Bonsai là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống và lâu đời của Nhật Bản, được thành hình và phát triển bền vững qua các thời kỳ khác nhau và ngày nay được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới. Trong mỗi một tác phẩm, từng dáng cây, tán lá đem đến một tuyên ngôn về cái đẹp của người tạo tác và qua đó biểu lộ những giá trị thẩm mỹ của sự nhẫn nại và tỉ mẩn.
Bonsai ban đầu được biết đến với người Nhật dưới hình thái của Suhama, tức “bờ biển phức tạp”. Đây là một dạng bồn cảnh tái hiện cảnh quan của một bãi biển cát trắng độc đáo cùng các cây cảnh và trang trí nhỏ lẻ. Tác phẩm “Amusements at Higashiyama in Kyoto” (Thế kỷ 17). Ảnh: Tư liệu
Bonsai trong tiếng Nhật nghĩa là “cây trồng trong chậu”, là một dòng nghệ thuật trồng và tạo hình các loại cây nhỏ trong các chậu, khay. Các chậu cây ban đầu chỉ được người dân Nhật Bản sử dụng để trang trí nhà cửa. Theo thời gian, Bonsai dần được chú trọng hơn trong cách thức chăm sóc và tạo dáng, khiến nó trở thành một loại hình nghệ thuật với các tiêu chuẩn thẩm mỹ nhất định. Từ đó, mục đích trồng bonsai dần được mở rộng ra khỏi việc làm đẹp nội thất đơn thuần để biến thành một tác phẩm trưng bày mang nét đẹp đáng chiêm nghiệm và sự khéo léo của người nghệ nhân.
Một khu vườn với các chậu bonsai trong đêm lễ hội tại Nhật Bản. Tác phẩm “Flower in the Four Seasons” (nằm trong bộ sưu tập Saitama của bảo tàng Omiya Bonsai). Ảnh: Tư liệu
Bonsai Nhật Bản được phát triển từ nghệ thuật Penjing có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vào thời nhà Đường (618- 907) ở Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện các chậu, khay nhỏ mô phỏng cảnh quan thiên nhiên bằng đá, sỏi cùng các loại cây cảnh khác nhau. Cũng trong khoảng thời gian này, các thành viên của phái đoàn ngoại giao và các tăng sinh Phật giáo từ Nhật Bản đã đến thăm Trung Quốc và trở về với các món quà lưu niệm, bao gồm các tiểu cảnh trong chậu cây. Từ đây, chúng dần len lỏi vào trong cuộc sống người dân Nhật Bản, thể hiện qua các bức tranh in mộc bản ukiyo-e.
Thời kỳ trung đại, các tác phẩm bonsai được thể hiện và minh họa trong các cuộn tranh vẽ. Một trong những minh hoạ rõ nét nghệ thuật Bonkei trong đời sống người dân Nhật Bản trong tác phẩm “Kasuga Gongen Genki E” được thực hiện bởi thành viên của gia tộc Fujiwara. Ảnh: Tư liệu
Từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17, cụm từ Hachi-no-ki ra đời để chỉ các cây nhỏ được trồng trong các chậu đáy sâu. Đây cũng là tên được đặt cho một vở kịch Noh của Zeami Motokiyo, dựa trên câu chuyện về một samurai nghèo khó đã đốt ba cây trồng trong chậu cuối cùng của mình làm củi sưởi ấm cho một nhà sư đi đường; nhà sư thực chất là một quan chức cải trang và sau đó đã ban thưởng cho vị samurai. Trong những thế kỷ sau, nhờ vào các bản in mộc bản về vở kịch và các phương tiện truyền thông thời bấy giờ mà đến thế kỷ 18, việc trồng bonsai dần trở được biết đến rộng rãi và thu hút sự quan tâm của người dân Nhật Bản.
Một trong những cây bonsai lâu đời nhất được xem là quốc bảo của Nhật Bản là Sandai Shogun và hiện đang nằm trong bộ sưu tầm của Hoàng cung Tokyo. Cây được cho là có tuổi đời ít nhất 500 năm và được trồng, chăm sóc từ năm 1610 bởi Shogun Tokugawa Lemitsu. Ảnh: Tư liệu
Giống như Ikebana, Bonsai mang những triết lý trong văn hóa Nhật Bản, chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo Thiền tông và cách thể hiện tinh thần Wabi-sabi tinh giản. Qua thời gian, nhiều biến thể bonsai đã được thành hình ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng hầu hết đều tuân thủ chặt chẽ các quy tắc thiết kế Nhật Bản như:
Kích thước nhỏ: Có thể hiểu nôm na rằng Bonsai là nghệ thuật trồng một cây cổ thụ trong chậu.
Bất đối xứng: Bố cục lệch và không cân bằng nhằm nhấn mạnh vẻ đẹp về sự bất hoàn và từ đó khơi dậy sự hài hòa.
Tỷ lệ: Cây bonsai lý tưởng mô phỏng một cây trưởng thành ngoài tự nhiên với tỷ lệ nhỏ. Không nên chọn lựa các cây nhỏ nhưng lá quá to hoặc các cây có thân nhỏ nhưng cành to, thô,… Ngoại lệ của quy tắc này là các cây có hoa hoặc quả lớn hơn so với cây.
Tác phẩm “Goshin” của nghệ nhân John Y. Naka, là một rừng mini, thể hiện sự hài hòa và cân bằng giữa các thân cây. Ảnh: Rebecca Hale
Các dạng Bonsai thường được phân loại dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau như hướng của thân cây, bề mặt vỏ cây, cách bố trí của thân và rễ, cây với nhiều thân… Việc chia ra nhiều dạng bonsai giúp những các nghệ nhân có thể dễ dàng tiếp cận và trao đổi với các nguồn thông tin cần thiết cho quá trình trồng và chăm sóc.
Các dụng cụ cơ bản của Bonsai gồm có: kéo tỉa lá, kéo tỉa cành, kìm cạp tròn, kìm cạp xéo, móc rễ, chổi cọ… Nhằm giúp cho cây có được một ngoại hình ưng ý, người trồng thường thực hiện nhiều phương pháp và kỹ thuật khác nhau lên cây như tỉa cành (tỉa cành định hình, duy trì, hoặc tỉa lá), uốn cành (nhằm tạo ra những đường cong mềm mại và tự nhiên cho cây, có thể uốn bằng dây đồng, bằng kìm, hoặc bằng tay), ghép cành (ghép mắt, ghép cành), cắt rễ… Cách trưng bày Bonsai cũng cần được cân nhắc, nên đặt ở vị trí thuận lợi để thấy được tất cả các đặc điểm nổi bật của cây và hạn chế tầm nhìn với các khuyết điểm không mong muốn.
Ảnh: Pankaj Anand
Trồng Bonsai có thể bắt đầu với việc thu thập mẫu cây (có thể là một đoạn giâm, cây con, cây trong tự nhiên…). Bạn có thể lựa chọn các cây thân gỗ lâu năm, cây bụi, cây có lá nhỏ, lá kim… có kích thước phù hợp với việc trồng trong các chậu cây nhỏ. Tiếp đến, lựa chọn chậu với kích thước phù hợp với cây và tiến hành trộn đất. Tuỳ thuộc vào ý muốn và đặc điểm cây mà bạn có thể gia giảm các thành phần hỗn hợp đất tuỳ ý. Trong quá trình trồng, bạn cần thường xuyên tỉa lá, cành và thực hiện tạo hình cho cây nhằm kiểm soát kích thước và mức độ sinh trưởng, phát triển của cây.
Ngày nay, Bonsai đã trở thành một thú vui được nhiều người trên toàn thế giới quan tâm. Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc hay châu Âu thường xuyên tổ chức các cuộc thi cho loại hình nghệ thuật này. Với sự sáng tạo và lòng kiên nhẫn, nhiều nghệ nhân đã tạo ra những chậu bonsai ấn tượng, có thể xem như một tác phẩm nghệ thuật đầy sức sống. Bên cạnh giá trị về mặt thẩm mỹ, theo thuật phong thủy, Bonsai được tin là đem lại nhiều nguồn năng lượng may mắn và tích cực cho gia chủ. Điều này thể hiện sự tồn tại bền vững và sức ảnh hưởng của nghệ thuật thủ công này trong thời kì hiện đại, góp phần làm cân bằng với nhịp sống nhanh chóng.
Tác phẩm Pinus Mugo của Ruben Ciezar Villanueva. Ảnh: Tư liệu
Ảnh: Baldiwala Edge
Thực hiện: Quychibeo
Xem thêm
Bonsai – Chuyện thăng, trầm, rồi lại thăng của một loại hình nghệ thuật