Trước sự phát triển của công nghệ và nhịp sống của bậc phụ huynh ngày càng bận rộn, phương pháp tiếp cận kiến thức của trẻ ngày nay cũng thay đổi nhanh chóng và năng động hơn. Không thể phủ nhận những tiện ích mà công nghệ và nền tảng trực tuyến đem lại trong việc học, nhưng hình thức vật lý cũng có những lợi ích không thể loại trừ. Thư viện là không gian đọc lý tưởng để trẻ vừa được học tập, vừa được giao lưu cùng nhau. Vậy một môi trường giáo dục mang tính cộng đồng thu hút được các bậc phụ huynh và nhất là những độc giả nhỏ tuổi cần có những đặc điểm gì?
Đầu tiên, chúng ta cần khẳng định lại vai trò của thư viện trong khuôn khổ xã hội thông tin đa chiều đó là cung cấp kiến thức có tính học thuật cao, nuôi dưỡng niềm yêu thích đọc sách và phát triển thói quen học tập bất kể quy mô, lĩnh vực và độ tuổi. Nhà văn William S. Maugham từng nói: “Có được thói quen đọc sách là xây dựng cho mình một nơi trú ẩn khỏi hầu hết mọi đau khổ của cuộc đời.”
Trong bối cảnh thói quen dạy và học đang thay đổi, giải pháp thiết kế nội thất linh hoạt và thích ứng bằng kỹ thuật và vật liệu xây dựng địa phương được áp dụng tại nhiều thư viện có quy mô nhỏ được phát triển ở môi trường thành thị và nông thôn, đề cao khả năng giới thiệu cho thế hệ trẻ các chủ đề liên quan đến chăm sóc môi trường, giảm thải carbon, tôn trọng di sản và hướng đến cộng đồng.
Thư viện: Không gian học mà chơi
Việc tạo ra không gian thư viện linh hoạt và năng động, tích hợp công nghệ, giải trí và vui chơi vừa có thể thu hút trẻ, vừa không làm chúng bị xao nhãng việc đọc là một thử thách mà các kiến trúc sư cần quan tâm.
Tại thư viện Winthrop ở Mỹ, nhóm kiến trúc sư Johnston đã chọn kết hợp các yếu tố thiết kế tự nhiên vào không gian, chẳng hạn như mô hình điêu khắc “Learning Tree”. Thư viện Hebi Branch tại Trường Thực nghiệm của Nhạc viện Thượng Hải có hệ giá sách đục lỗ nổi với các hốc đọc nhiều hình dáng, cung cấp môi trường hướng nội tạo sự tập trung. Cũng giống như việc đọc và chơi tại Nhà sách Pingtan, việc đưa vào các loại hình vui chơi khác nhau cho phép tạo ra môi trường đọc thú vị hơn cho trẻ, nơi chỗ ngồi nhiều hình dạng, các hòn đảo cộng đồng đầy màu sắc và đồ dùng được sắp xếp để duy trì tính linh hoạt và liên tục trong nội thất.
Sự kết hợp vật liệu đa dạng cũng là một cách tiếp cận hữu hiệu. Dự án L’échappée ở Pháp hòa quyện với môi trường xung quanh bằng cách sử dụng các nhiều vật liệu trong một không gian cởi mở, trong khi hiệu sách kết hợp quán café JUANZONG ở Trung Quốc cũng nhằm mục đích xóa mờ ranh giới giữa nội thất và ngoại thất bằng cách bố trí không gian ngoài trời. Đồ nội thất không còn chỉ tập trung vào công năng mà đã trở thành công cụ để tối ưu hóa không gian, định hình hành vi và tương tác.
Đối thoại với cộng đồng
Ngoài việc phục vụ nhu cầu đọc và lưu trữ kiến thức, một số thư viện còn đóng vai trò là không gian cộng đồng và giao lưu văn hoá như hội thảo, triển lãm, trao đổi, biểu diễn… Bằng cách này, các công trình đã mang lại cảm giác thân thuộc và gần gũi đến người dân.
Trung tâm Cộng đồng Casa Nueva Esperanza hay Colonia Héctor Caballero ở Mexico được xây dựng nhằm mục đích phục hồi cơ sở hạ tầng thành phố đã xuống cấp thông qua sự tham gia của người dân. Thư viện Mariam ở Tanzania tạo ra môi trường thân thiện và hội nhập cho việc học tập, sáng tạo, kết hợp cam kết đối với di sản kiến trúc, đánh giá cao kỹ thuật xây dựng địa phương và tính bền vững. Thư viện Qinfeng ở Trung Quốc tìm cách hòa nhập với môi trường bằng cách tạo ra không gian chung để tương tác giữa đời sống văn hóa của trường học và cộng đồng.
Tập trung vào yếu tố đa nhiệm
Mặc dù có những dự án như thư viện Red Brick ở Hàn Quốc không xác định cụ thể mục đích hoặc người sử dụng để phá vỡ khuôn mẫu về một nơi chỉ để đọc sách, nhưng trong nhiều trường hợp, việc xác định đối tượng sử dụng không gian sẽ giúp tạo ra trải nghiệm cá nhân hóa. Lấy trẻ em làm trọng, thiết kế của thư viện Adams Street ở Brooklyn mang đến địa điểm học tập, đọc sách, kể chuyện, và ngắm cảnh, đồng thời tích hợp các bộ sưu tập, công nghệ và chương trình mới dành cho thanh thiếu niên và thanh niên. Một ví dụ khác được hình thành như một không gian đọc đa chức năng cho cả người lớn và trẻ em là The Book Room ở Ấn Độ, nơi thúc đẩy việc đọc và chia sẻ kiến thức thông qua tư duy thiết kế.
Thực hiện: Hoàng Lê | Theo: ArchDaily
Xem thêm
Nhà sách Pingtan – Nơi gìn giữ quá khứ và tương lai
Thư viện Calgary ấn tượng với tiền sảnh ốp gỗ lượn vòng đầy mê hoặc