Luxury of Slow – KTS Vương Đạo Hoàng

“Những công trình có yếu tố bền vững và đáp ứng đủ yếu tố bối cảnh sẽ đều có một vẻ đẹp mà thời gian đem lại.” – KTS Vương Đạo Hoàng.

Vương Đạo Hoàng 1

KTS Vương Đạo Hoàng | Minh họa: KTS Trương Gia Việt & NVCC.

Tác phẩm / công trình nào theo anh mà giá trị của thời gian là chất xúc tác tuyệt vời nhất?

Rất khó nói tác phẩm nào là “nhất” trước tác động thời gian bởi vì công trình kiến trúc không chỉ chịu tác động thời gian mà còn là tác động của bối cảnh (context) – và đây là chủ thuyết của kiến trúc theo trào lưu Hiện đại & Hậu hiện đại. Tuy nhiên nhắc tới thời gian là nhắc tới tính bền vững và khả năng kết nối với bối cảnh, chính vì thế những công trình có yếu tố bền vững và đáp ứng đủ yếu tố bối cảnh sẽ đều có một vẻ đẹp mà thời gian đem lại… Đặc biệt nếu công trình gắn với thiên nhiên thì yếu tố thời gian sẽ thể hiện rõ theo thời điểm trong ngày, trong mùa, ánh sáng và nhiệt độ Cá nhân mà nói, quốc tế thì tôi thích tác phẩm Salk Institute for Biological Sciences của KTS Louis Kahn. Công trình là một trong những biểu tượng sự nghiệp của KTS này và thể hiện được sự kết nối với thiên nhiên xung quanh: bầu không khí, ánh sáng, thời điểm… tạo nên cảm giác tĩnh lặng yên bình theo hướng minimalism (tối giản).

Trong nghề nghiệp của anh, công đoạn nào và kỹ thuật nào cần nhiều thời gian nhất – một quy trình không thể lướt qua dù cho có bao nhiêu năm kinh nghiệm?

Theo tôi đó là trải nghiệm trực tiếp tại địa điểm xây dựng để hình dung về một tương lai mới cho công trình sẽ được đặt vào đó. Cảm xúc đó sẽ là một điểm cực kỳ quan trọng cho những phân tích logic sau này.

Giai đoạn nào trong hành trình nghề nghiệp mà anh thấy mình cần chậm lại, và vì sao?

Nếu nói về khái niệm chậm trong nghề nghiệp có vài thời điểm sau luôn cần chậm lại:

– Thời điểm quyết định theo đuổi hay chấm dứt một định hướng nghề nghiệp.

– Thời điểm quyết định hay chấm dứt thực hiện một dự án mới.

– Thời điểm quyết định đặt vấn đề hay viết một văn bản, một cuốn sách hay cao hơn như các cụ nói là lập ngôn… vì lúc này không chỉ còn là vấn đề của riêng cá nhân nữa mà sẽ dành cho rất nhiều người đọc, nghe…

Ngược lại lúc cần nhanh lên là lúc bạn biết mình đã già và lúc đó bạn biết là “chậm là để nhanh” và ngược lại…

Trải nghiệm chậm rãi tâm đắc mỗi ngày?

Tôi có hai thời điểm để chậm trong ngày: sáng thức dậy và chiều về nhà. Đó là lúc dành cho người trong gia đình tôi.


Minh họa: KTS Trương Gia Việt & NVCC.


Xem thêm:

Ngôi nhà trên dòng chảy thời gian

Tríptico Building – Những trục không gian sống