Sức mạnh biến đổi không gian của màu xanh ngọc

Dù được sử dụng như bảng màu chủ đạo hay điểm nhấn, xanh ngọc có khả năng tăng cường tính thẩm mỹ bất kể diện tích bề mặt, truyền tải vẻ đẹp táo bạo nhưng cũng phảng phất sự nhẹ nhàng.

Tông màu xanh ngọc là kết quả cho sự pha trộn quyến rũ giữa xanh dương và xanh lá cây ở mức độ cân xứng. Nếu lệch về xanh dương, chúng ta sẽ thu được các sắc thái như xanh ngọc bích, xanh thổ hay xanh lam. Ngược lại, khi nghiêng về màu xanh lá, kết quả thu được là xanh ngọc lục bảo. Từ thanh bình và nhẹ nhàng đến táo bạo và tràn đầy sức sống, màu xanh ngọc thường gợi liên tưởng đến sự yên bình, tĩnh lặng và không gian rộng lớn, vô tận của bầu trời, tôn vinh cả thiết kế nội thất và ngoại thất.

Tường ngoại thất 

Màu xanh ngọc có thể làm ngôi nhà của bạn trở nên nổi bật và ấn tượng. Sắc thái rực rỡ, táo bạo của nó mang đến một cái nhìn tươi mới, hiện đại, làm tăng thêm nét cá tính và sự quyến rũ cho mặt tiền. Tông màu này cũng có khả năng hài hòa tuyệt vời với khung cảnh thiên nhiên xung quanh như cây xanh và dòng nước, tạo ra sự gắn kết liền mạch giữa nhà ở và môi trường. Bên cạnh đó, màu xanh ngọc còn tương phản với các vật liệu xây dựng thông thường như đá, gỗ và gạch một cách trang nhã, nhấn mạnh các đặc điểm kiến ​​trúc và tăng cường chiều sâu cho thiết kế. 

tuong ngoai that mau xanh ngoc cay xanh du an cai tao Heide Hendricks Rafe Churchill

Bộ đôi kiến trúc sư Heide Hendricks và Rafe Churchill đã thành công cải tạo một nhà kho xiêu vẹo được xây dựng từ năm 1815, khoác lên nó chiếc áo ngoài tươi tắn đến từ màu xanh Inchyra Blue của Farrow & Ball lấy cảm hứng từ những trang viên lịch sử của Scotland. Ảnh: Chris Mottalini

Hiên nhà

Tông màu xanh ngọc là sự lựa chọn phù hợp để trang trí những không gian ngoài trời như: sân hiên, ban công… dành cho gia chủ mến khách và ưa thích những cuộc tụ họp. Sắc thái sống động của nó có thể ngay lập tức thu hút mọi ánh nhìn, tạo nên một lối vào ấn tượng và đáng nhớ, đồng thời mang đến cảm giác vui vẻ, tích cực và thân thiện. Khả năng phản xạ ánh sáng của màu xanh ngọc giúp làm giảm sự hấp thụ nhiệt, giữ cho hiên nhà mát mẻ trong thời tiết nắng nóng gay gắt, góp phần mang lại trải nghiệm ngoài trời thoải mái và dễ chịu.

mai hien

Ảnh: James Merrell

Phòng khách

Với sự nhẹ nhàng và tươi mát, màu xanh ngọc mang đến cảm giác bình yên và thư thái, giúp bạn xoa dịu căng thẳng sau giờ làm việc. Đây cũng là tông màu may mắn theo phong thủy bởi người ta tin rằng nó có thể tạo điều kiện thuận lợi cho công việc và hỗ trợ mở rộng các mối quan hệ. Trong một ngôi nhà nhỏ theo phong cách Shingle ở ​​phía bắc New York, nhà thiết kế Miles Redd và David Kaihoi đã sử dụng gần như toàn bộ bảng màu xanh ngọc khi kết hợp giấy dán tường Iksel họa tiết thực vật và ghế bành George II màu xanh ngọc bích để làm điểm nhấn cho phòng khách cổ điển, nhằm thu hút nhiều may mắn đến với công việc kinh doanh của gia chủ.

Miles Redd David Kaihoi phong khach mau xanh ngoc giay dan tuong Iksel ghe banh George II

Ảnh: Noe DeWitt

Bếp và phòng ăn

Theo nhiều nghiên cứu, vẻ đẹp rực rỡ của màu xanh ngọc có khả năng kích thích sự sáng tạo và cảm hứng trong nấu nướng, đồng thời tạo nên cảm giác thèm ăn và ngon miệng. Ngoài ra, các sắc thái từ trung bình đến tối xám của tông màu này mang lại hiệu quả cao trong việc che giấu các vết bẩn nhỏ và vết tràn, xứng đáng trở thành lựa chọn thiết thực cho các khu vực có tần suất sử dụng cao như nhà bếp và phòng ăn. Đó là lý do vì sao màu xanh ngọc được nhà thiết kế người Pháp Marc Valeanu ưu ái lựa chọn cho căn bếp của mình hay tại căn nhà theo phong cách Haussmannian cổ điển giữa lòng Paris của một đôi vợ chồng trẻ.

bep Marc Valeanu Paris

Ảnh: Trevor Tondro

phong an mau xanh ngoc phong cach Haussmannian Uchronia Julien Sebban

Ảnh: Félix Dol Maillot

Thư viện

Màu xanh ngọc có tác dụng xoa dịu, xua tan phiền nhiễu nên nó hỗ trợ rất tốt cho các hoạt động trí tuệ cường độ cao, thúc đẩy tinh thần minh mẫn và cải thiện sự tập trung. Ngoài tác dụng xoa dịu, tông màu này còn có thể nâng cao chức năng nhận thức và khả năng sáng tạo của con người, khiến nó trở thành màu sắc lý tưởng cho không gian dành riêng cho học tập và làm việc. Chính vì điều đó, trong thư viện tại gia của dinh thự Settle do Kelly Wearstler thiết kế, sự hiện diện của màu xanh ngọc vừa tạo nên không gian thẩm mỹ tinh tế vừa kích thích sự sáng tạo và truyền cảm hứng cho quá trình tiếp thu tri thức. 

thu vien dinh thu Settle Kelly Wearstler

Ảnh: Mikkel Vang

Phòng tắm

Màu xanh ngọc là sắc thái trang trí đặc trưng cho các yếu tố liên quan đến nước, do đó, nó có thể dùng để sơn phòng tắm. Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc sắp đặt màu sắc một cách kỹ lưỡng, sao cho thật nhịp nhàng vì đây là khu vực có diện tích nhỏ. Kết hợp màu quá tương phản có thể làm mất đi cảm giác cân đối và hài hòa vốn có. Chẳng hạn, bạn nên phối màu xanh ngọc với trắng nếu muốn đạt được sự sang trọng và sạch sẽ hoặc cùng bề mặt đá tự nhiên, gạch men để tạo ra hiệu ứng mở rộng không gian như cách mà nhà thiết kế nội thất Augusta Hoffman đã áp dụng trong dự án nhà duplex ở Manhattan. 

phong tam mau xanh ngoc Augusta Hoffman can ho gac xep Manhattan

Ảnh: Tim Lenz

Phòng ngủ 

Phòng ngủ màu xanh ngọc thường phù hợp với những ai ưa thích không gian yên bình, tĩnh lặng và mong muốn trải nghiệm cảm giác thư thái, nhẹ nhàng. Đồng thời, đây cũng là tông màu được ưa chuộng tại các quốc gia nhiệt đới bởi vẻ đẹp thời thượng và mát mẻ của nó rất phù hợp để trung hòa không khí nóng ẩm. Tuy nhiên, tương tự với phòng tắm, phòng ngủ là nơi để thư giãn tinh thần và phục hồi năng lượng nên khi sử dụng màu xanh ngọc, bạn cần phải biết cách phối hợp màu sắc hài hòa, tránh dùng quá 3 màu hoặc những gam màu tương phản như: vàng, cam, tím, hồng… để không bị rối mắt và làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng. Trong phòng ngủ của một căn nhà ba phòng ngủ theo phong cách Tudor năm 1929 ở vùng Thung lũng Silicon do Frances Merrill thiết kế, bảng màu xanh ngọc đã được tận dụng gần như triệt để, từ tường, bọc giường cho đến đèn ngủ. 

phong ngu phong cach Tudor Frances Merrill

Ảnh: Laure Joliet

Thực hiện: Thùy Như | Theo: ELLE Deco


Xem thêm: 

Màu sắc tương phản: Mở khóa chiều sâu

Phối màu kinh điển: Trắng và xanh lam

Màu đỏ ấn tượng cho không gian nội thất