Bumpers Oast – Nhà ở mang sắc thái bản địa đương đại
Được thiết kế cho một gia đình đã sinh sống 10 năm tại vùng Kent, Anh Quốc vì yêu thích sự gần gũi và bình dị của địa phương, công trình nhà ở Bumpers Oast tuy hiện đại nhưng lại rất gần với tinh thần bản đại. Bumpers Oast có cao độ lý tưởng, cung cấp tầm nhìn ra khu vực xung quanh, phần mái nhà hình nón cao vút được trích xuất từ kiến trúc Kent, nơi người dân vẫn thường sấy các nguyên liệu sản xuất bia.
Phần lớn không gian nội thất dạng tròn bên trong đều được ốp gỗ và sử dụng gỗ làm vật liệu chính bo cong theo hình khối kiến trúc. Sản phẩm nội thất cũng được lựa chọn cẩn thận để khớp với mặt bằng dạng tròn, nhờ vậy các NTK đã tận dụng tối đa được diện tích không gian. Bumpers Oast có sự chuyển tiếp xen kẽ từ không gian mở sang khu vực riêng tư cá nhân, tất cả được sắp xếp khéo léo giữa các tầng sao cho hợp lý với phòng trẻ em và không gian chung ở tầng thấp, phòng ngủ riêng được đặt ở vị trí cao hơn phía trên cầu thang.
Parchment Works – Bên trong phế tích
Parchment Works là dự án xây dựng mở rộng công trình nhà ở trên phế tích vốn là xưởng sản xuất giấy da từ thế kỷ XVII kiêm trang trại gia súc tại Northamptonshire. Công trình được thiết kế cho đôi vợ chồng đã nghỉ hưu, yêu cầu đặt ra cho KTS là tạo nên không gian mở độc đáo với diện tích vừa phải.
Phần kiến trúc hiện trạng của nhà máy sản xuất cũ đã gần như bị hủy hoại, chỉ còn lại đống đổ nát nhưng để bảo tồn giá trị lịch sử của chúng, KTS đã đề xuất phương án xây dựng mới lồng ghép vào giữa những bức tường gạch dở dang ấy.
VO Residence – Nhà ở tối giản nguyên khối
Ngôi biệt thự nguyên khối VO Residence bằng gạch với phần mái lợp tranh nằm dọc theo sân golf hoàng gia thuộc Knokke, Bỉ. Công trình mang tính chất mạnh mẽ với lối diễn giải kết hợp giữa hình thức truyền thống Knokke và quan điểm kiến trúc hiện đại. Phần mái tranh dốc được sử dụng như giải phảp cung cấp sự riêng tư cho nội thất bên trong, đồng thời hòa hợp với kiến trúc gạch thành một tổng thể tự nhiên.
Địa thế của VO Residence mang đến tầm nhìn lý tưởng ra khuôn viên sân golf, các không gian chức năng bố trí len lỏi bên trong khối gạch khổng lồ đều nổi bật tinh thần tối giản nhằm tạo điểm nhấn thị giác ra cảnh quan bên ngoài. Hầu hết mỗi không gian đều sở hữu khoảng mở rộng rãi để lấy sáng và tạo vùng nhìn, tận dụng tối đa vị trí công trình. Tuy lược giản các chi tiết trang trí nhưng NTK đã khéo léo sử dụng chính bề mặt vật liệu và hình khối cơ bản để tạo dựng hệ thống thẩm mỹ kết cấu đặc trưng.
Camp O – Trốn chạy New York
Maria Milans del Bosch, một KTS ở New York đã tạo nên cho riêng mình một ngôi nhà kiêm xưởng làm việc tại Catskills với nhiều ứng dụng thủ pháp xây dựng nhằm can thiệp, tạo độ thích ứng cho công trình trước vấn đề tự nhiên. vị KTS đã thiết kế ngôi nhà hai tầng, đặt tên là Camp O, cách thành phố New York hai giờ lái xe về phía nam, một cuộc trốn chạy khỏi xô bồ thành thị.
Camp O là một ngôi nhà mái nghiêng có quy mô mặt bằng dài, hẹp (17.6m x 7m), nép mình vào sườn đồi, nhờ vậy mà giảm thiểu đi việc xâm lấn diện tích rừng xung quanh. Tầng dưới là nơi sinh hoạt thường nhật, tầng trên lại là khu vực ưu tiên cho công việc. Chỉ với một tấm bê tông trần và một bức tường chữ U, tầng dưới đã hoàn thành khung bao, trong khi tầng trên lại phủ gần như toàn bộ bằng gỗ tuyết tùng (loại gỗ phổ biến tại Nhật Bản, còn được gọi là shou sugi ban).
Nhà ở vùng Glebe – Giải pháp lấy sáng tinh tế
Nằm gọn ghẽ giữa các công trình xây dựng tầm thấp và cây cối bao quanh, công trình nhà ở vùng Glebe tuy có bối cảnh yên bình nhưng lại gặp phải hạn chế về nguồn sáng tự nhiên. Trước bối cảnh ấy, NTK đã chọn giải pháp đục rỗng không gian bằng đường cong và bố trí khéo léo các khu vực sinh hoạt.
Làm thế nào để cải tạo một công trình hư hại nặng ở ngoại ô Sydney thành không gian kết hợp giữa hơi hướng kiến trúc 1980 miền Bắc nước Úc và hình thức Victoria ở miền Nam? Hai NTK Tony Chenchow và Stephanie Little (Chenchow Little Architects) đã cùng nhau tìm ra lời giải cho bài toán đầy thách thức ấy qua dự án nhà ở vùng Glebe.
Xem thêm: