Văn phòng làm việc của LAITA nằm trên tầng áp mái của phân xưởng thực hành gỗ trong khuôn viên trường đại học, một địa điểm hiếm thấy của một văn phòng thiết kế tại Việt Nam. Băng qua lối đi nhỏ giữa hai hàng máy móc thực hành dàn trải hai bên, tiến lên dãy cầu thang gỗ hẹp và mở ra trước mắt là không gian làm việc rộng rãi, chồng lớp tư liệu.
Ngay tại không gian này, những thành quả nghiên cứu và sáng tạo của LAITA trở thành những điểm nhấn rải rác khắp nơi, phục vụ mục đích trưng bày, lưu trữ, tiếp tục nghiên cứu. Chúng có thể là bàn, ghế, thảm… đã hoàn thiện, một vài khối hình ra đời từ ý tưởng ngẫu hứng hay mẫu thử vẫn đang trong quá trình phát triển. Chạy dọc xung quanh là dãy kệ chật cứng sách báo, tư liệu tham khảo, phụ kiện. Lý giải cho sự bề bộn có trật tự này, thành viên sáng lập chia sẻ rằng chính thói quen và cách thực hành sáng tạo của mọi người đã quyết định tinh thần không gian. Đó là những vòng lặp xoay quanh ba điểm: nghiên cứu, đề xuất, chuyển hóa. Mô hình nghiên cứu và phát triển sẽ được bắt đầu từ việc thu thập thông tin từ sách và tra cứu bổ sung từ nguồn lực thông tin toàn cầu, sau đó phân tích – đánh giá thông tin, đề xuất phương án tiếp cận thông qua phác thảo (sketch) và làm mô hình (mock up). Cuối cùng là chuyển hóa thành các nguyên mẫu (prototype) để thảo luận nhóm. Có những sản phẩm khi đã ở giai đoạn hoàn thiện cũng phải quay trở lại bước đầu tiên để nghiên cứu lại hay thậm chí hủy nghiên cứu theo hướng này. Đó là tính khốc liệt của quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Vòng lặp sáng tạosản phẩm mới của LAITA xoa y quanh ba điểm:
nghiên cứu, đề xuất, chuyển hóa.
Sở dĩ LAITA được gọi là sân chơi thực tiễn cho ý tưởng vì họ – những KTS/NTK trẻ tự mày mò các phương thức sản xuất đặc thù với đủ loại vật liệu: gỗ, kim loại, đổ khuôn, gọt khối cho đến may vải, bọc da. Mỗi chất liệu là một quá trình nghiên cứu dài hơi để đào sâu từng khía cạnh. Do đặc thù chế tác mà từng vật liệu thiết kế cần phải có dụng cụ chuyên biệt. Không chỉ nghiên cứu sản phẩm, LAITA còn là cơ sở thực hành kiến trúc, xây dựng thương hiệu, thiết kế đồ họa… Họ không ngần ngại lấn sân ở mọi lĩnh vực sáng tạo và đã gặt hái một số thành công nhất định sau ba năm thành lập. Sự đa dạng về định hướng phát triển bắt nguồn từ đội ngũ nhân lực đa dạng, sẵn sàng “chịu chơi” nhưng nghiêm túc, ý thức việc mình đang làm.
Ưu thế làm việc trải rộng trên nhiều lĩnh vực cũng chính là thách thức, đòi hỏi sự gắn kết, phát triển đồng nhất của từng thành viên nội bộ cũng như các cơ sở cộng tác. Mối trăn trở về nhân lực vừa là rào cản cần được phá bỏ lại vừa là động lực phát triển. Cùng quay trở lại bước chân đầu tiên về địa điểm của LAITA: không gian nằm giữa trường đại học, ra đời từ sự hợp tác của tập đoàn, văn phòng thiết kế/sáng tạo và cơ sở giáo dục. Khởi điểm từ không gian khá đặc thù nhưng lại là vị trí không thể lý tưởng hơn để thỏa sức sáng tạo và lan truyền cảm hứng.
“Có những sản phẩm khi gần hoàn thiện cũng phải hủy bỏ
vì hiểu sai từ đầu.
Đó là điều rất bình thường của thử nghiệm”.
LAITA
Studio thiết kế theo định hướng R&D
Anh hãy giới thiệu khái quát về LAITA.
LAITA thành lập từ năm 2018, hoạt động trên nền tảng đa và liên lĩnh vực như kiến trúc, nội thất, thiết kế sản phẩm, đồ họa, xây dựng thương hiệu… LAITA hiện là đối tác sáng tạo của những công ty mong muốn đột phá về kinh doanh thông qua thiết kế.
LAITA nhận thấy lĩnh vực thiết kế kiến trúc, nội thất và sáng tạo Việt Nam đang còn rất nhiều khoảng trống, hướng đi mới để khai thác. Đồng thời thế kỷ này đang được chứng minh bằng sự liên ngành, đa lĩnh vực sẽ tạo ra những kết quả thuyết phục hơn. LAITA tự tin với quyết định đa dạng hóa lĩnh vực làm việc của mình nhằm tạo ra những công trình và sản phẩm thú vị.
Bài: Đức Nguyên | Ảnh: Khoa Hữu.
Xem thêm: