Nhà ở vùng Glebe – Giải pháp lấy sáng tinh tế

Nằm gọn ghẽ giữa các công trình xây dựng tầm thấp và cây cối bao quanh, công trình nhà ở vùng Glebe tuy có bối cảnh yên bình nhưng lại gặp phải hạn chế về nguồn sáng tự nhiên. Trước bối cảnh ấy, NTK đã chọn giải pháp đục rỗng không gian bằng đường cong và bố trí khéo léo các khu vực sinh hoạt.

Làm thế nào để cải tạo một công trình nhà ở hư hại nặng ở ngoại ô Sydney thành không gian kết hợp giữa hơi hướng kiến trúc 1980 miền Bắc nước Úc và hình thức Victoria ở miền Nam? Hai NTK Tony Chenchow và Stephanie Little (Chenchow Little Architects) đã cùng nhau tìm ra lời giải cho bài toán đầy thách thức ấy qua dự án nhà ở vùng Glebe.

nhà ở 3

nhà ở 2

Hiện trạng công trình nằm giữa khu dân cư nên nguồn sáng nhận vào khá hạn chế, bộ đôi thiết kế quyết định tìm ra giải pháp để tạo nên không gian thanh bình, tràn ngập ánh sáng bằng nguồn cảm hứng điêu khắc cho gia đình có 5 thành viên. Ngôi nhà nhỏ hai tầng được cắt xẻ bằng những đường cong, các khu vực nằm ở trung tâm mặt bằng hầu như được để trống, vật dụng nội thất được ưu cho bố trí ở khoảng sát cửa. Nhờ phương pháp này mà hầu hết khu vực công năng đều đáp ứng đủ nhu cầu về ánh sáng tự nhiên, đồng thời khoảng trống chừa lại ở trung tâm khiến ngôi nhà có cảm giác rộng rãi, thoáng đãng hơn. Việc cắt xẻ mặt tiền có tính toán thẩm mỹ không chỉ giúp bề mặt kiến trúc bắt mắt hơn mà còn cung cấp tầm nhìn lý tưởng ra cảnh quan bên ngoài.

nhà ở 1

Các khu vực chính yếu được đẩy về vị trí sát cửa sổ.

nhà ở 4

Những đường cắt xẻ, uốn cong tạo nên góc nhìn duyên dáng.

“Các cửa sổ được xây dựng và thiết kế như những khe hở hình vòm giúp ánh sáng tràn lấp hoàn toàn không gian bên trong. Hệ cầu thang mở cho phép kết nối cao độ của hai tầng lại với nhau, nhờ đó giữ nguyên vẹn chiều cao công trình.”

nhà ở 6

Hệ thang xoắn ốc kết nối hai tầng.

Bên cạnh giải pháp lấy sáng, điểm thú vị khác trong công trình nhà ở này là cách ứng dụng đường cong một cách hợp lý, khéo léo, biến chúng thành hệ thống thẩm mỹ xuyên suốt. Từ vòm cửa sổ, hệ thang xoắn ốc cho đến đường nét vật dụng đều uốn cong mềm mại giữa tổng thể khối đặc mạnh mẽ, tạo nên sự duyên dáng đúng lúc ở mọi góc nhìn. Sự đối lập của bối cảnh mộc mạc bên ngoài với nét hiện đại, mượt mà của công trình xây dựng tạo nên hai trạng thái đối lập tích cực. Chúng tuy tách biệt nhau về hình khối nhưng lại đồng cảm trên bề mặt hoàn thiện, nhờ đó mà tạo nên nét hài hòa thanh bình.

Bài: Đức Nguyên | Theo: The Design Files | Ảnh: Peter Bennetts.


Xem thêm:

Ti Clara House – Giản đơn quý báu

Pieces Homes – Khai sinh “cửa hàng lưu trú”