Terrazzo là một loại vật liệu tổng hợp đặc trưng bởi hoa văn phức tạp và lớp hoàn thiện đa dạng đến từ các mảnh đá cẩm thạch, thạch anh, thủy tinh và các vật liệu khác nhúng trong chất kết dính xi măng hoặc nhựa epoxy, mang vẻ đẹp nổi bật, hấp dẫn thị giác, kết hợp hoàn hảo giữa tay nghề thủ công truyền thống với sự tinh tế đương đại. Tính linh hoạt về màu sắc, kết cấu và hoa văn của nó cho phép các nhà thiết kế tạo ra những bề mặt riêng biệt, làm điểm nhấn độc đáo cho sàn nhà, tường, mặt bàn và thậm chí cả đồ nội thất.
Lịch sử và nguồn gốc của Terrazzo
Trên thế giới
Terrazzo có nguồn gốc từ Ai Cập cổ đại, nơi các vật liệu như thạch cao và vôi được sử dụng để tạo ra sàn trang trí từ rất sớm. Tuy nhiên, đến tận thế kỷ 15 tại Venice, Ý, vật liệu này mới thực sự phát triển và từng bước đạt đến đỉnh cao. Các công nhân xây dựng của thành phố đã phát hiện cách để tạo ra một mặt sàn bền với giá cả phải chăng khi cố gắng tận dụng những mảnh đá cẩm thạch và đất sét còn sót lại sau mỗi lần thi công.
Đến thế kỷ 16, terrazzo trở nên phổ biến và nổi bật trong kiến trúc cổ điển Ý. Các nghệ nhân bắt đầu sử dụng chất kết dính gốc vôi và xi măng Portland thay vì đất sét để tăng cường độ bền và chống va đập. Cơn sốt tiếp tục lan rộng khắp châu Âu và du nhập vào Mỹ những năm 1930-1970, đánh dấu thời kỳ hoàng kim của terrazzo khi được sử dụng trong mọi thiết kế, từ các tòa nhà Art Deco tới các công trình nhà hàng, bar, nhà ở mang hơi hướng hiện đại. Một vài công trình nổi tiếng có thể kể đến như Guggenheim Museum, Hollywood Walk of Fame, the Hoover Dam….
Thế kỷ 20 cũng chứng kiến những tiến bộ đáng kể trong công nghệ sản xuất terrazzo, cho phép tạo ra các bề mặt mịn hơn, đồng đều hơn với sự ra đời của máy mài điện năm 1920 và nhựa epoxy, yếu tố cách mạng hóa lĩnh vực chất kết dính năm 1970. Điều này cho phép bề mặt hoàn thiện trở nên mỏng, sáng bóng, mịn và có nhiều màu sắc hơn, được đánh giá cao về độ bền và tính thẩm mỹ.
Tại Việt Nam
Terrazzo du nhập vào Việt Nam do ảnh hưởng của quá trình thuộc địa Pháp (cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20). Các kiến trúc sư người Pháp đã ứng dụng vật liệu vào các tòa nhà chính quyền tại Việt Nam như một phần trong nỗ lực hòa trộn phong cách châu Âu với kiến trúc địa phương. Nó cũng được sử dụng trong nhiều công trình thuộc địa khác, gần gũi đại chúng hơn như: các tòa nhà công cộng, nhà thờ và nhà ở.
Sau này, các nghệ nhân Việt Nam đã điều chỉnh phương pháp sản xuất terrazzo truyền thống, kết hợp thêm các yếu tố văn hóa bản địa, chẳng hạn sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc địa phương, chính thức đánh dấu mức độ phủ sóng rộng rãi của loại vật liệu này trong kiến trúc Việt Nam, trở thành biểu tượng cho sự hiện đại và tiến bộ của đất nước thời hậu thuộc địa. Sự quan tâm và ứng dụng của nó trong các thiết kế hiện đại ngày nay vẫn tiếp tục được thúc đẩy bởi tính thẩm mỹ cổ điển và linh hoạt bền vững của nó.
Thành phần và quá trình tạo ra terrazzo
Terrazzo bao gồm hai thành phần chính: Các mảnh vật liệu bền hoặc mảnh vụn đá và chất kết dính để giữ những mảnh vụn đó ở đúng vị trí. Điểm nhấn trang trí có thể là bất kỳ vật liệu nào, đá cẩm thạch, đá hoa cương, thạch anh, vỏ sò hoặc thậm chí thủy tinh, miễn là chúng sở hữu khả năng chịu lực và lưu lượng ma sát lớn. Chất kết dính bao gồm gốc xi măng hoặc nhựa epoxy, tùy thuộc vào vị trí sẽ lắp đặt.
Hai thành phần trên được trộn lẫn với nhau, sau đó đổ vào vị trí chỉ định hoặc khuôn đúc làm bằng gạch. Tiếp tục trải qua quá trình sấy khô và duy trì trạng thái ổn định trong vài ngày, hỗn hợp gạch terrazzo sẽ được mài để lộ bề mặt ngẫu nhiên của các mảnh vụn đá. Chất bịt kín hoặc lớp hoàn thiện trên cùng ví dụ như chất đánh bóng cũng được thêm vào tại bước này để nâng cao vẻ đẹp và bảo vệ bề mặt của lớp gạch.
Quy trình tạo ra bề mặt terrazzo là như nhau ở cả hai kỹ thuật dưới đây:
Nung đổ tại chỗ
Kỹ thuật thiết lập bề mặt terrazzo tại chỗ bao gồm việc đổ hỗn hợp mảnh vụn và chất kết dính vào vị trí chỉ định, sau đó sử dụng các dải kim loại để phân chia màu sắc và thiết kế khác nhau. Đây là phương pháp phổ biến và phù hợp với những khu vực rộng lớn, nơi phải đáp ứng cả hai yếu tố: thiết kế cao cấp và chịu được ma sát nhiều do đông người qua lại. Tuy nhiên, đá terrazzo đổ tại chỗ có giá thành cao bởi quá trình thực hiện phức tạp và yêu cầu kỹ năng, tay nghề cao của người lắp đặt.
Nung đúc sẵn
Bề mặt terrazzo đúc sẵn là sự lựa chọn tuyệt vời cho những dự án có ngân sách và nguồn nhân lực hạn chế. Quá trình này sẽ bắt đầu với những tấm terrazzo cực lớn, sau đó xử lý lớp hoàn thiện và cắt thành hình dạng mong muốn, thường theo khổ gạch lát phổ thông.
Tính linh hoạt trong ứng dụng thiết kế nhà ở
Lát sàn
Lát sàn có lẽ là ứng dụng đầu tiên mà mọi người nghĩ đến khi đề cập về vật liệu này. Hầu hết chúng ta đều lớn lên với mặt sàn này tại các trường học, trung tâm hành chính, tòa án và các tòa nhà văn phòng. Sử dụng terrazzo tạo nên sự liền mạch cho không gian sống. Thậm chí, độ bền của gạch terrazzo cũng đạt tiêu chuẩn cho các không gian ngoài trời, nơi yêu cầu vật liệu được sử dụng phải đáp ứng khả năng chống chịu thời tiết cực đoan, mài mòn nhiều và chống trơn trượt, phù hợp để lát sân hiên, lối đi trong vườn hoặc khu vực xung quanh hồ bơi.
Ốp tường
Terrazzo có thể được sử dụng để tạo ra những bức tường điểm nhấn nổi bật trong phòng khách và phòng ngủ, làm tăng thêm độ đa dạng kết cấu và cảm giác sang trọng. Bên cạnh đó, chúng đặc biệt phù hợp để ốp phòng tắm hoặc khu vực nấu nướng nhờ vào bề mặt chống thấm nước, ẩm thấp, dễ lau chùi và chịu nhiệt cao, đạt đến sự kết hợp hoàn hảo giữa tính thực tếvà phong cách.
Ngoài tính linh hoạt về mặt thẩm mỹ, độ bền và đòi hỏi bảo trì thấp, terrazzo còn được xem là một trong những loại vật liệu thân thiện với môi trường và phù hợp với định hướng phát triển kiến trúc bền vững vì tuổi thọ dài của nó làm giảm thiểu nhu cầu thay thế lãng phí và khai thác quá mức đá tự nhiên.
Thực hiện: Thùy Như | Theo: Tile Bar
Xem thêm: