Style Book – NTK Tuyền Lê

Là nhà sáng lập của thương hiệu thời trang Phiêu, Tuyền Lê có quan sát tinh tế và đầy xúc cảm về những đồ vật gắn bó quanh đời sống của mình. Cô cũng là người khá cầu toàn trong công việc: “Bản thân mình trước hết phải là một nhà xưởng tốt thì sản phẩm mình làm ra mới tốt và có giá trị”.

TUYỀN LÊ

Instagram: @teoooh

Tuyền Lê 1

NTK Tuyền Lê. Ảnh: NVCC.


Những dự án đang theo đuổi gần đây?

Ngoài dự án dài hơi là thương hiệu thời trang Phiêu, mình đang trong giai đoạn tập trung năng lượng còn lại cho chính bản thân mình. Những dự định, ý tưởng thì rất nhiều nhưng nếu sức khoẻ về thể chất lẫn tinh thần mình cạn kiệt, kỹ năng mình chưa tốt mà chính bản thân mình bỏ qua, không học hỏi, cải thiện thì mình thấy bản thân mình như đi trên băng mỏng. Bản thân mình trước hết phải là một nhà xưởng tốt thì những sản phẩm mình làm ra mới tốt và có giá trị.

Những nghệ sĩ và tác phẩm ảnh hưởng đến đời sống sáng tạo của bản thân?

Osamu Tezuka và đặc biệt là tác phẩm Phoenix của ông. Bản thân mình trước đây, theo từng giai đoạn tuổi, mình có những trải nghiệm phong cách và ngôn ngữ sáng tạo khác nhau nhưng xuyên suốt, nền tảng cốt lõi cho tinh thần sáng tạo của mình nằm ở tính triết lý của sự vật, cuộc sống gần gũi quanh ta. Chiều sâu và vẻ đẹp tinh tuý thể hiện một cách chân thật như sự vật vốn dĩ là.

Những không gian nội thất thú vị nhất ở thành phố bạn đang sống?

Những toà nhà xưa cũ và Khách sạn The Myst Đồng Khởi. Những nét đẹp mang dấu ấn thời gian, mang trong mình câu chuyện của thời đại luôn chạm đến cảm xúc của mình. Cách các kiến trúc sư sử dụng những gì còn lại của xưởng Ba Son và thổi vào đó một sức sống mới để câu chuyện của những thanh gỗ, mảnh thép được tiếp tục thật đẹp.


1. Ghế ăn nhà nội

Mình lớn lên trong tình yêu thương của gia đình. Những bữa cơm quanh chiếc bàn tròn lớn với những chiếc ghế gỗ đủ kiểu, cả nhà ba thế hệ quây quần bên nhau là tuổi thơ vô giá. Khi cả ông bà nội mất, gia đình quyết định bán đi căn nhà tuổi thơ đó, mình đã dành thời gian rất nhiều trong căn nhà vắng lặng và nói với ba mẹ mình là mình sẽ giữ lại những chiếc ghế gỗ này. Có lẽ không ai hiểu nổi một đứa trẻ có lối sống hiện đại, tây học lại kiên quyết giữ những chiếc ghế cũ, chắp vá do ông mình tự tay sửa để làm gì. Mình hiểu hơn ai hết mình đang giữ giá trị gì. Ông nội và ba mình luôn có kiểu ngồi gác chân lên ghế khi ăn, một thói quen “sông nước”; truyền tới đời con cháu mà ông và ba hay nói giỡn là “tướng ngồi mùa nước lụt”.

Tuyền Lê 9

Ảnh: NVCC.

2. Tổ chim,cái tô mẻ, vỏ ốc và chim.
Mỗi chuyến đi, mình luôn mang về những kỷ vật. Cái tô mẻ  này  mình  được  bác nghệ nhân ở Bát Tràng tặng khi mình đến thăm và xem những tác phẩm độc bản của bác. Thời  điểm gần mười năm trước, Bát  Tràng  đã  thực  sự  chuyển  mình sang  sản  xuất  hàng  loạt, bác  là  nghệ  nhân  duy  nhất  còn  kiên  trì  làm  ra  những  mặt  hàng thủ  công, độc  bản. Trong  không  gian  cửa  hàng  trưng  bày  nhỏ  ở  mặt  tiền, mình  nhìn  thấy cái  tô  này  nằm  trong  góc, lúc  đó  nó  còn nguyên vẹn, mình  ngỏ ý muốn mua, bác  kiên  quyết không  bán, chỉ  tặng. Rồi  bác  rít thuốc tẩu, hai  bác  cháu  nhâm nhi ly trà. Về đến Sài  Gòn, đường xa cái tô bị mẻ mất, nhưng vẻ đẹp của nó là  độc bản.
Vỏ  ốc như  một  vật  hữu  hình  cho  mối  liên  kết  giữa  mình  và quê  hương  miền  biển. Tất  cả những vỏ ốc trong nhà là mình thu nhặt ở những bãi biển mình đã từng đến.
Chim chưa  bao  giờ  là  động vật yêu thích nhất của mình nhưng trong vô thức, một  ngày mình chợt nhận ra mình có nhiều món đồ gốm trang trí hình  dáng  loài  chim. Chú  chim  gốm  màu vàng này là món  đầu tiên, mình  mua  trong chuyến  công  tác  một  mình đầu tiên trong đời.

Tuyền Lê 8

Ảnh: NVCC.

3. Gốm là đam mê của mình. Sự nhiệm màu của quá trình hình thành từ khối đất chân phương, trải qua tinh lọc, nhào nặn và tôi luyện trở thành một sản phẩm công năng hay đơn giản chỉ là một thử nghiệm luôn lay động mình. Mình thu thập rất nhiều đồ gốm đến mức mình không dám nghĩ đến chuyện chuyển nơi ở nữa.

Tuyền Lê 7

Ảnh: NVCC.

4. Sách

Mình không có gì để nói thêm về sách vì tự những cuốn sách đã có giá trị riêng của chúng rồi. Mình không thể sống trong một ngôi nhà không có sách.

5. Khung thời sự

Khung  tranh  cũ  này  mình  mua  về khi mình nghỉ việc ở công ty đầu tiên. Nơi  làm  việc  đầu  tiên  này  đã  dạy  mình  nhiều  điều  và  mình  quyết  định  chỉ  treo  khung  trống  mà  không  lồng  bất  cứ  gì  vào  nó, như  một  cái  nền  tảng đầu  tiên, còn  lại  nội  dung  trong  khung  hay  ngoài  khung là chặng đường  phát triển sau này của bản thân. Trải  qua 2 năm  dịch, mình  và người yêu đã quyết định bổ sung tính thời sự  cho nó. Trong  mùa  dịch  đầu  tiên, với  sự  cấm  cản  giữa  các  nước  với  nhau, loại  thuốc  lá  tụi  mình  hay  hút  không  còn  được  nhập  nữa, nó  trở  nên  khan hiếm và  đắt  đỏ, mình  dán  một  điếu  thuốc  lá  lên  tường bằng  băng  keo  trong, ngay  chính  giữa. Đến  mùa  dịch  thứ  2, sự  khủng  hoảng  trong  việc  mua  lương thực đã đẩy  giá trứng từ  một món hàng bình dân thành xa xỉ, có  tiền  chưa  chắc  mua  được. Thế  là ốp la đất sét được đăng tường.

Tuyền Lê 5

Ảnh: NVCC.

6. Chiếc bay xi măng cũ

Nghề  chính  của  mình  là  thiết  kế  nội  thất. Việc  ngày  ngày  cắm  mặt  hít  bụi  ở  công  trình  nó  bình  thường  như  cân  đường, hộp  sữa để  hoàn  thành  dự  án. Trong  cát bụi và mồ hôi nơi công trường, với  nhiều  người  nơi  đó dơ và hôi, mình  công  nhận, nhưng  mình  may  mắn  khi  có thể nhìn thấy cái đẹp trong những sự vật  rất đỗi đời thường. Cái  đẹp  với  mình  nó  không  phải  là  sự  xa  hoa, cao  xa mà  nó  hiện  hữu  quanh  ta, miễn  là mình dành một  chút thời gian để ngắm  nhìn nó là được. 

Tuyền Lê 4

Ảnh: NVCC.

7. Thùng thiếc

chiếc  hộp  thiếc  này  mình  mang  về  từ  Houston. Mình  có  một  người  bố  nuôi  chung với bạn thân mình. Ông  có  cùng  ngày tháng sinh với mình. Lần  gặp nhau bên Mỹ đó là lần đầu tiên sau nhiều năm nhận nhau. Ông  và  vợ  đã  lớn  tuổi  lắm  rồi, nhưng  ông  bà  vẫn  lặn  lội  bay  nhiều  tiếng  tới  Houston  để gặp mình và đưa mình đi chơi. Chiếc  hộp  thiếc  này  ông  muốn  tặng  mình  khi  mình  mê  đắm  nó  mà  vẫn  đắn  đo  trong  cửa  hàng  quà  lưu  niệm  sau  khi  tham  quan  hãng  kem. Hai  già  một  trẻ  cùng  nhau  ố  á  xem  người  ta  làm  kem  và  thưởng  thức  kem như  những  đứa  trẻ. Mình  đã  định  không mua, vì  lịch  trình du lịch của mình còn dài và mang  thêm một cái thùng to  đùng cũng  bất tiện, nhưng  lúc  ông  ngỏ  lời, chiếc  thùng  đã  đong  đầy  tình  cảm của  ông  bà  rồi, mình  nhất  định  phải  có  nó và mình nói với ông bà rằng: “Để  con trả tiền cái thùng này và hãy tặng thêm kem cho con nha.”

Tuyền Lê 3

Ảnh: NVCC.

8. Cây Ngọc Lan

Em  Lan là linh hồn của nhà  Phiêu. Vì  mến  yêu và cảm động  trước nét đẹp ngoại  hình, nội  tâm và tài năng của nữ danh ca Ngọc Lan, mình  quyết  định  khi  chọn  một loài cây để làm linh hồn cho nhà Phiêu, đó  phải  là  cây  Ngọc  Lan. Cái  tên  nó  vận  vào  người, sự  tương  đồng  về  vẻ  đẹp, thân  phận, cốt  cách  giữa  cô  và  cây  và  cái  tên Ngọc Lan. Trải  qua  thời  gian  giãn  cách  nhiều  tháng, em  Lan  khô  héo  nhưng  vẫn  mang  nét  đẹp  riêng. Tụi  mình  vẫn  đang  cố  gắng  hết  sức  để  hồi  sinh  em  dù  là  hy  vọng  mong  manh. Dẫu  cho  không thể hồi  sinh, mình  vẫn  để  em  Lan  ở  đó, để  kể  tiếp  câu  chuyện  “the  art  of  dying” của  em, và  mình  sẽ  chấp  nhận  nó  như  một  sự  vô  thường  và  tiếp  nối bằng sự sống  mới là  những  cây  quýt  đã  nảy  mầm  và  sinh  trưởng mạnh  mẽ  qua  giai  đoạn  giãn  cách  dưới  gốc  em  Lan. Những  hạt quýt này tụi mình không trồng, chúng  là  những  hạt  quýt  từ  những  buổi  họp  mặt  bạn  bè  ở  nhà  Phiêu, bạn  nhà  Phiêu  đã  vô tình gieo dưới gốc em Lan, nhưng  em  Lan  đã  hữu  ý  nuôi  dưỡng  các hạt quýt lớn lên.

Tuyền Lê 2

Ảnh: NVCC.


Ảnh: NVCC.


Xem thêm:

Style Book – Nhà thơ Nhược Lạc

Style Book – Nhà thiết kế Kiều Đức Thắng