Camp O – Trốn chạy New York

Lánh mình khỏi New York xô bồ, Camp O là không gian sống kết hợp làm việc được chăm chút kỹ lưỡng nhằm đáp ứng tốt thói quen sinh hoạt, chiều chuộng mắt nhìn và cân bằng tinh tế các giải pháp thông gió, lấy sáng.

Maria Milans del Bosch, một KTS ở New York đã tạo nên cho riêng mình một ngôi nhà kiêm xưởng làm việc tại Catskills với nhiều ứng dụng thủ pháp xây dựng nhằm can thiệp, tạo độ thích ứng cho công trình trước vấn đề tự nhiên. vị KTS đã thiết kế ngôi nhà hai tầng, đặt tên là Camp O, cách thành phố New York hai giờ lái xe về phía nam, một cuộc trốn chạy khỏi thị thành náo nhiệt.

Camp O 1

Camp O là một ngôi nhà mái nghiêng có quy mô mặt bằng dài, hẹp (17.6m x 7m), nép mình vào sườn đồi, nhờ vậy mà giảm thiểu đi việc xâm lấn diện tích rừng xung quanh. Tầng dưới là nơi sinh hoạt thường nhật, tầng trên lại là khu vực ưu tiên cho công việc. Chỉ với một tấm bê tông trần và một bức tường chữ U, tầng dưới đã hoàn thành khung bao, trong khi tầng trên lại phủ gần như toàn bộ bằng gỗ tuyết tùng (loại gỗ phổ biến tại Nhật Bản, còn được gọi là shou sugi ban).

Camp O 2

Cao động phòng khách được đẩy cao gấp đôi so với tiêu chuẩn thông thường.

Camp O 3

Nhiều khoảng mở giúp lấy sáng tối ưu cho công trình.

Phòng khách và nhà bếp được thiết kế đặc biệt với chiều cao gấp đôi yêu cầu thông thường, nhờ vậy mà cung cấp tầm nhìn lý tưởng ra ngọn núi ở mạn tây, và cả ngọn rừng mạn đông. Hệ thống đà gỗ kết cấu và mái xéo, tường bê tông hầu như không có sự can thiệp quá nhiều về hình thức, chúng được để lộ kết cấu theo chủ đích thẩm mỹ của KTS. Hệ thống vật liệu mộc mạc, đơn giản này cũng phản ánh một phần hệ thống chuồng trại lân cận, tạo sự thống nhất cho cụm công trình.

“Camp O là một xưởng vẽ tại nhà ở Catskills, New York, nơi không gian sống và làm việc cùng tồn tại trong một công trình diễn giải lại kiến trúc địa phương” – KTS cho biết.

Ở khu vực sinh hoạt chính, dãy kệ lưu trữ được bố trí trên cao kèm thang leo, nhờ vậy mà công trình vẫn đảm bảo sự gọn gàng cũng như khả năng cất giữ vật dụng mà không ảnh hưởng đến tầm nhìn. Dồn toàn bộ không gian sử dụng gián tiếp lên phía trên là lý do vì sao KTS lại bố trí cao độ có phần đột biến trong Camp O.

Không gian làm việc ở tầng trên cho phép gia chủ có thể nhìn xuống tầng dưới và nhìn ra xung quanh dễ dàng. Hệ thống thông gió và tiếp nhận nguồn sáng tự nhiên được ứng dụng thông qua kỹ thuật xây dựng, nâng cao tính hiệu quả trong việc tiết kiệm và tối ưu nguồn tiêu thụ năng lượng của ngôi nhà.

Camp O 5

Hệ thống lưu trữ được dồn lên trên, chừa trống khu vực phía dưới cho tầm nhìn bao quát.

Camp O 6

Khu vực tầng trên là nơi làm việc của KTS.

“Để giải quyết sự thay đổi nhiệt độ và hướng gió bắc-nam mạnh mẽ, đồng thời đảm bảo sự thoải mái bên trong, giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng, chúng tôi đã bố trí nhiều lỗ hổng ở mặt tiền phía đông và phía tây nhằm tạo ra hệ thống thông gió chéo, tiếp xúc tối ưu với mặt trời và bảo vệ ngôi nhà khỏi gió hại.”

Bài: Đức Nguyên | Theo: Dezeen | Ảnh: Montse Zamorano.


Xem thêm:

Thuyền mây của khách thơ

Dự án Cal Meya – Cuộc sống đơn giản nơi làng quê Tây Ban Nha