm nổi: Trầm Chìm có nhựa nhiều, chìm nước, thường thuộc Kỳ Nam hoặc cao cấp. Trầm nổi có ít nhựa, nhẹ hơn, phổ biến hơn.
Theo vị trí trên cây: Trầm Tốc có nhựa ít, hương nhẹ, phổ biến trong mỹ nghệ và hương liệu. Trong đó, Tốc Đá cứng và ít nhựa còn Tốc Banh nhẹ và nhựa phân bố không đều. Trầm Sánh có nhựa dày, hương đậm, có thể chìm trong nước nếu nhựa nhiều.
Công dụng
Trầm từ lâu đã được xem là một nguyên liệu quý giá trong các nghi lễ tôn giáo và tâm linh. Hương thơm của nó giúp thanh lọc không gian, tạo cảm giác yên bình và kết nối tinh thần, thường được sử dụng trong các buổi thiền định, tụng kinh, hoặc cúng tế.
Trong lĩnh vực y học cổ truyền, gỗ trầm được sử dụng để hỗ trợ điều trị một số bệnh lý như đau dạ dày, khó tiêu, và an thần. Tinh dầu trầm còn có đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn và được dùng trong liệu pháp hương liệu để giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ.
Ảnh: Tư liệu
Ngoài ra, trầm còn là biểu tượng của sự sang trọng và đẳng cấp trong ngành công nghiệp nước hoa. Hương thơm trầm ấm, sâu lắng của nó được sử dụng làm thành phần chính trong nhiều dòng nước hoa cao cấp.
Về mặt phong thủy, gỗ trầm được tin rằng mang lại may mắn, tài lộc và bảo vệ gia chủ khỏi năng lượng tiêu cực. Các sản phẩm như vòng tay, tượng hay nhang thường được sử dụng để thu hút vượng khí và cân bằng năng lượng trong không gian sống.
Ảnh: Tư liệu
Thực hiện: Tú Nguyên
Xem thêm
Ưu và nhược của gỗ tếch và gỗ keo trong đồ ngoại thất