Một thế giới tương lai cách xa hiện tại hàng nghìn năm, nơi loài người đã biết cách chinh phục các hành tinh từ những thiên hà xa xôi, chỉ để mặc định tuân theo một trật tự xã hội tân phong kiến giữa những cuộc tranh giành quyền lực. Diễn biến của Dune được xây dựng trên một mặt phẳng phức tạp, từ các nền văn hóa, tôn giáo đa dạng cho đến môi trường sống khắc nghiệt. Đây chính là thách thức mà đạo diễn Denis Villeneuve và nhà thiết kế sản xuất Patrice Vermette phải đối mặt trong việc tạo nên bản chuyển thể điện ảnh từ tiểu thuyết năm 1965 của Frank Herbert mà ở đó, bối cảnh đóng vai trò rất quan trọng.
Hai phần của Dune phát hành vào năm 2021 và 2024 đều được bao quát một cách thống nhất. Ngoài tính thẩm mỹ, môi trường và kiến trúc trong phim còn thể hiện một thế giới sống động, gắn kết giữa diễn biến hành động và tình cảm của các nhân vật, âm thầm mang đến những hiểu biết sâu sắc về các giá trị và thần thoại của mỗi nền văn minh. Bối cảnh bộ phim trải dài qua nhiều môi trường, từ Kaitain – hành tinh quê hương của Hoàng đế cầm quyền, đến các hành tinh của hai gia tộc đang đối đầu nhau: Caladan của nhà Atreides và pháo đài đồ sộ của nhà Harkonnen trên hành tinh Giedi Prime. Tuy nhiên, khung cảnh mấu chốt vẫn là Arrakis – một hành tinh sa mạc cằn cỗi nổi tiếng với ngành khai thác “hương dược”, vùng đất sinh sống của tộc người Fremen.
Phần phim thứ hai tiếp tục khám phá các chủ đề của nguyên tác về chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa môi trường và tôn giáo khi các phe phái tham chiến tranh giành quyền kiểm soát hành tinh sa mạc giàu tài nguyên – Arrakis. Mặc dù lấy bối cảnh trước thời điểm hiện tại 10.000 năm, thế giới của Dune trông không giống bối cảnh tương lai với bối cảnh hiện đại lấp lánh ánh đèn neon như thường thấy. Patrice Vermette, nhà thiết kế sản xuất từng làm việc với Denis Villeneuve trong bộ phim Arrival, đã lấy cảm hứng từ kiến trúc Ả Rập hiện đại, đặc biệt là các tác phẩm của hai kiến trúc sư Ammar Khammash và Sahel Alhiyari.
Phong cảnh sa mạc rộng lớn của Arrakis đã trở thành một nhân vật theo đúng nghĩa của nó. Được sử dụng để giới thiệu cách thức tương quan giữa những nền văn hóa liên quan đến môi trường sống, hành tinh này được xác định bởi hai khía cạnh kiến trúc rõ ràng. Một mặt, thủ đô Arrakeen – nơi được cho là công trình kiến trúc lớn nhất nhân loại từng xây dựng, thể hiện quyền lực và sự kiểm soát của những kẻ thực dân. Lấy cảm hứng từ kiến trúc Ziggurat, Maya và Brutalist, công trình đồ sộ này tương phản với thiên nhiên xung quanh với những bức tường bê tông nghiêng dày bảo vệ tầng lớp thống trị khỏi cái nóng và bão cát của sa mạc rộng lớn.
Những giếng trời và các khe sáng lọc bớt ánh nắng gay gắt của sa mạc, đồng thời củng cố tính khép kín của pháo đài. Phần nội thất bao gồm những không gian phức tạp về mặt hình học, các cao độ trần khác biệt đã gợi nhớ đến đặc trưng kiến trúc hữu cơ của Frank Lloyd Wright. Được bài trí tinh tế trong từng ngóc ngách của pháo đài, những gợi ý ẩn hiện rằng sẽ có một thế lực mạnh mẽ hơn vẫn chưa được xuất hiện: các bức tranh tường thể hiện các thế lực tự nhiên hình thành nên hành tinh. Chúng khắc họa cuộc gặp gỡ đầu tiên với Shai-Hulud – những con sâu cát lang thang trên khắp sa mạc, loài sinh vật này được thể hiện như một nhân vật giống Chúa, với mặt trời chiếu sáng từ miệng.
Trái ngược hoàn toàn với khung cảnh kiến trúc đồ sộ của thủ đô, những người dân Fremen sinh sống cộng đồng trong các sietch – những ngôi nhà dưới lòng đất được khoét sâu vào vùng núi Arrakeen, gợi nhớ về lối kiến trúc Hồi Giáo của cung điện Alhambra (Andalusia, Tây Ban Nha) – nơi ánh sáng được điều khiển một cách thuần thục thông qua các cửa vòm, tạo thành sự phản chiếu kỳ vĩ. Patrice đã kết hợp từ nhiều nguồn văn hóa khác nhau để mô hình hóa hình ảnh người Fremen, từ thiết kế Ả Rập bản địa và hiện đại, văn hóa du mục của người Bedouin cho đến các công trình của Ammar Khammash và Sahel Alhiyari. Là một dân tộc sùng đạo đến mức có phần mụ mị, người Fremen chờ đợi sự xuất hiện của Đấng cứu thế và tin rằng Paul Atreides – nhân vật chính của phim do Timothée Chalamet thủ vai, chính là Muad’Dib – người sẽ giúp dân tộc họ nắm quyền Arrakis.
Cách làm việc trên sa mạc lần này khác biệt đáng kể so với khi quay phần I, chỉ có đạo cụ được đưa vào, nhưng đối với phần phim này, bối cảnh chính được bố trí ở giữa sa mạc, khiến đoàn phim có thể thực hiện những can thiệp lớn hơn. Những thiết bị máy móc khổng lồ, như chiếc máy thu hoạch khổng lồ trong một cảnh hành động của Paul (Timothée Chalamet) và Chani (Zendaya), đã được đưa vào để mang lại những thước phim chân thực nhất có thể.
Thực hiện: Vân Thảo
Xem thêm:
Bối cảnh nghệ thuật trong phim The Taste of Things