Cẩm tú cầu: Vết dấu lịch sử của những khóm hoa mùa hạ

Như mang đến cảm giác nhẹ nhàng và tươi mát của cơn mưa mùa hạ, những đóa hoa cẩm tú cầu với màu sắc đa dạng đã làm nhiều người say mê, đưa vẻ đẹp của nó vào trong nhiều khía cạnh của đời sống từ nhiều thế kỷ trước.

Cẩm tú cầu là một trong những loài hoa được ưa chuộng và có thể trồng ở cả châu Á và châu Âu với hàng trăm giống khác nhau. Có tên tiếng Anh là Hydrangea hoặc Hortensia, loài hoa này có nguồn gốc từ Nhật Bản, nơi chúng được gọi là 紫陽花 – ajisai (Tử Dương Hoa), 集真藍 – azusai (Tập Chân Lam, nghĩa là tập hợp màu chàm), 七変化 – shichihenge (Thất biến hóa, nghĩa là loài hoa có thể thay đổi bảy màu khác nhau) hay 手毬花 – temaribana (Thủ cầu hoa, nghĩa là bông hoa có hình tròn giống như quả bóng temari), tất cả đều mang vẻ đẹp độc đáo và khả năng biến đổi màu sắc kỳ diệu tùy điều kiện thời tiết, khí hậu hay thổ nhưỡng. Đặc biệt, đây là loài hoa của mưa mùa hạ vì khi gặp mưa, hoa sẽ càng bừng nở và tươi sắc.

hoa cam tu cau Hydrangea Hortensia tu duong hoa thu cau hoa

Vẻ đẹp biến ảo với những sắc màu liên tục chuyển đổi của cẩm tú cầu đã chinh phục trái tim của nhiều người yêu hoa. Điều thú vị về màu sắc của hoa đó là nó cho ra màu xanh nếu được trồng ở đất có tính acid và màu đỏ nếu trồng trong đất kiềm. Ảnh: Tư liệu

Những dấu tích đầu tiên của hoa cẩm tú cầu trong văn học Nhật Bản được tìm thấy trong Manyoshu, tuyển tập thơ cổ nhất có niên đại từ thế kỷ thứ 8, thời kỳ Nara. Tại đó, loài hoa này xuất hiện dưới các tên gọi Ajisaai và Ajisai, cho thấy sự đa dạng trong cách gọi tên ban đầu. Đến thời kỳ Momoyama, nó mới chính thức bước vào thế giới nghệ thuật, với những bức tranh đầu tiên mô tả hình dáng tròn trịa đặc trưng của hoa. Tiêu biểu là tác phẩm “Cây thông và cây cẩm tú cầu” của họa sĩ Kano Eitoku, một nghệ sĩ nổi tiếng từng phục vụ cho cả Oda Nobunaga và Toyotomi Hideyoshi. Bức tranh này hiện được lưu giữ tại chùa Nanzenji ở Kyoto và được công nhận là một Di sản văn hóa quan trọng của Nhật Bản.

Hydrangea Hortensia tu duong hoa thu cau hoa gom su

Tác phẩm Dish with Hydrangeas làm từ sứ tráng men ngọc và trang trí men xanh thời Edo. Ảnh: MET museum

hoa cam tu cau Hydrangea Hortensia tu duong hoa thu cau hoa

Ảnh: MET museum

Trong thời kỳ Edo, dù được các họa sĩ nổi tiếng như Ogata Korin, Tawaraya Sotatsu và Sakai Hōitsu đưa vào tranh vẽ, cẩm tú cầu dường như vẫn chưa được giới làm vườn thời bấy giờ ưa chuộng. Bằng chứng là nó chỉ được nhắc đến thoáng qua trong hai cuốn sách làm vườn đầu tiên “Kadan Amime” (1664) và “Kadan Chikinsho” (1696). Nguyên nhân có lẽ đến từ việc loài hoa này quá dễ nhân giống, khiến việc trồng trọt và kinh doanh trở nên kém hấp dẫn. Tuy vậy, nó thường xuyên xuất hiện trong thơ haiku và senryu, minh chứng cho sự hiện diện kín đáo trong đời sống văn hóa. Một dấu ấn quan trọng của thời kỳ này là câu chuyện về bác sĩ, nhà thực vật học người Đức Philipp Franz von Siebold, người đã đem lòng yêu mến Otaki, một phụ nữ đến từ Nagasaki. Ông đặt tên loài hoa yêu thích của mình là Otakusa theo tên nàng và mang cẩm tú cầu về châu Âu, giới thiệu 14 loài mới được ghi lại trong cuốn “Flora of Japan” mà ông viết cùng nhà thực vật học Zuccarini.

Hydrangea Hortensia tu duong hoa thu cau hoa

Giấy hoa văn Katagami với họa tiết cẩm tú cầu. Ảnh: Harvard University

Dù đã được du nhập vào Trung Quốc và London từ năm 1789, nhưng tại quê hương Nhật Bản thời Minh Trị. nó vẫn không thực sự được ưa chuộng. Mãi đến thời Taisho, khi các giống cẩm tú cầu phương Tây được cải tiến và du nhập trở lại, loài hoa này mới bắt đầu thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, phải sau Thế chiến thứ II, nó mới thực sự trở nên phổ biến, một phần nhờ vào việc các địa điểm ngắm hoa thu hút khách du lịch.

Hydrangea Hortensia tu duong hoa thu cau hoa kimono

Áo kimono dài tay (Furisode) có hoa cẩm tú cầu và hoa anh đào thời Minh Trị. Ảnh: MET museum

Vào mùa hoa cẩm tú cầu, du khách nô nức đổ về các ngôi chùa, nơi loài hoa này được tôn vinh. Nhiều ngôi đền ở Nhật Bản còn được mệnh danh là đền Hoa cẩm tú cầu (あじさい寺), như đền Meigetsuin ở Kamakura hay đền Mimurotoji ở Kyoto. Truyền thống trồng cẩm tú cầu tại các chùa bắt nguồn từ xa xưa, khi dịch bệnh hoành hành vào mùa mưa. Những bông hoa nở rộ trong thời tiết khắc nghiệt này được trồng để tưởng nhớ những người đã khuất. Ngày nay, dù dịch bệnh không còn là nỗi lo, hoa vẫn được trồng rộng rãi tại các ngôi chùa trên khắp Nhật Bản, nhờ vẻ đẹp và khả năng dễ nhân giống.

Hydrangea Hortensia tu duong hoa thu cau hoa

Cẩm tú cầu ở đền Meigetsuin. Ảnh: Ayako1106

Tại Trung Quốc, thời nhà Tống đánh dấu đỉnh cao của cẩm tú cầu trong văn hóa, khi chúng được gọi là Bát Tiên hoa (八仙花), liên hệ đến hình tượng Bát Tiên (Tám vị tiên). Đến thế kỷ 17, dưới thời Ung Chính, các nghệ nhân gốm sứ đã khéo léo đưa hình ảnh loài hoa này cùng với đào (biểu tượng của sự bất tử) và dơi (biểu tượng của hạnh phúc) vào các tác phẩm nghệ thuật. Sự kết hợp này không chỉ mang yếu tố thẩm mỹ mà còn là một cách chơi chữ tinh tế, tượng trưng cho những điều tốt lành và may mắn.

tuong dong bat tien Hydrangea Hortensia tu duong hoa thu cau hoa

Tượng đồng Eight Immortals (Bát Tiên) thời nhà Thanh, Trung Quốc. Ảnh: The Trustees of the British Museum

Hydrangea Hortensia tu duong hoa thu cau hoa

Tấm thảm Flowers and Garden Rock làm từ lụa và sợi kim loại (kesi) thời nhà Nguyên (1271–1368) hoặc nhà Minh (1368–1644). Ảnh: Alamy Stock Photo

hoa cam tu cau Hydrangea Hortensia tu duong hoa thu cau hoa

Bản in cẩm tú cầu kết hợp khắc gỗ, in màu và gauffrage trên giấy của Ding Liangxian thời nhà Thanh. Ảnh: The Trustees of the British Museum

Ở phương Tây, đặc biệt là trong thời đại Victoria, hoa cẩm tú cầu từng bị gán cho ý nghĩa tiêu cực, tượng trưng cho sự phù phiếm và khoe khoang do vẻ ngoài lộng lẫy nhưng không kết trái. Trong thời Trung cổ, người ta tin rằng những phụ nữ trồng hoặc chăm sóc hoa cẩm tú cầu sẽ không thể tìm được bạn đời. Tuy nhiên, quan niệm này đã không còn tồn tại. Ngày nay, loài hoa này được ưa chuộng để trang trí nhà cửa, các buổi tiệc hay ngày lễ, cũng như làm cảm hứng trong lĩnh vực thiết kế.

Hydrangea Hortensia tra nhat ban

Tại Nhật Bản, trà amacha làm từ lá cẩm tú cầu còn được sử dụng trong lễ Phật Đản, thể hiện sự tôn kính và gắn bó giữa loài hoa này với đời sống tâm linh. Ảnh: Kimberley’s Kyusu

Hydrangea Hortensia tu duong hoa thu cau hoa

Paulette, một nhà làm mũ vĩ đại người Pháp, đã làm chiếc mũ hoa cẩm tú cầu này vào khoảng năm 1955. Ảnh: Victoria and Albert Museum

binh hoa noi that trang tri hydrangea

Ảnh: Afloral

giay dan tuong noi that

Cảm hứng từ hoa cẩm tú cầu trong thiết kế giấy dán tường. Ảnh: Milton & King

Cẩm tú cầu tiếp tục chinh phục trái tim của những người yêu hoa trên khắp thế giới, khẳng định vị thế là một trong những loài hoa được yêu thích nhất mọi thời đại. Dù mang ý nghĩa gì, cẩm tú cầu vẫn là món quà ý nghĩa trong những dịp kỷ niệm, thể hiện sự trân trọng và tình cảm chân thành.

Thực hiện: Vy Dương 


Xem thêm: 

Hoa mộc lan-Vẻ đẹp thanh tao triệu năm tuổi

Hoa tulip: Hành trình của biểu tượng văn hóa

Cảm hứng hoa Tết: Hương sắc mùa mới