Trần Tú Quỳnh và những chiếc ấm đất

Từng chiếc ấm đất, khi nuột nà chỉn chu, khi khoáng đạt bay bổng với kiểu dáng khác lạ. thật khó để hình dung đấy là những tác phẩm của một “ông cụ non” chỉ mới 30 tuổi đời và 10 năm tuổi nghề.

Việt Nam có rất nhiều làng nghề gốm, nhiều đơn vị sản xuất ấm chén trà, nhưng để có một sản phẩm thoát khỏi dây chuyền sản xuất công nghiệp, xứng đáng đứng một mình như tác phẩm nghệ thuật, kể là khá hiếm. Trần Tú Quỳnh, một người trẻ hiếm hoi dám đương đầu với môn chế tác ấm lại chọn lối đi riêng.

Các thao tác chế tạo một chiếc ấm đất theo ngôn ngữ sáng tác của Trần Tú Quỳnh.

Xuất thân từ làng nghề gốm Bát Tràng, cũng trong gia đình truyền thống theo nghề gốm, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Công nghiệp, Trần Tú Quỳnh hội tụ đủ điều kiện theo nghề gốm gia đình. Đề cập chuyện ấm chén, Quỳnh chia sẻ: “Gia đình mình chế tác gốm nhưng không làm ấm. Hơn mười năm trước, mình tình cờ xem đoạn phim ngắn nói về nghệ thuật làm ấm tử sa. Bạn bè cũng nhiều người sử dụng ấm tử sa, mình thấy ở đó sự tinh xảo, mỹ thuật cao, tính ứng dụng hoàn hảo, khiến mình tò mò, quyết định thử nghề và nghiên cứu chuyên sâu về làm ấm”.

Dân sành trà đều biết, để tìm một chiếc ấm đất mang thương hiệu Việt ưng ý, có thể sánh về chất lượng, tạo dáng cùng công dụng thực tế, đủ so kè với những “đại gia” ngành ấm các nước trong khu vực thực là chuyện xa vời. Bắt tay vào tạo tác những chiếc ấm đầu tiên, Quỳnh hẳn hiểu rõ thách thức ấy. Lối đi của Quỳnh cũng tách biệt với ranh giới làng nghề truyền thống, không đi theo cách sản xuất hàng loạt, đánh theo số lượng, thị trường mà chọn một ngách rất hẹp. Mỗi chiếc ấm khi ra lò xứng đáng là một nghệ phẩm hơn là sản phẩm tiêu dùng.

Tú Quỳnh 7

“Nhỏ đi một ly, khó hơn một bậc” là những thách thức với Quỳnh trong chế tác ấm.

Ấm đất Trần Tú Quỳnh thực hiện có nhiệt độ nung cao,
tạo hỏa biến trên chính cốt thai thành lớp men kỳ ảo,
đẹp khác lạ so với những sản phẩm đất nung khác.

Tú Quỳnh 6

Ấm đất quai xách với tạo dáng vững chắc cùng màu men đặc biệt từ nguyên liệu đất Bát Tràng.

Tú Quỳnh 5

Ấm quai siêu phong cách kiểu Nhật với các chi tiết bố cục chặt chẽ, liền mạch.

Tú Quỳnh 4

Ấm tích, còn được gọi là dáng Dương Đồng trong BST ấm do Trần Tú Quỳnh thực hiện.

Kể lại chuyện gian nan bước đầu với nghề, Quỳnh bảo: “Mình làm vì đam mê thôi, nhìn ấm đất tử sa của Trung Quốc, nhiều sản phẩm của họ chỉn chu, toàn vẹn quá, mình là người mới vào nghề chọn đó là đích để vươn tới. Các kỹ thuật tạo ấm mình tự mày mò, học trên mạng, học theo góp ý của người uống trà, sử dụng ấm để nâng cao lên dần”.

Nói về khâu nguyên liệu, Quỳnh cho biết toàn bộ đều là nguồn đất sét và cao lanh bản địa, được nung theo kỹ thuật đốt lò riêng, nhiệt độ cao. Ngoài kiểu dáng ấm nhỏ, hoa văn ứng dụng từ các đề tài trang trí trên gốm Việt cổ từ thời Lý, Trần, hoặc những tranh vẽ gắn liền với đời sống văn hóa dân gian Việt Nam như Đông Hồ. Gam màu tạo nên từ cách phối trộn tỷ lệ khác biệt giữa cao lanh và đất sét, với màu trắng đục, ghi xám của cao lanh, nâu đen của đất sét. Nhờ những chi tiết ấy, Quỳnh đã tạo nên ngôn ngữ riêng trong lĩnh vực chế tác ấm đất, dễ thấy ngay ở đó nét Việt gần gũi, mộc mạc nhưng cũng không kém phần tài hoa, tinh tế.

Tú Quỳnh 3

Dáng ấm kết hợp cùng lớp vân mây trang trí trên nắp ấm, lấy nguyên mẫu từ hoa văn trên gốm cổ thời Lý – Trần.

Điều thú vị khi xem các tác phẩm ấm đất của Trần Tú Quỳnh là kích thước rất nhỏ, chỉ xếp vào hàng độc ẩm hoặc đối ẩm. Quỳnh giải thích rằng: “Mình vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và hoàn thiện, ấm tạo ra chủ yếu là để cho mình sử dụng, nên có kích cỡ nhỏ. Và khi làm ấm, càng nhỏ càng thể hiện độ tinh xảo, khéo léo và độ chính xác cao. Giá trị về mỹ thuật tạo hình và thị trường của ấm cũng sẽ ở một mức độ khác so với các dòng ấm sản xuất công nghiệp”.

Tỷ lệ thành bại của mỗi mẻ ấm khi ra lò
có thể đạt đến mức bình quân là 70%,
nhưng đấy là con số lý tưởng
bởi cũng có lúc toàn bộ mẻ lò đều hỏng.

Tú Quỳnh 2

Trong một xưởng chế tác ấm theo hình thức dây chuyền, công nghiệp ở Bát Tràng.

Nhìn Quỳnh tỉ mẩn vân vê từng cục đất bé tẹo đặt lên bàn xoay, gần như nín thở để tạo hình từng đường nét lên thân, nắp, vòi, quai trước khi lắp ghép thành một chiếc ấm hoàn chỉnh mới thấy ở đó sự cầu kỳ, phức tạp trong nghề chế tác ấm. Hoàn thiện phần thô cho ấm chỉ mới là bước đầu, chiếc ấm hoàn hảo chỉ khi đã qua giai đoạn nung cũng chứa đầy rủi ro nếu dùng nhiệt không đúng cách.

Dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu thử thách, nhìn những chiếc ấm đất của Quỳnh với kỹ thuật chế tác thay đổi, tiến bộ thêm từng ngày, dân uống trà Việt có cái lý để hy vọng, chờ đợi một ngày không xa trên bàn trà của mình một tác phẩm ấm đất hảo hạng mang thương hiệu Việt Nam.

Tú Quỳnh 1

Bài: Nguyễn Đình.


Xem thêm:

Hành trình thăng trầm trước khi toả sáng của các nữ KTS

Naoto Fukasawa – Sáng tạo không ngừng nghỉ