studioutte: Cảm hứng sáng tạo đến từ tinh thần của không gian

studioutte lấy tên từ sự kết hợp giữa “studio” + “utte”, mang nghĩa “túp lều” hoặc một nơi trú ẩn. Cách chơi chữ này cũng là tôn chỉ trong sáng tạo của văn phòng thiết kế có dấu ấn riêng mạnh mẽ từ Ý này. Họ đã có mặt tại Việt Nam qua dự án hợp tác phát triển sản phẩm mới cho thương hiệu nội thất District Eight.

Studioutte là nơi vùng ẩn trú NTK Patrizio Gola cùng với người đồng sáng lập Guglielmo Giagnotti. Thực hành của họ bao gồm các dự án nội thất cho khách hàng tư nhân và thương mại và thiết kế BST đồ nội thất được làm thủ công bởi các thợ thủ công địa phương ở Milan. Studio được thành lập vào năm 2020 sau khi mỗi thành viên đã có nhiều trải nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực kiến trúc và thiết kế nội thất. Patrizio từng làm việc với các studio thiết kế ở Milan, bao gồm Dimore Studio, nơi anh lên ý tưởng cho các dự án không gian khách sạn. Gug- lielmo đã làm việc hơn ba năm với KTS Vincent van Dysen ở Antwerp. Khi Guglielmo chuyển đến Milan, bộ đôi gặp gỡ lần đầu và làm việc cùng nhau được vài tháng; trong khi một dự án tiếp theo dẫn đến quyết định kết hợp chuyên môn và ý tưởng thông qua studioutte.

Kể từ khi thành lập studio, Patrizio và Guglielmo đã hợp tác với giám tuyển Alexander May từ Mỹ qua nhiều dự án. Năm 2022, họ cũng đã trưng bày một số đồ nội thất như một phần của triển lãm nhóm Industrialism tại phòng trưng bày Donna Karen trước đây ở New York. Ở lần triển lãm đầu tiên tại Tuần lễ thiết kế Milan năm 2024, họ đã phủ không gian bằng 250m giấy thủ công. Patrizio mô tả chủ đích là “tái định hình khối kiến trúc hiện hữu và tôn vinh kiến trúc phù du”.

Guglielmo Giagnotti Patrizio Gola studioutte district eight

Bộ đôi NTK Guglielmo Giagnotti và Patrizio Gola. Ảnh: Đinh Tường Anh

district eight do noi that

Ảnh: District Eight

PV Studioutte cong tac district eight do noi that

Ảnh: District Eight

Khi tiếp cận mảng thiết kế sản phẩm nội thất, cả hai đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng vật liệu tự nhiên – những vật liệu có tuổi thọ theo thời gian và trở thành một phần của đời sống người sử dụng. “Hợp thời có nghĩa là đồ vật đó sẽ luôn gắn liền với cuộc sống của bạn”. Bắt đầu với thiết kế của chiếc ghế ert, họ đã hình thành nên phương pháp và triết lý về “sự tinh khiết và đơn giản”. Chiếc ghế được làm từ bảy tấm ván gỗ với phần tựa lưng hình bán nguyệt được chạm khắc. “Chỉ cần bảy tấm ván đơn giản để tạo nên một chiếc ghế với dáng vẻ điêu khắc”, Patrizio giải thích.

Guglielmo Giagnotti và Patrizio Gola studioutte district eight

Trò chuyện trực tiếp cùng ELLE Decoration Việt Nam trong không gian văn phòng District Eight. Ảnh: Đinh Tường Anh

Khi hỏi về tinh thần nền tảng cho studioutte, Guglielmo giải thích rằng công việc của họ bắt nguồn từ rất nhiều truyền thống thiết kế của Ý. “Công chúng có thể sẽ liên tưởng phong cách của studioutte với làn sóng chủ nghĩa tối giản mới, nhưng đối với chúng tôi, không có làn sóng nào cản trở việc sáng tác và thiết kế. Những gì chúng tôi đang sáng tạo chính áp dụng tinh thần tối giản cơ bản của thiết kế Ý từ những năm 90”. Do đó, studioutte không phải là một studio tìm cách chạy theo xu hướng, mà đúng hơn, họ phản hồi và khai thác vẻ đẹp của thiết kế ở chính nơi nó đã tồn tại. studioutte áp dụng cách tiếp cận toàn diện và không có sự tách biệt giữa đồ nội thất và thiết kế. Sản phẩm nội thất họ tạo ra mang tính kiến trúc rất cao, hay nói cách khác, họ xem đồ nội thất là những vật thể kiến trúc nhỏ hơn, là một phần của một cảnh quan lớn hơn.

Từ khóa “genius loci”, nghĩa là tinh thần của nơi chốn, chính là tôn chỉ trong sáng tạo của họ. Trước mỗi dự án thiết kế, họ luôn nghĩ về câu chuyện của nơi chốn đầu tiên, sau đó lần lượt đưa vào một số quy tắc cần tuân thủ về mặt không gian, cách bố trí và chức năng. Họ vẫn giữ những quy tắc về cách đọc không gian và cách tạo ra phản ứng, tương tác trong không gian đó. studioutte không chuộng việc rập khuôn đưa một vật liệu hoặc logic xa lạ vào một không gian, mà chính không gian sẽ cho chúng ta biết cách ứng xử ra sao trong đó.

PV Studioutte cong tac district eight do noi that

Sản phẩm được chế tác từ gỗ padouk đỏ với các chi tiết khảm bằng thép đen và bao gồm các khay và ngăn kéo được giấu liền mạch. Ảnh: District Eight

cong tac district eight do noi that

Ảnh: District Eight

Studioutte cong tac district eight do noi that milan design week

Ảnh: District Eight

Studioutte cong tac district eight do noi that milan design week

Ảnh: District Eight

Trong lần hợp tác với thương hiệu nội thất District Eight, studioutte đảm nhiệm cả phần tạo ra một ngôn ngữ không gian đặc thù mà từ sau đó sẽ trở thành đặc điểm nhận diện cho District Eight ở mọi triển lãm và một số thiết kế sản phẩm bàn, đèn. Không gian họ tạo ra cho District Eight là một cuộc đối thoại cởi mở về Việt Nam ngày nay, nơi có nguồn gốc phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử và nền văn hóa khác nhau, từ các nước láng giềng đến Đông Dương thời Pháp thuộc. Lấy cảm hứng từ đó, mỗi studio tạo ra một ngôn ngữ thiết kế nội tại dựa trên những khám phá của studioutte.

Tinh thần nhiệt đới u ám, gợi nhớ đến mùa gió mùa và mùa khô của đất nước, được cân bằng bằng các vật liệu tự nhiên như tre và gỗ, hai loại vật liệu vốn là xương sống của kiến trúc nông thôn truyền thống Việt Nam. Một tấm rèm tre che nắng và để lộ mặt tiền bên ngoài và màn hình, trong khi một vách ngăn mô-đun bằng tường gỗ lót giấy gạo bao quanh và chia không gian thành các phòng. Ánh sáng tập trung vào việc làm nổi bật các BST giữa không gian âm tối và yên tĩnh. BST Limen của studioutte có những chiếc bàn thấp sát sàn dựa trên hình dạng cổng thông tin được thu gọn thành dáng hình tinh khiết nhất. Mỗi sản phẩm được chế tác từ gỗ padouk đỏ với các chi tiết khảm bằng thép đen, có các khay và ngăn kéo được giấu liền mạch. Tầm nhìn của studioutte về thiết kế đương đại của Việt Nam được chắt lọc thành sự tĩnh lặng và thanh bình trong những khung hình đơn giản.

Chuyến công tác tại Việt Nam vừa qua đã bồi đắp rất nhiều thông tin và câu chuyện văn hóa cho bộ đôi Patrizia Gola và Guglielmo Giagnotti. Họ đã đến thăm những làng nghề thủ công và tìm hiểu kỹ thuật chế tác cao cấp của District Eight để có thể đào sâu hơn cảm hứng về vùng đất mới mẻ đối với mình, và để phát triển thiết kế bằng ngôn ngữ riêng, dựa trên tinh thần mà họ nắm bắt được về một không gian có câu chuyện văn hóa Việt Nam.

Thực hiện: Dương Nguyễn


Xem thêm

NTK Adam Goodrum: “Mỗi thiết kế phải tự khẳng định được sự tồn tại của chính chúng”

ELLE Decoration Pop-Up Office Mùa 3 tại TDX Ice Factory: Tái sinh di sản công nghiệp

Nghệ sĩ Mai Lâm: Bàn tay chạm cái đẹp