10 người phụ nữ định hình thế giới nghệ thuật ở New York

Phụ nữ làm nghệ thuật không chỉ cần có “điều kiện” mà còn phải thật “cá tính” và đủ đam mê để trở thành những người tiên phong trong thời đại của mình.

Suốt 10 năm, từ 1929 đến 1939, bốn bảo tàng mang tính biểu tượng nhất của thành phố New York lần lượt xuất hiện tại Manhattan gồm: Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (Museum of Modern Art), Bảo tàng Whitney, Bảo tàng The Frick Collection và Bảo tàng Solomon Robert Guggenheim. Ít ai biết rằng, những công trình nổi tiếng thế giới này đều do chính những người phụ nữ đương thời sáng lập nên.

Cũng trong giai đoạn này, những nữ nghệ sĩ tân tiến như Peggy Guggenheim, Grace Nail Johnson và Florine Stettheimer đã góp phần định hình cảnh quan nghệ thuật ở New York thông qua việc thành lập các salon, phòng trưng bày có sức ảnh hưởng và thúc đẩy phong cách nghệ thuật avant-garde (trường phái thiết kế mang tính đột phá, tiên phong, phá vỡ những chuẩn mực của vẻ đẹp ước lệ sẵn có trước đó).

Ngày nay, thành quả của họ vẫn có thể nhìn thấy trong các công trình xây dựng tại những cảnh quan nghệ thuật mang tính bước ngoặt của Manhattan như viện bảo tàng, phòng triển lãm và không gian nghệ thuật thử nghiệm.

Như một lẽ vốn dĩ, xã hội không bao giờ giao nhiệm vụ mở đường cho những người phụ nữ (và không tin rằng họ sẽ thực hiện được). Nhưng 10 người phụ nữ này sẽ chứng minh đó là suy nghĩ sai lầm.

1. Lillie P. Bliss (1864–1931) – Đồng sáng lập Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại MoMA năm 1929

Lillie P. Bliss – con gái của một thương gia buôn vải giàu có ở Boston – chưa bao giờ cảm thấy thoải mái với những “kỳ vọng” mà xã hội áp đặt lên người phụ nữ vào cuối thế kỷ 19. Không khó hiểu khi Bliss gần như đi ngược lại các “chuẩn mực” chung thời bấy giờ: không lập gia đình, mê xe hơi (và sở hữu một chiếc limousine Pierce Arrow sáng bóng), quan tâm đến nghệ thuật và dành thời gian tìm hiểu, phát triển khả năng thường thức của mình. “Bà là người ủng hộ nghệ thuật hiện đại khi có rất ít người quan tâm đến nó và là người bảo trợ khi nó hầu như không có thị trường”, nữ diễn viên Eleanor Robson Belmont – bạn thân của Bliss – viết về bà nhân dịp kỷ niệm bô sưu nổi tiếng của Bliss năm 1931.

nu nghe si dinh hinh nghe thuat 1

Ảnh: Bảo thàng MoMA

Những sở thích có phần nổi loạn và sự ủng hộ của Bliss đối với các nghệ sĩ trẻ cũng góp phần tạo ra sân chơi cho các nhà sưu tập ở Mỹ. Tại triển lãm huyền thoại Armory Show năm 1913, nơi những kiệt tác của hai nghệ sĩ người Pháp – Matisse và Duchamp – gây chấn động giới phê bình Mỹ, Bliss đã mua những tác phẩm nghệ thuật đầu tiên cho bộ sưu tập của mình, trong đó có 3 tác phẩm của Reinor và 8 tác phẩm của Redon.

Có thể nói Bliss là nhà sưu tầm lớn đầu tiên ở New York về nghệ thuật hiện đại. Những tác phẩm vĩ đại của Cézanne, Daumier, Redon, Seurat, Gauguin, Modigliani, Monet… mà bà cất công lưu giữ bằng tất cả tình yêu, sau này, đã trở thành kho tàng quý giá và là nền tảng của một trong những bộ sưu tập công cộng quan trọng nhất ở Hoa Kỳ.

Vào tháng 11/1929, ở tuổi 65, Bliss hẹn gặp 2 người bạn là Abby Aldrich Rockefeller và Mary Quinn Sullivan (những nhà sưu tập mới nổi lúc bấy giờ) để ăn trưa. Họ đã cùng thảo luận về việc mở viện bảo tàng dành riêng cho nghệ thuật đương đại đầu tiên ở New York. Cuối năm đó, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) chính thức ra mắt tại số 730 Fifth Avenue. Bliss đã dành trọn hai năm cuối đời để “trông nom” MoMA và tặng 150 tác phẩm quý giá cho bảo tàng non trẻ này.

nu nghe si dinh hinh nghe thuat 17

Ảnh: Soichi Sunami – Bảo tàng MoMA

Khi Bliss qua đời năm 1931, một căn hộ từng được bà mua chỉ để trưng bày bộ sưu tập của mình đã được phủ đầy các tác phẩm nghệ thuật như The Laundress (c. 1863) của Daumier hay Pines and Rocks (No. 9) (c. 1897) của Cézanne. Những bức tranh của Toulouse-Lautrec, Pissarro và Davies treo quanh phòng khách trong khi tranh khắc gỗ của Gauguin và những bản khắc axit của Picasso trang trí quanh hành lang. Thế giới của Bliss chính là niềm mơ ước của tất cả những người yêu nghệ thuật trên thế giới này.

2. Abby Aldrich Rockefeller (1874–1948) – Đồng sáng lập Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại MoMA năm 1929

Đầu những năm 1900, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan thường xuyên từ chối trưng bày hoặc không chấp nhận sự đóng góp các tác phẩm nghệ thuật đương đại. Khi đó, Abby Aldrich Rockefeller là người hăng hái chống lại cách tiếp cận bảo thủ này. Bắt đầu sưu tầm tác phẩm nghệ thuật từ năm 1925, Abby tin rằng những nghệ sĩ đương đại cấp tiến như Matisse, Diego Rivera hay Georgia O’Keeffe nên được ủng hộ và trao cho một nền tảng thích đáng để phát triển.

Là một cô gái thuộc tầng lớp thượng lưu ở Providence, Rhode Island, năm 1901, Abby kết hôn với John D. Rockefeller Jr. – con trai tỷ phú dầu mỏ John D. Rockefeller. Bà nhanh chóng trở thành một trong những nhà hoạt động xã hội nổi tiếng nhất New York. Mặc dù việc hỗ trợ sự tiến bộ của phụ nữ và nghệ thuật khiến cho Abby đi ngược lại với quy ước xã hội, thường bị chồng và những người trong giới thượng lưu chất vấn, bà vẫn theo đuổi đam mê một cách mãnh liệt cho đến cuối đời.

nu nghe si dinh hinh nghe thuat 2

Ảnh: H.T. Koshiba – Bảo tàng MoMA

Sự quan tâm đến nghệ thuật avant-garde của Abby không ngừng nảy nở trong suốt thời gian sống ở châu Âu thời niên thiếu. Sau khi trở lại New York và sống trong căn biệt thự 10 tầng với chồng, Abby vẫn tiếp tục tiếp cận nghệ thuật và các nghệ sĩ. Bà mời Matisse đến ăn tối, kết bạn với Marguerite Zorach và mời Diego Rivera vẽ một bức bích họa khổng lồ trong Trung tâm Rockefeller (bức bích họa nổi tiếng này đã bị phá hủy vào năm 1934 sau vụ tranh cãi xoay quanh việc xuất hiện hình ảnh chân dung của Lenin).

Thành tựu lớn nhất của Abby, dĩ nhiên, chính là đồng sáng lập bảo tàng MoMA với Bliss và Sullivan. Bà đã thuyết phục chồng mình bảo lãnh cho bảo tàng và tặng một phần bất động sản để sử dụng làm vườn điêu khắc. Chính Abby cũng đóng góp 181 kiệt tác từ bộ sưu tập của mình (trong đó có các tác phẩm của Seurat và Van Gogh) cho bảo tàng, đồng thời tặng những tác phẩm quan trọng cho Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan và The Cloisters.

3. Mary Quinn Sullivan (1877–1939) – Đồng sáng lập Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại MoMA năm 1929

Mary Quinn Sullivan bước vào đời với tư cách là một nghệ sĩ và giáo viên nghệ thuật, không có gì lạ khi xung quanh bà luôn đầy ắp những người phụ nữ tiên phong. Sau khi tốt nghiệp Học viện Pratt, bà đã đi khắp châu Âu để trau dồi kiến thức về các chiến lược giáo dục nghệ thuật. Cũng trong thời gian này, Mary Quinn tiếp xúc với các phong trào nghệ thuật hiện đại thời kỳ đó như trường phái ấn tượng và hậu ấn tượng.

nu nghe si dinh hinh nghe thuat 3

Ảnh: Bảo tàng MoMA

Chuyến đi đã thôi thúc sở thích sưu tập của Mary. Khi trở lại New York, cũng giống như Bliss, bà đã mua lại một số tác phẩm nghệ thuật tại Armory Show 1913. Sau đó, bà cùng với chồng (luật sư và nhà sưu tập sách hiếm Cornelius Sullivan) thu thập những tác phẩm của Cézanne, Van Gogh, Toulouse-Lautrec, Gauguin, Picasso, Derain, Modigliani…

nu nghe si dinh hinh nghe thuat 4

Ảnh: Peter Juley – Bảo tàng MoMA

Khi cùng với Bliss và Aldrich Rockefeller thành lập bảo tàng MoMA năm 1929, Mary Quinn Sullivan chính là người định hướng sứ mệnh giáo dục cho tổ chức này. Sứ mệnh đó vẫn còn nguyện vẹn cho đến ngày hôm nay. Bà giữ vị trí ủy viên quản trị của bảo tàng cho đến năm 1933 và rời đi vào một năm sau đó để mở một phòng trưng bày thương mại nhằm giới thiệu tác phẩm của những nghệ sĩ người Mỹ và châu Âu, ví dụ như Chaim Soutine. Mary Quinn đã thuê Betty Parsons làm việc tại đây – một nữ nghệ sĩ sau này cũng mở một phòng trưng bày huyền thoại của riêng mình tại New York.

4. Florine Stettheimer (1871–1944) – Chủ nhân phòng triển lãm dành cho các nghệ sĩ và nhà văn avant-garde

Studio Bryant Park của nữ họa sĩ Florine Stettheimer vô cùng nổi tiếng với phong cách độc đáo của Kỷ nguyên Jazz (Jazz Age). Trong bức tranh Studio Party (1917-1919) của mình, những nhân vật văn hóa rải rác khắp trong căn phòng màu hồng đều hướng sự chú ý về không gian trưng bày nghệ thuật. Họ là Stettheimer, chị gái Ettie, nhà điêu khắc Gaston Lachaise và vợ cùng nàng thơ Isabel, họa sĩ người Cuba Albert Gleizes, nhà biên kịch Avery Hopwood, nhà phê bình Leo Stein và nhà thơ người Hindu Sankar.

nu nghe si dinh hinh nghe thuat 5

Ảnh: Đại học Columbia

Stettheimer thường tập hợp một nhóm nghệ sĩ trong studio được bà trang trí bằng giấy bóng óng ánh, vô số hoa tươi và một bức tranh khỏa thân tự họa lớn. Khách mời thường xuyên của bà chủ yếu là những người bạn như Georgia O’Keeffe, Alfred Stieglitz, người bảo trợ Harlem Renaissance, nhà làm phim tài liệu Carl Van Vechten và Marcel Duchamp. Giống như các salon đường thời của Gertrude Stein ở Paris, Stettheimer mang đến một môi trường khuyến khích sự trao đổi sáng tạo đầy cởi mở giữa các nghệ sĩ, không phân biệt giới tính, hoàn cảnh hay loại hình nghệ thuật.

nu nghe si dinh hinh nghe thuat 6

Ảnh: Peter A. Juley & Son – Đại học Columbia

Các tác phẩm của Florine Stettheimer mang dấu ấn đặc biệt bởi màu sắc rực rỡ và hình khối mỏng manh, thanh thoát. Vì định kiến của xã hội, bà ít khi trưng bày và từ chối bán tranh mình. Thế giới nghệ thuật của Florine có thể chỉ thu bé lại vừa bằng studio của bà, nhưng đây cũng là một thế giới mở rộng đến không tưởng của những tâm hồn nghệ thuật đi trước thời đại, là “chốn dung thân” của rất nhiều nữ nghệ sĩ vốn luôn bị xã hội chối từ.

5. Gertrude Vanderbilt Whitney (1875–1942) – Sáng lập Bảo tàng Whitney năm 1930

Không giống như nhiều nhà sưu tập cùng thời, Gertrude Vanderbilt Whitney tập trung vào nghệ thuật Mỹ hơn là châu Âu. Khi học điêu khắc ở Paris, Whitney đã thành lập một studio ở Greenwich Village, New York. Ở đó, bà đã tạo nên những món đồ bằng đồng mô tả hình ảnh người lính trong chiến tranh, tượng bán thân của những nhân vật thần thoại cũng như các tác phẩm điêu khắc công cộng khổng lồ. Sau này, Whitney biến không gian trên thành Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Whitney.

nghệ thuật 1

Ảnh: Gertrude the Great

Studio của Whitney trở thành ngôi nhà thứ hai của bà, nơi bà có thể sáng tạo và tiếp đón những người bạn trong giới mà không gây ảnh hưởng đến tính cách truyền thống của chồng – Harry Payne Whitney – một người không xem trọng những thực hành nghệ thuật của bà. Ông từng từ chối treo bức chân dung của Whitney (do Robert Henri vẽ) trong nhà vì không muốn bạn bè nhìn thấy. Tất nhiên, Whitney đã treo bức tranh ấy trong studio của mình.

Không gian này cũng trở thành nơi lui tới thường xuyên của các nghệ sĩ trẻ, những người không ngừng đuổi theo tinh thần tự do, hương vị của những cuộc phiêu lưu và ném mình vào tiệc tùng không dứt. Năm 1914, bà sáp nhập những căn hộ xung quanh vào Whitney Studio, biến nơi này thành phòng trưng bày tác phẩm của các họa sĩ và nhà điêu khắc mới nổi. Trong quá trình này, bà đã sưu tập được hơn 500 tác phẩm nghệ thuật Mỹ, bao gồm cả tác phẩm của John Sloan, Edward Hopper và Joseph Stella.

nu nghe si dinh hinh nghe thuat 8

Ảnh: Samuel H. Gottscho – Bảo tàng Whitney

Năm 1929, Whitney đề nghị tặng gia tài tranh quý giá của mình cùng với khoản tài trợ trị giá hàng triệu đô la cho Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan nhưng bị từ chối. Thế là, bà quyết định biến Whitney Studio thành một tổ chức chưa từng thấy từ trước đến nay: một nơi chỉ tập trung duy nhất vào nghệ thuật Mỹ. Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Whitney bắt đầu hoạt động vào năm 1931 trên phố West Eighth. Ngày nay, cho dù đã phát triển gấp nhiều lần, trọng tâm của bảo tàng vẫn là tập trung vào nền nghệ thuật có sức ảnh hưởng và mang tính cấp tiến nhất của đất nước này.

6. Grace Nail Johnson (1885–1976) – Nhà bảo trợ và cố vấn của các nghệ sĩ thời kỳ Phục hưng Harlem

Grace Nail Johnson được biết đến như “phu nhân vĩ đại của Harlem”. Đây là danh hiệu dành cho sự ủng hộ không mệt mỏi của bà đối với nghệ thuật và các hoạt động xã hội, chủ yếu là quyền công dân và quyền bầu cử của phụ nữ. Ngôi nhà ở Harlem mà bà sống cùng với chồng (nhà thơ, nhà văn và nhà hoạt động xã hội James Weldon Johnson) đã trở thành nơi “trú ẩn” của các nhà văn, họa sĩ và nhạc sĩ phong trào Phục hưng Harlem (phong trào nghệ thuật của các nghệ sĩ gốc Phi trong âm nhạc, văn chương, sân khấu, điện ảnh, điêu khắc, hội họa… bắt nguồn từ khu Harlem – khu phố nghèo của New York, nơi cư trú của rất nhiều người da đen). Ở đó, Nail Johnson sẽ quan sát công việc của họ và đưa ra những lời khuyên hữu ích. Cứ như thế, bà dần trở thành người cố vấn được các nghệ sĩ trẻ tin tưởng và kính trọng.

nu nghe si dinh hinh nghe thuat 9

Ảnh: Wikimedia Commons

Là thành viên người da đen duy nhất của Heterodoxy, một câu lạc bộ thảo luận về nữ quyền trong làng Greenwich, bà cũng bày tỏ cam kết mạnh mẽ về quyền bình đẳng cho phụ nữ và cộng đồng da đen. Trong số nhiều thành tựu hoạt động xã hội của Grace Nail Johnson, nổi bật nhất là việc thành lập NAACP Junior League năm 1929 và thực hiện một chuyến đi đến Nhà Trắng năm 1941 theo lời mời của Eleanor Roosevelt để thảo luận về mối quan hệ chủng tộc.

nu nghe si dinh hinh nghe thuat 10

Ảnh: Đại học Yale

Cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng của Grace Nail Johnson cũng mở rộng sang lĩnh vực nghệ thuật. Sau khi chồng qua đời, bà và nhiếp ảnh gia Carl Van Vechten đã thành lập Bộ sưu tập Tưởng niệm James Weldon Johnson về Văn học và Nghệ thuật của người da đen ở Hoa Kỳ tại Đại học Yale. Đây là hành động thiết yếu để bảo tồn nghệ thuật khi ở thời điểm đó, nhiều bảo tàng và tổ chức nổi tiếng đều bỏ qua các tác phẩm của người da màu. Ngày nay, bộ sưu tập vẫn là một trong những lưu trữ quan trọng nhất về thành tựu nghệ thuật của trường phái Phục hưng Harlem.

7. Helen Clay Frick (1888–1984) – Sáng lập Bảo tàng The Frick Collection năm 1935

Khi Helen Clay Frick 31 tuổi, bà được thừa hưởng khối tài sản lên đến 38 triệu đô la và trở thành người phụ nữ giàu nhất nước Mỹ. Thời niên thiếu, bà đã “phải lòng” bộ sưu tập của cha mình ngay lần đầu thưởng lãm, trong đó có những kiệt tác của Turner, Constable, Gainsborough, Vermeer và các nghệ sĩ bậc thầy ở châu Âu. Sau khi tròn 21 tuổi, bà đã tập hợp trong hai quyển catalogue những mô tả chi tiết về di sản nghệ thuật của gia đình mình.

nu nghe si dinh hinh nghe thuat 11

Ảnh: Bảo tàng The Frick Collection

Frick là một người độc lập và đầy hoài bão. Sau khi cha qua đời, bà đã thực hiện mong muốn của ông là biến bộ sưu tập của gia đình trở thành một bảo tàng công cộng. Năm 1935, The Frick Collection ra mắt tại dinh thự của gia đình ở số 5 Avenue. Không dừng lại ở đó, bà liên tục thu thập các tác phẩm mới để duy trì hoạt động cho bảo tàng, trong đó có các tác phẩm của Piero della Francesca, Duccio, Goya, Monet, Ingres, Rembrandt…

nu nghe si dinh hinh nghe thuat 12

Ảnh: Ira W. Martin – Bảo tàng The Frick Collection

Frick cũng là người tạo ra một kho tàng khác cho thế giới nghệ thuật ở New York: Thư viện Tham khảo Nghệ thuật Frick. Ban đầu, thư viện được đặt ở sân chơi bowling dưới tầng hầm của biệt thự gia đình, sau này, nó được chuyển đến một tòa nhà trên đường 71 và ra mắt công chúng vào năm 1924. Với hơn 228.000 quyển sách, thư viện là một kho dự trữ các tài liệu, thông tin về nghệ thuật châu Âu và Mỹ từ thế kỷ thứ 4 đến giữa thế kỷ 20 mà bất cứ người yêu nghệ thuật nào cũng khao khát được đến một lần trong đời.

8. Hilla Rebay (1890–1967) – Đồng sáng lập Bảo tàng Solomon R. Guggenheim

Là nữ Nam tước sinh ra trong một gia đình quý tộc tại vùng Alsace nước Đức nhưng Hilla Rebay đã từ chối làm theo những điều mà cha cô đã định sẵn cho tương lai của mình. “Con là con gái đoan chính của cha, hãy tìm một người chồng”, ông nói, “cha không cho phép có bất cứ nghệ sĩ nào trong gia đình này”. Thế nhưng, Hilla Rebay đã tự đi con đường của riêng mình. Bà không chọn kết hôn với một người thuộc tầng lớp quý tộc và sống cuộc đời an nhàn. Thay vào đó, bà trở thành một nghệ sĩ, chuyển đến sống ở Mỹ và tìm cảm hứng để thành lập Bảo tàng Solomon R. Guggenheim. Bà cũng là giám đốc đầu tiên quản lý các chương trình tiên phong về nghệ thuật trừu tượng của bảo tàng.

Tình yêu nghệ thuật của Rebay xuất hiện từ thời niên thiếu. Bảo tàng Guggenheim vẫn còn lưu giữ bức chân dung tự họa hết sức tinh tế mà Rebay vẽ vào năm 14 tuổi. Sau khi trau dồi kĩ năng tại các trường nghệ thuật trên khắp châu Âu, nơi bà được tiếp xúc với phong trào Der Blaue Reiter, Rebay bắt đầu thể nghiệm hội họa trừu tượng. Bà quan tâm đến phong cách này kể từ khi kết bạn với những nghệ sĩ tân tiến như Sophie Taeuber-Arp và Jean Arp, những người đã mang bà đến với bản tuyên ngôn về khái niệm trừu tượng của Wassily Kandinsky. Rất nhanh chóng, Rebay trở thành một trong những người ủng hộ trường phái này một cách mạnh mẽ nhất.

nu nghe si dinh hinh nghe thuat 13

Ảnh: © Solomon R. Guggenheim Foundation Archives

Khi chính thức định cư ở New York vào năm 1927, bà mang theo ước mơ lớn nhất đời mình: thành lập một “bảo tàng-thánh đường”, nơi công chúng có thể tiếp xúc với nghệ thuật trừu tượng. Một năm sau, bà gặp gỡ doanh nhân giàu có Solomon R. Guggenheim, người tìm đến studio của bà để thực hiện một bức tranh chân dung. Sự kiện định mệnh này đã dẫn đến một mối quan hệ lâu dài (cả về cá nhân lẫn công việc), mà kết quả là sự ra đời Bảo tàng Guggenheim.

Thông qua sự kết nối của Rebay, Guggenheim và vợ ông – Irene – đã cùng với Rebay gặp gỡ Kandinsky trong một chuyến đi đến châu Âu. Ở đó, Guggenheim đạt được một bước ngoặt lớn: mua lại các kiệt tác trong bộ sưu tập Composition 8 (1923) của Kandinsky. Lần gặp gỡ này cũng làm nảy sinh đam mê sưu tầm của Guggenheim, dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Rebay. Cùng nhau, họ thành lập Bảo tàng Hội họa Trừu tượng tại 24 East đường 54, Manhattan năm 1939. Bà trở thành giám đốc đầu tiên và nhanh chóng lấp đầy không gian của bảo tàng bằng những tác phẩm nghệ thuật đầy thách thức và có ảnh hưởng nhất thời kỳ đó. Các sáng tạo của Calder, Klee và Mondrian ngự trong không gian thoang thoảng hương trầm và du dương giai điệu của Bach, Beethoven. Đó chính là cách Rebay tận hưởng nghệ thuật!

nghệ thuật 2

Ảnh: Bảo tàng Guggenheim

Khi trụ sở trên đường 54 không thể chứa nổi các bộ sưu tập liên tục được đưa về, Rebay và Guggenheim đã ủy thác Frank Lloyd Wright thiết kế trụ sở mới cho tổ chức này. Kết quả là một “ngôi đền” màu trắng ra đời, tựa như cơn lốc xoáy đâm thẳng vào bầu trời, phản ánh các lý tưởng về nghệ thuật trừu tượng mà Rebay luôn trân trọng. Đây là tác phẩm cuối cùng trong số 600 thiết kế của kiến trúc sư theo chủ nghĩa Vị lai Frank Lloyd Wright và là điểm đến yêu thích của không chỉ các nghệ sĩ mà còn của cả các kiến trúc sư đương thời.

9. Peggy Guggenheim (1898–1979) – Sáng lập Phòng trưng bày Art of this Century năm 1942

Peggy Guggenheim nổi tiếng trong giới nghệ thuật vì sở thích có phần lập dị. Là con gái của một gia đình khai thác mỏ giàu có vào thế kỷ 19 và là cháu gái của Solomon R. Guggenheim, bà bắt đầu chu du vòng quanh thế giới và mua các tác phẩm nghệ thuật khi chỉ vừa bước sang tuổi 20. Bà đã gặp gỡ họa sĩ Marcel Duchamp, nhà điêu khắc Constantin Brancusi và tiểu thuyết gia Djuna Barnes vào đầu những năm 1920s tại Paris. Sau đó, Peggy chuyển đến London và phát triển niềm đam mê nghệ thuật với Salvador Dalí, Georges Braque, Piet Mondrian, Francis Picabia và bổ sung các tác phẩm vào bộ sưu tập của mình với tốc độ chóng mặt. Trong cuốn hồi ký Out of This Century (1979), bà viết: “Phương châm của tôi là “mua một bức tranh mỗi ngày” và làm theo nó”.

nghệ thuật 3

Ảnh: Wikimedia Commons

Bộ sưu tập đa dạng về nghệ thuật avant-garde đã được bà sớm mang trở lại New York vào đầu những năm 1940s, khi Thế chiến II trở nên căng thẳng hơn, với sự giúp đỡ của người tình – nghệ sĩ Max Ernst. Năm 1942, không thỏa mãn với những bảo tàng mà bà từng đến thăm khi trở lại Hoa Kỳ, Peggy tự mở một bảo tàng kiêm phòng trưng bày của riêng mình, mang tên Art of this Century (Nghệ thuật của Thế kỷ này). Không gian trưng bày những khía cạnh khác nhau về bộ sưu tập của Peggy cũng như bán các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ thể nghiệm trong phong trào Siêu thực, Dada và Lập thể.

Peggy Guggenheim cũng nổi tiếng với cam kết giới thiệu các nghệ sĩ nữ – một điều rất hiếm thấy ở các tổ chức nghệ thuật thời bấy giờ. Bà là một trong những chủ gallery đầu tiên triển lãm tác phẩm của Leonora Carrington, Frida Kahlo và Louise Bourgeois, đồng thời tổ chức hai buổi trình diễn quy mô lớn và 12 buổi trưng bày solo các tác phẩm nghệ thuật của phụ nữ.

nu nghe si dinh hinh nghe thuat 15

Ảnh: Solomon R. Guggenheim Foundation

Khi Perry đóng cửa Art of this Century vào năm 1947, bà sáng lập một hình mẫu về các phòng trưng bày thương mại và tổ chức nghệ thuật quan tâm đến nghệ thuật thể nghiệm trong suốt 5 năm. Sau đó, bà mang bộ sưu tập của mình trở lại châu Âu và mở Peggy Guggenheim Collection – một không gian triển lãm công cộng nép mình trong một tòa lâu đài từ thế kỷ 18 của Venice. Bà đã sống một cuộc đời nổi tiếng với 14 chú chó Lhasa Apso cùng bộ sưu trập tranh và tác phẩm điêu khắc đắt giá của mình.

10. Betty Parsons (1900–1982) – Sáng lập Betty Parsons Gallery năm 1946

Parson bén duyên với nghệ thuật năm 13 tuổi, khi cô gái trẻ được tham dự Armory Show 1913. Sau đó, Parson thề rằng sẽ cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật, trước hết là trở thành một nghệ sĩ, sau đó là một chủ phòng trưng bày huyền thoại.

Parson khai trương phòng trưng bày mang tên mình vào năm 1946 tại Phố 57 Manhattan. Gu nghệ thuật của Parson không ngừng phát triển và bà nhanh chóng mang các tác phẩm cấp tiến của trường phái Trừu tượng Biểu hiện (Abstract Expressionist) vào không gian của mình.

nu nghe si dinh hinh nghe thuat 16

Ảnh; William H. Allen – Alexander Gray Associates & Betty Parsons Foundation

Parson trở thành đại diện cho những họa sĩ đáng kính của trường phái Trừu tượng Biểu hiện như Jackson Pollock, Mark Rothko, Barnett Newman, Clyfford Still, những người mà bà ưu ái gọi là “Bốn kỵ sĩ”. Nhưng bà cũng đại diện cho các nghệ sĩ nữ, nghệ sĩ người Mỹ gốc Phi, Mỹ Latin và người châu Á khi mà rất ít phòng tranh ở Mỹ làm điều đó. Họ bao gồm Agnes Martin, Louise Nevelson, Roberto Matta, Kenzo Okada và Thomas Sills. Parson đã tạo nên một hình mẫu cho phòng tranh hiện đại ở Mỹ, một thành tựu được ghi nhận bởi cả những nghệ sĩ cùng thời và những người đến sau bà.

nghệ thuật 4

Ảnh: Art in America

Nhân dịp 8/3, hãy cùng ELLE Decoration tưởng nhớ những người phụ nữ vĩ đại này. Không có họ, nền nghệ thuật ở New York nói riêng và thế giới nói chung sẽ không có diện mạo như ngày hôm nay!

Thực hiện: Đoàn Trúc – Nguồn: Artsy