Trong khu phố Camden ở Bắc London, một kho hàng và xưởng nghệ thuật cũ đã được tái sinh thành một không gian sống rộng 600m2n theo phong cách Wabi-Sabi của Nhật Bản. Ngôi nhà hai tầng này là kết quả của sự hợp tác giữa hai văn phòng McLaren Excell và Studio Iro, kết hợp hài hòa giữa cải tạo kiến trúc và thiết kế nội thất.
Một cặp vợ chồng làm trong lĩnh vực sáng tạo, đam mê nuôi ong sinh thái, làm mộc và dệt, đã tình cờ phát hiện ra ngôi nhà này vào năm 2019 và biết chắc ngay rằng họ đã tìm thấy một nơi chốn đặc biệt. Đây còn là nơi họ gặp gỡ Lucy Currell, giám đốc sáng tạo và người sáng lập của Studio Iro.
Cả chủ nhà và studio đều có hứng thú với Wabi-Sabi, một phong cách thẩm mỹ Nhật Bản đề cao sự không hoàn hảo và tôn trọng thiên nhiên. Tầm nhìn chung này đã đặt nền tảng cho một sự hợp tác độc đáo. Người sáng lập của studio giải thích: “Nguyên tắc thiết kế của chúng tôi là tuân theo triết lý Wabi-Sabi, một khái niệm Nhật Bản tập trung vào việc tìm thấy vẻ đẹp trong sự bất hoàn hảo và duy trì sự linh hoạt với dòng chảy không ngừng thay đổi của cuộc sống.”
Hai nhóm thiết kế kiến trúc và nội thất đã làm việc ăn ý để cải tạo và sửa chữa ngôi nhà trên tinh thần tối giản. Tường gạch trắng và vôi, ván gỗ sẫm màu, và sàn bê tông đánh bóng đã tạo ra nền tảng cho những thay đổi tiếp theo. Cách tiếp cận nội thất bao gồm việc kết hợp đồ dùng hiện có của chủ nhà với những bổ sung mới, đồng thời hợp tác với các nghệ nhân địa phương. Sự kết hợp hài hòa giữa đồ cổ, ghế bọc vải lại và đồ vật tùy chỉnh đã phản ánh những chuyến đi và sở thích mang tính toàn cầu của chủ nhà.
Xuyên suốt ngôi nhà, những chi tiết cá nhân tạo nên một thẩm mỹ giàu có và thanh bình. Phòng khách có một bức rèm theo chủ đề chiêm tinh học được đặt riêng của Nest, thể hiện niềm yêu thích hình dạng thiên thể của gia chủ. Bên cạnh đó, bộ ghế sofa Roche Bobois Mah Jong dạng mô-đun, được bọc bằng bảy loại vải màu chàm khác nhau, phản ánh sự tôn trọng của gia chủ đối với thẩm mỹ mộc mạc và văn hóa Nhật Bản. Các đồ vật nổi bật khác bao gồm một chiếc đèn đứng điêu khắc của Joe Armitage, một chiếc tủ đựng đồ bằng gỗ óc chó thủ công của Galvin Brothers và một tấm thảm dệt tay bằng đay từ Armadillo. Mỗi món đồ đều được lựa chọn cẩn thận để góp phần vào câu chuyện tổng thể.
Tính bền vững đóng một vai trò quan trọng trong dự án, tập trung chủ yếu vào việc tái sử dụng và làm mới đồ nội thất hiện có. Nhóm đã hợp tác chặt chẽ với Sit Collective ở Leytonstone để sử dụng các loại vải tự nhiên từ các thương hiệu nổi tiếng như Pierre Frey và Rose Uniacke. Giám đốc sáng tạo của studio nhấn mạnh: “Tôi cảm thấy hào hứng vì rất nhiều đồ nội thất của khách hàng đã được khôi phục, bọc lại và được trao một cuộc sống hoàn toàn mới. Đó là cách thiết kế bền vững nhất.”
Phòng ngủ dành cho khách có các yếu tố độc đáo và thiết kế đa chức năng. Trong khi đó, không gian linh hoạt tầng dưới kết hợp với một khái niệm “inside tent” (tạm dịch: lều bên trong, ám chỉ sự linh hoạt, dễ dàng thay đổi của một cấu trúc hoặc không gian) đầy sáng tạo, mang đến nét năng động vào khu vực tiện dụng.
Thực hiện: Quốc Huy | Theo: Yellowtrace | Ảnh: Rory Gardiner và Genevieve Lutkin
Xem thêm:
Nhà nghỉ dưỡng cải tạo từ xưởng rượu cũ