Art Deco trong thiết kế nội thất: Vẻ đẹp trong sự xa hoa và duyên dáng

Phong cách tiêu biểu của thập niên 1920 Art Deco vô cùng thịnh hành tại Mỹ và châu Âu đã để lại sức ảnh hưởng của mình lên mọi lĩnh vực thiết kế, từ thời trang, sản phẩm cho đến nội thất và kiến trúc. Cho đến nay, trường phái này vẫn là nguồn cảm hứng với nhiều nhà thiết kế.

Một trào lưu kiến trúc, nội thất, và nghệ thuật vô cùng thịnh hành tại Mỹ và châu Âu vào đầu thế kỷ 20 – Art Deco như một luồng gió mới mang trong mình những ấp ủ của xã hội về một cuộc sống trọn vẹn, sung túc, và đầy tính lãng mạn.

Chiếc gương phản chiếu những thay đổi của xã hội Mỹ và châu Âu sau Thế Chiến I 

Cao ốc Chrysler, toà nhà Empire State, hoặc đài quan sát Griffith là những cái tên biểu tượng có lẽ đã quá đỗi thân thuộc với nền kiến trúc thế giới vào những năm 1920 đến 1930 – thời kỳ thịnh hành của phong cách Art Deco xa hoa và thời thượng. Khởi nguồn từ những thay đổi nhanh chóng của xã hội ngay sau Thế Chiến thứ I trước bối cảnh kinh tế dần phục hồi , Art Deco ra đời nhằm đáp ứng những nhu cầu về thẩm mỹ, dịch vụ cao cấp ngày càng tăng cao và thị hiếu mới của tầng lớp trung lưu và thượng lưu lúc bấy giờ. Lối sống xa hoa cũng như những hy vọng tươi sáng về một tương lai đầy hứa hẹn của nền kinh tế đã tạo tiền đề cho sự phát triển của một trào lưu thiết kế mới với màu sắc tươi sáng, hình học sáng tạo và phá cách, cùng các chi tiết trang trí tinh xảo. Như bối cảnh nội thất xa hoa mà ta thường nghĩ đến khi nhắc đến tác phẩm kinh điển The Great Gatsby của nhà văn F. Scott Fitzgerald’s, Art Deco như một chiếc gương phản chiếu gu và chất lượng đời sống của một bộ phận người dân Mỹ và châu Âu đương thời chân thực nhất.

art deco the great gatsby phim phong cach

Bối cảnh của bộ phim The Great Gatsby kinh điển với phong cách nội thất Art Deco đầy trau chuốt. Ảnh: The Great Gatsby – Warner Bros. Pictures.

Những đặc điểm nổi bật của phong cách Art Deco trong thiết kế nội thất

Chịu ảnh hưởng sâu sắc từ sự kết hợp của các trường phái nghệ thuật tiền nhiệm như Cubism, Fauvism, và Orphism, cùng một số chi tiết từ văn hoá Ai Cập và các chất liệu thiết kế lấy cảm hứng từ nền công nghiệp hiện đại, các thiết kế thuộc phong cách Art Deco đều rất ưu ái sử dụng hình học và hoạ tiết như ngôi sao, zigzag, mặt trời, và các hoa văn mang tính đối xứng khác. Vật liệu chất lượng được dùng để chế tác tỉ mẩn cũng là một đặc tính nổi trội khi khi nhắc đến các sản phẩm Art Deco. Các hoạ tiết được khảm từ gỗ quý như Madagascar Ebony, gỗ mun Zebrawood hoặc gỗ Hồng khi kết hợp cùng các chi tiết được điểm xuyết bằng kim loại mảnh, xà cừ, hoặc ngọc trai, mang lại một vẻ đẹp sang trọng và tinh xảo cho các sản phẩm nội thất trong thời kì này. Ngoài ra, một số loại vật liệu mới được phát triển trong thời điểm thịnh hành của Art Deco đến từ động vật. Khác với các phong cách trước đây vốn ưa chuộng các màu sắc trung tính nhã nhặn, các thiết kế Art Deco lại có xu hướng sử dụng các màu sắc sặc sỡ như gam màu đá quý – một cách tiếp cận rất hiệu quả cho việc cân bằng tính sang trọng và hiện đại, bứt phá trong một chủ thể. 

noi that art deco new york

Không gian được thiết kế theo phong cách Art Deco của một căn hộ penthouse tại thành phố New York. Thiết kế: Alexander Doherty. Ảnh: Marius Chira

Với một không gian nội thất được thiết kế theo phong cách Art Deco, hình học và màu sắc có thể được thể nghiệm một cách hiệu quả nhất thông qua giấy dán tường, thảm, vải bọc nội thất hoặc thậm chí là các vật liệu ốp. Điển hình như gạch ốp tương phản theo hoạ tiết bàn cờ hoặc hoa văn là một ý tưởng được lấy cảm hứng từ kiến trúc Ai Cập xa xưa, nay được cải biến và trở thành một trong những giải pháp điển hình cho các không gian được thiết kế theo phong cách Art Deco. 

noi that art deco upper east side

Một không gian xa hoa với những đặc điểm tiêu biểu của phong cách Art Deco, thiết kế bởi Juan Pablo Molyneux tại khu vực Upper East Side, New York. Ảnh: Brown Harris Stevens/Christie’s International Real Estate

phong ngu art deco

Không gian phòng ngủ với vẻ duyên dáng được tôn lên thông qua việc sử dụng hoạ tiết, hoa văn, và màu sắc hợp lí. Thiết kế: Jessica Lagrange Interiors. Ảnh: Douglas Friedman.

Các nhà thiết kế tiêu biểu đã góp phần cho sự thành công của trào lưu Art Deco 

Emile-Jacques Ruhlmann là một trong những nhà thiết kế người Pháp có tầm ảnh hưởng to lớn trong giai đoạn đỉnh cao của thời kỳ Art Deco. Các tác phẩm nội thất do ông thiết kế được trưng bày tại triển lãm Exposition 1925 đều mang những nét duyên dáng và sang trọng rất riêng, với chất liệu xa xỉ như da cá mập, gỗ Hồng, kết hợp cùng một số chi tiết điểm xuyết bằng xà cừ và khảm kim loại. Tiêu biểu như chiếc bàn David-Weill do ông lên ý tưởng và thiết kế – một sự dung hòa giữa nét đẹp tao nhã và óc sáng tạo phá cách của người nghệ sĩ được thể hiện các đường cong mềm mại nhưng không kém phần độc đáo. 

ban go david weill art deco emile jacques ruhlmann

Chiếc bàn David Weill được thiết kế bởi Emile-Jacques Ruhlmann – một trong những sản phẩm nội thất tiêu biểu thuộc thời ký Art Deco. Ảnh: The Metropolitan Museum of Art.

Một cái tên khác cũng thường được giới mộ điệu nhắc đến chính là Paul Theodore Frankl – một trong những nhà thiết kế đã đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển của trào lưu Art Deco tại Mỹ trong những năm đầu của thế kỷ 20. Đơn giản hoá những thiết kế cầu kỳ của trường phái này tại châu Âu, ông tái hiện các nét đặc trưng của phong cách này ở một góc độ tối giản nhưng cũng không kém phần ấn tượng. Điều này phần nào phản ánh thực tế lối sống và văn hoá của mỗi khu vực có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc một phong cách nghệ thuật có thể chuyển biến như thế nào tại xã hội khác nhau. 

do noi that gia sach skyscraper paul theodore

Thiết kế giá sách thuộc bộ sưu tập Skyscraper được thiết kế bởi Paul Theodore Frankl. Ảnh: High Museum of Art.

Khi nói đến không gian nội thất Art Deco, không thể không kể đến thiết kế sảnh đón của toà nhà Chrysler được thiết kế bởi kiến trúc sư William Van Alen. Sắc vàng óng ánh của đá travertine Sienna phối cùng màu đỏ hồng của đá granite như tạo nên một lớp áo kiêu kỳ phủ khắp không gian. Các chi tiết chạm trổ bằng kim loại cùng đèn trang trí cũng góp phần điểm thêm vẻ tráng lệ của khuôn viên sảnh. Gắn với lối sống xa hoa và gu thẩm mỹ tinh tế của giới thượng lưu Manhattan, công trình biểu tượng này luôn được xem như một niềm kiêu hãnh của New York nói riêng và cả nước Mỹ nói chung vào thời kỳ ấy. 

sanh don khach chrysler toa nha manhattan art deco

Sảnh đón của toà nhà Chrysler tại Manhattan, New York. Ảnh: Angelo Hornak.

phong cach art deco noi that thang may

Sảnh đón của toà nhà Chrysler tại Manhattan, New York. Ảnh: Angelo Hornak.

Thực hiện: Anh Phương


Xem thêm

Kiến trúc Art Deco: Vẻ đẹp kinh điển và sức hấp dẫn trường tồn

Art Deco tại London, kiến trúc cũ khoác lên đời sống mới

Khách sạn Harbord – Hoài niệm Art Deco