Bonsai – Chuyện thăng, trầm, rồi lại thăng của một loại hình nghệ thuật

Hơn cả một thú vui, Bonsai còn là một loại hình nghệ thuật có tầm ảnh hưởng sâu sắc, ẩn chứa nhiều triết lý sâu sắc về cuộc sống. Trải qua sự phát triển, suy thoái rồi dần lấy lại vị thế, Bonsai ngày nay được ưa chuộng và phát triển rộng rãi trên thế giới.

Năm 1914, một lô hàng cây cảnh từ Công ty Vườn ươm Yokohama Nhật Bản đã cập cảng San Francisco, trong số đó có một cây phong đinh ba bonsai cao chừng 2 mét được chuyển đến Gian hàng Nhật Bản tại Triển lãm Quốc tế Panama -Thái Bình Dương tổ chức hai năm sau đó. Hơn 1000 năm tuổi, cây phong này là hình mẫu cho kiểu cách hoàng gia, vốn chỉ được trưng trong phủ của các tướng quân và lãnh chúa phong kiến. Đây loại cây được đặt theo tên của triều đình thời Minh Trị Duy Tân thế kỷ XIX – kỷ nguyên đánh dấu bước chuyển mình của Nhật Bản sau 214 năm “bế quan tỏa cảng”. Đặc trưng của phong đinh ba là các cành vươn ra từ thân cây sẽ đối xứng một cách tinh tế, những đượm lá non khi tiết xuân về gợi lên dáng hình của tam giác cân. Như hầu hết các cây bonsai thời đó, cây phong thể hiện cho lý tưởng bền vững về đích đến trạng thái cân bằng của thế giới tự nhiên.

bonsai nghe thuat trong cay nhat ban

Tác phẩm bonsai được tạo bởi nghệ nhân Masashi Hirao, theo chiều kim đồng hồ từ trên cùng bên trái: cây bách xù 80 tuổi, cây thông trắng 70 tuổi, cây phong 10 tuổi và cây bách xù 50 tuổi. Ảnh: Tetsuya Miura

Khi cuộc triển lãm kết thúc, cây phong đã được mua bởi Kanetaro Domoto, một người nhập cư Nhật Bản đến Oakland, California vào những năm 1880. Ông cùng các anh em của mình đã xây dựng nên một vườn ươm của người Nhật lớn nhất nước Mỹ. Trong thời kỳ Đại khủng hoảng, dòng họ Domoto đã mất hết tài sản, con trai cả của Kanetaro là Toichi, đã mang cây phong đinh ba đến vườn ươm của chính mình ở Hayward. Vào năm 1942, gia đình của ông đã bị giam tại trại giam Amache ở Colorado.

Trong trại giam, những nghệ nhân bonsai như Kanetaro đã dùng giấy và dây để tạo nên cây và hoa – biểu trưng cho nỗi đau khổ của chính họ. Sau chiến tranh, các nhà tù đóng cửa, những cựu tù nhân thành lập các câu lạc bộ địa phương dành cho cộng đồng người Mỹ gốc Nhật có chung sở thích, dần dà thu hút được nhiều người có niềm đam mê với thẩm mỹ Nhật Bản. Toichi Domoto quay trở lại vườn ươm của mình và bắt đầu một khởi đầu khôi phục lại cây phong quý giá của gia đình mình.

Khi Toichi vắng mặt, cây phong trở nên xiêu vẹo và thiếu sức sống, thùng gỗ mục nát với bộ rễ phát triển đâm thẳng xuống đất. Nhưng nhờ quá trình chăm bón tích cực, vài thập kỷ sau, Domoto Maple cao gần 2,7 mét đã trở thành trung tâm chính cho bộ sưu tập cố định của Bảo tàng Cây cảnh Thái Bình Dương tại Tacoma, Washington. Cây phong nhà Tomodo – biểu tượng sống của sự đấu tranh và sinh tồn, vô tình là tiền thân của một phong trào mới cho nghệ thuật bonsai đương đại. Bằng cách uốn nắn những loài thực vật bản địa thành các khối dáng độc đáo, thể hiện đặc trưng văn hóa và khí hậu của chúng, các nghệ nhân bonsai từ Đông Á đến Nam Mỹ đang đề xuất một phong cách biểu hiện mới, vừa đặt nghi vấn, vừa chấp nhận hạn chế của loại hình nghệ thuật trăm năm tuổi này: khám phá sự phong phú của thế giới tự nhiên lẫn trải nghiệm của con người. 

bonsai nghe thuat tao dang cay canh nhat ban

Một cây bách xù ở Rocky Mountain được tạo ra bởi Ryan Neil. Ảnh: Chris Hornbecker

Thói quen trồng cây cổ thụ thu nhỏ được cho là du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc vào khoảng thế kỷ VII, khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Tại thời điểm đó, những người làm vườn Trung Quốc đã có thể tạo nên những chậu cây cảnh nhỏ, hay còn gọi là penjing (tạm dịch: phong cảnh trong chậu), đem yếu tố thiên nhiên tô điểm cho căn nhà của giới tinh hoa chính trị, họa sĩ và nhà thư pháp. Penjing vốn được phát triển qua nhiều thế kỷ, không hề lý tưởng hóa thiên nhiên mà đúng hơn là miêu tả lại. Theo một số học giả về nghệ thuật bonsai, penjing đã phóng đại và làm nổi bật vẻ đẹp đặc hữu của thiên nhiên. Vào những năm 1970, chính phủ Trung Quốc bắt đầu hệ thống hóa năm trường phái penjing theo từng vùng, mỗi trường phái có cách tiếp cận riêng để biến tấu các loài thực vật địa phương qua phương pháp cắt, tỉa, uốn, kẹp nhằm thể hiện những giá trị sống và khắc họa sự khắc khổ trong các bức tranh cổ phong. 

cay canh tao hinh nhat ban

Cây du của Neil Yatsubusa cho Bonsai Mirai. Ảnh: Chris Hornbecker

Từ thế kỷ XII, thợ thủ công và tu sĩ Nhật Bản cũng đã phát triển nghệ thuật này thành một hình thức quan sát có kiểm soát mà sau này được gọi là bonsai (tạm dịch: trồng trong chậu). Mặc dù thuật ngữ này đã tồn tại hàng thế kỷ, nhưng phải đến thời Minh Trị (1868-1912), nó mới mang ý nghĩa như hiện tại. Vào thời điểm đó, các học giả đã bắt đầu phân loại các yếu tố như hình dạng thân, vị trí phân nhánh và chủng loại phù hợp: những loại cây lâu năm thân gỗ có cành và lá tương đối nhỏ (bao gồm: thông, phong, cây bách xù, sồi, cây du, anh đào và mận). Bonsai có thể có kích thước từ chỉ từ vài cm đến cây cổ thụ có chiều cao hơn 2 mét. Bất kể kích thước, chủng loại hay độ tuổi, mỗi tác phẩm đều toát lên vẻ đẹp thăng hoa và sừng sững của một cây cổ thụ. So sánh hình dáng lý tưởng của cây cảnh cổ điển với tư thế kamae của kịch Noh – đầu gối của diễn viên hơi cong và cánh tay buông ra khỏi cơ thể, khi diễn viên múa định hình tư thế ở một mức độ nhất định, nếu họ có thể rũ bỏ sự căng thẳng thì cơ thể dường như rơi vào trạng thái bồng bềnh, bonsai cũng vậy – nếu có một điểm cân bằng, hãy củng cố điểm đó và mọi thứ sẽ trở nên khả thi. 

Tuy các nhà truyền giáo châu Âu đã biết đến penjing và bonsai từ thế kỷ XVI, nhưng sau này món nghề thủ công này chỉ được thực hành ở Đông Á bởi các bậc thầy – những người chủ yếu chăm sóc cây cảnh cho các khách hàng quý tộc và quan chức chính phủ. Trong thời Minh Trị, các mẫu cây cảnh được trưng bày tại các hội chợ thế giới ở Paris, Vienna và Chicago đã giúp khơi dậy cơn sốt cho phong trào thẩm mỹ được gọi là Chủ nghĩa Nhật Bản (Japonisme) – vốn ảnh hưởng nhiều tới các trường phái Ấn tượng Pháp và vô số công ty trang sức, nội thất cao cấp của Châu Âu. Tuy nhiên, đến giữa thế kỷ XX, cả bonsai và penjing đều tạm thời bị đình trệ ở quê nhà. Ở Nhật Bản, hầu hết các vườn ươm bị yêu cầu trồng cây lương thực phục vụ Thế chiến II, còn ở Trung Quốc, nét văn hóa này đã bị xóa bỏ trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa vô sản, như một tàn tích của quá khứ phong kiến.

cay phong tao dang nghe thuat nhat ban

Cây phong của Neil Yatsubusa cho Bonsai Mirai. Ảnh: Lani Milton

Mặc dù vậy, loại hình nghệ thuật này vẫn phát triển mạnh mẽ ở phương Tây nhờ những người tiên phong như Yuji Yoshimura, người dạy nghệ thuật tạo hình cây cảnh cho các nhà ngoại giao nước ngoài và lính Mỹ đóng quân ở Nhật Bản, và John Naka – sinh ra ở Colorado và đã giới thiệu môn nghệ thuật bonsai khắp thế giới. Làm việc ở Nam California từ năm 1946 cho đến khi qua đời vào năm 2004, John đã sử dụng rộng rãi các loại cây bản địa như cây bách xù California và cây sồi ven biển, khác xa với những loài cây truyền thống được ưa chuộng ở Nhật Bản như thông đen, tuyết tùng và phong. 

Ở Nhật Bản – nơi nghệ thuật bonsai vẫn còn đang nở rộ, giới trẻ chủ yếu xem đây là thú vui của người già và tầng lớp giàu có. Nghệ sĩ 40 tuổi Masashi Hirao, sống tại Saitama, đã tổ chức các buổi biểu diễn trực tiếp cách ông trồng cây, cắt tỉa và ghép cành. Đây cũng là một nguồn thu nhập chung của các chuyên gia cây cảnh – nghệ thuật trình diễn kết hợp với nhạc sống, một hoạt động mà những người theo chủ nghĩa truyền thống đã lên án là đi ngược với mục đích thiền định của bonsai. Trong các dịp trình diễn ở những không gian mua sắm và buổi trình diễn thời trang, Hirao đã treo những cây bách xù mỏng manh trong gốm sứ xếp tầng, tạo nên những cảnh quan đa dạng trên những chồng đá bấp bênh.

bonsai nghe thuat tao dang cay canh nhat ban

Một cây bantigue được tạo ra bởi nghệ nhân bonsai người Philippines – Bernabe Millares. Ảnh: Courtesy of Susan Lee

Hiện tại, nghệ thuật bonsai đã lan rộng ra khắp thế giới, tại Philippines, Bernabe Millares, làm việc với những khu rừng ngập mặn ở rìa quần đảo quê hương và Mário A G Leal đến từ Brazil – chuyên sử dụng loài cây pitanga đang ra trái và calliandra xương xẩu từ vùng bụi rậm phía đông bắc. Ở Trung Quốc, các nhóm WeChat dành riêng cho bộ môn này đã phát triển một cách nhanh chóng, chủ yếu giới thiệu các loài và phong cách sáng tạo từ nhiều vùng khác nhau. Bên cạnh đó, giới thượng lưu sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn chỉ để có được một chậu cây bonsai ưng ý, tạo ra sự động lực cho nguồn cung trước nhu cầu gia tăng. Sự lan rộng của bonsai ngày nay là minh chứng cho nỗ lực truyền bá của những người tiên phong, giúp bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật giàu tính thẩm mỹ và triết lý. 

Thực hiện: Vân Thảo | Theo: NY Times


Xem thêm

Nghệ thuật cắm hoa Ikebana – Thổi hồn cho hoa lá

Freakebana: Nổi loạn và ngẫu hứng

Patrick Bergsma: Khám phá vẻ đẹp của tự nhiên bằng nghệ thuật và chất liệu Á Đông