Sự dịch chuyển của phong cách kiến trúc trong phim kinh dị

Khuôn mẫu cho các bộ phim kinh dị trước đây đã từng là những ngôi nhà mang những đặc trưng của phong cách Gothic với gam màu u tối cùng những chi tiết cầu kì, tầng gác mái, cùng nội thất cổ điển. Ngày nay, chúng đang dần bị thay thế bởi những công trình hiện đại với thiết kế bê tông và kính tối giản.

Với các nhà làm phim, kiến trúc thường được sử dụng như một phần trọng yếu tạo nên chiều sâu cho những bộ phim kinh dị, giúp gợi nên cảm xúc hồi hộp và kích thích trí tưởng tượng của khán giả. Cùng những thay đổi của thị hiếu đại chúng đối với nền điện ảnh và lĩnh vực kiến trúc, ta có thể nhận thấy những chuyển dịch đáng kể trong thiết kế bối cảnh, cụ thể hơn là rời xa những khuôn khổ xưa cũ gắn liền với phong cách Gothic trau chuốt trong chi tiết, để đến với sự tinh giản hiện đại. 

Bắt đầu từ những năm đầu của thế kỷ 20, các công trình kiến trúc mang phong cách Gothic bắt đầu được xem như một công thức phổ biến cho những tác phẩm văn học và điện ảnh mang hơi hướng kinh dị. Những chi tiết chạm trổ cầu kì, mái vòm, cửa sổ latticed bọc lưới kim loại cùng gam màu tối chủ đạo được xem như một khởi đầu vừa vặn để kể lại một câu chuyện rùng rợn với nhiều tầng ý nghĩa. Không quá khó để nhận thấy những điểm chung về không gian nội thất trong các tác phẩm kinh điển đều có những chiếc cầu thang chữ U hoặc xoắn ốc với phần tay vịn cầu kỳ, tầng hầm hoặc tầng gác mái phủ đầy bụi, đồng hồ dây cót với tiếng kim tích tắc cùng những món đồ nội thất cổ điển. Một số tác phẩm điện ảnh kinh dị như Psycho (1960), The Addams Family (1991), và The Amityville Horror (2005) đều ứng dụng phong cách Gothic vào xây dựng phông nền cho câu chuyện của mình cũng như khơi gợi những tình tiết nguy hiểm sắp xảy ra.

the psycho phim kinh di kien truc

Bối cảnh trong phim The Psycho (1960).

the addams family lau dai phim kinh di

Lâu đài trong bộ phim The Addams Family (2022).

Trong vòng 10 năm gần đây, lĩnh vực điện ảnh kinh dị đã có những thay đổi rõ rệt, từ xu hướng ưa chuộng bối cảnh Gothic đặc thù sang những công trình kiến trúc hiện đại với tường bê tông và những lớp cửa sổ kính trong suốt. The Girl Before (2021) của đài BBC là một ví dụ tiêu biểu cho xu hướng này, khi toàn bộ câu chuyện được diễn ra tại một ngôi nhà với thiết kế tối giản cùng không gian mở. Một ví dụ khác là bộ phim nổi tiếng Ex Machina (2014) được đạo diễn bởi Alex Garland cùng bối cảnh kiến trúc hiện đại rất được sự quan tâm của giới chuyên môn trong những năm vừa qua. Ngôi nhà cabin gỗ với tạo hình tinh gọncùng lớp cửa kính xuyên suốt như mang cả khu rừng bên ngoài vào trong ngôi nhà, được thiết kế bởi Jensen & Skodvin Architects – một đơn vị kiến trúc có tiếng tại Na-Uy. Được ưa chuộng bởi tính thân thuộc với thị hiếu hiện đại, xu hướng này khắc hoạ những nỗi sợ gắn liền với bản tính con người trong xã hội hiện nay.

the girl before phim kinh di kien truc be tong

Kiến trúc bê tông và cửa kính lớn dần xuất hiền nhiều hơn trong các tác phẩm kinh dị của điện ảnh thế giới. Ảnh: Trích từ The Girl Before (2021)

ex machina phim kinh di kien truc noi that hien dai

Một cảnh trích từ bộ phim Ex Machina (2014) với lớp kính giúp đưa thiên nhiên hùng vĩ vào không gian nội thất.

Sự kết hợp giữa bê tông và kính là một công thức tuyệt vời để lột tả sự tương phản về vật liệu cũng như về tương quan đặc – rỗng của một công trình kiến trúc. Với bối cảnh một ngôi nhà hiện đại lọt thỏm giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, cảnh tượng bên ngoài thường giúp cường điệu hoà bức tranh thêm nhiều lần, tạo cảm giác bao la đủ để làm choáng ngợp nhưng vẫn có đôi chút lạc lõng và lo âu. Màn đêm buông xuống là khi cán cân thay đổi hoàn toàn, cảnh vật xung quanh trở nên mờ nhạt dần, ánh đèn sáng lên và khung cảnh bên trong căn nhà trở thành tiêu điểm duy nhất – một nơi chốn biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Sự xuyên thấu giữa không gian nội thất và ngoại thất cũng góp phần xây dựng nên nỗi bất an khởi nguồn cho các câu chuyện, khi sự yếu đuối của con người trở nên trần trụi với bối cảnh xung quanh.

the glass house phim kinh di biet thu villa

Căn biệt thự trong phim The Glass House (2001). Ảnh: Tim Street Porter

Ngoài những thay đổi dễ thấy về kiến trúc còn có những biến chuyển về các chi tiết nội thất được sử dụng trong các tác phẩm điện ảnh được ưa chuộng gần đây. Những bức tường đầy ắp tranh và vật trang trí gia truyền, hoặc những tấm thảm hoa văn dần nhường chỗ cho những bức tường bê tông tối giản, những bức tranh trừu tượng đầy ẩn ý, và ranh giới mong manh giữa không gian bên trong ngôi nhà với quang cảnh bên ngoài. Sự thay đổi này phần nào thể hiện những chuyển biến tâm lý của số đông trong thời buổi hiện đại ngày nay, khi người ta cố giải thoát bản thân khỏi những ràng buộc về quá khứ và tập trung vào tìm kiếm sự tự do trong tâm trí mỗi con người. 

Một yếu tố khác đang dần xuất hiện dày đặc hơn trong các tác phẩm điện ảnh rùng rợn hiện nay là sự xuất hiện của hệ thống giám sát trong nhà. Đó là những diễn biến có thể được thấy rõ từ bên ngoài thông qua lớp kính trong suốt và hệ thống camera theo dõi. Dường như không có bất kỳ sự riêng tư nào bên trong những căn nhà kính hiện đại ấy. Với sự phát triển của công nghệ và trí tuệ nhân tạo, những nỗi sợ của con người cũng dần thay đổi, được thể hiện một cách có ẩn ý thông qua những biến chuyển trong bối cảnh kiến trúc. Người ta không chỉ còn sợ hãi trước những thế lực siêu nhiên với không gian âm u, mà thay vào đó còn là những góc tối của nội tâm con người đang bị chi phối bởi xã hội hiện đại – sự khao khát tự do, sự yếu đuối trước thiên nhiên, sự cô đơn, và cả những góc khuất gây tranh cãi của công nghệ đối với đời sống hằng ngày.

Ngày nay, các tổ sản xuất đang nỗ lực trở nên cởi mở và sáng tạo hơn trong việc lựa chọn phong cách cho tác phẩm của mình. Không chỉ dừng lại ở những trường phái kiến trúc đa dạng với điểm chung là sự lạnh lẽo, bí ẩn, một số tác phẩm đã thành công vượt ra khỏi khuôn khổ thường thấy trong lĩnh vực phim kinh dị nói riêng và ngành điện ảnh nói chung. Midsommar (2019) là một ví dụ điển hình cho sự bứt phá về định hướng nghệ thuật, khi đạo diễn Ari Aster quyết định xây dựng một câu chuyện rùng rợn tại bối cảnh một ngôi làng với vẻ đẹp nên thơ, nơi đang diễn ra một mùa lễ hội đầy màu sắc với những tông màu tươi sáng. Đôi khi, một câu chuyện rùng rợn khiến ta phải suy nghĩ đến ám ảnh lại có thể được bọc trong một lớp vỏ xinh đẹp không tưởng. 

phim kinh di kien truc midsommar

Kiến trúc trong bộ phim Midsommar (2019) của đạo điễn Ari Aster mang màu sắc sặc sỡ và họa tiết dân gian đẹp mắt. Ảnh: A24

Một mùa Halloween nữa trôi qua, ta lại có dịp ngồi lại và điểm qua những tác phẩm nổi bật nhất của dòng phim kinh dị và chậm rãi quan sát những chuyển biến trong thị hiếu kiến trúc – viên gạch tiền đề giúp viết nên những câu chuyện phía sau và từng bước xây nên các lớp ý nghĩa được lồng ghép xuyên suốt mạch phim.

Thực hiện: Anh Phương


Xem thêm

Ảnh hưởng của màu sắc lên không gian trong phim

10 tác phẩm điện ảnh với thiết kế nội thất ấn tượng

Không gian văn hóa Việt qua những tác phẩm điện ảnh kinh điển