Cảm hứng Nhật Bản từ chàng “thợ” bánh Wagashi

Ôm đàn ghi ta, đứng trên sâu khấu, rất điển trai, trình diễn như ca sĩ và chơi đàn như một nhạc công chuyên nghiệp, Junichi Mitsubori gợi cho tôi hình ảnh về tay rock lừng danh của Nhật là Miyavi. Nhưng khi trò chuyện, mới hiểu nghề ca sĩ với anh từng là ước mơ thời tuổi trẻ nhưng không thực hiện được. Còn thực tại, anh là nghệ sĩ làm bánh Wagashi, dùng những kỹ thuật ảo diệu tạo hình, quảng bá hình ảnh Wagashi đi khắp thế giới.

Ở Nhật Bản, không ai không biết đến Wagashi, một loại bánh ngọt dùng ăn kèm trong các buổi thưởng trà của nghi lễ trà đạo. Kỳ thực, Wagashi là tên chỉ về các loại bánh cổ truyền của Nhật, khác với dòng bánh du nhập từ phương tây là Yogashi. Trong bộ môn Wagashi lại phân ra nhiều loại dựa trên phần trăm độ ẩm khi trộn bột: loại độ ẩm dưới 10% được gọi là Higashi, từ 10 – 30% là Hannamagashi, và trên 30% là Namagashi. Trong mỗi dòng bánh kể trên lại chia thành nhiều tên gọi như Namagashi, trong đó có Mochi (Mochimono) – dùng nguyên liệu bột gạo nhào nặn thành vỏ bánh, đặc biệt là Nerikiri – dòng bánh nặn tay tiêu biểu của Wagashi. Đây chính là thế mạnh của nhân vật được giới thiệu trong bài.

Wagashi 1

Hình ảnh bông sen Việt Nam trên dòng bánh Tamahana Jyacca – một sáng tạo độc đáo của Mitsubori. Ảnh: Nguyễn Đình.

Nguyên cớ biến loại bánh cổ truyền của Nhật Bản thành nghệ thuật được Mitsubori giải thích: “Ở xã hội hiện đại, tôi nhận thấy một số nét văn hóa, truyền thống như nghệ thuật trà đạo và nghề làm bánh Wagashi đang dần thiếu hấp dẫn với người trẻ. Bánh Wagashi phổ biến, người thợ bánh chỉ tập trung làm thật nhiều và nhanh khiến sự tinh tế trong chế biến giảm đi, điều đó khiến người khác dần cảm thấy nhàm chán, không còn nhiều hứng thú để quan tâm. Tôi muốn khác biệt, bánh tôi làm không chỉ để bán, mà để làm mới một nghệ thuật”.

“Tôi làm bánh để tạo thành tác phẩm, giới thiệu hình ảnh văn hóa và kỹ thuật Nhật Bản, để mọi người nhìn thấy trong đó nét đẹp nghệ thuật hơn là chiếc bánh Wagashi thông thường”.

Wagashi 2

Những sáng tạo trong kỹ thuật làm bánh của Mitsubori đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Nguyễn Đình.

Wagashi 3

Hoa cúc (Kiku) – loài hoa của mùa Thu là một sáng tác yêu thích của Mitsubori. Ảnh: Nguyễn Đình.

Ở xã hội coi trọng tính truyền thống, trật tự như Nhật Bản, những giải thích của Mitsubori vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Hỏi về chuyện này, Mitsubori thẳng thắn: “Mỗi khi tôi đem nghệ thuật làm Wagashi đi giới thiệu ở nước ngoài, từ Mỹ, châu Âu, Canada, quần đảo Solomon, Việt Nam, Hồng Kông, Trung Quốc… người nước ngoài rất hào hứng, tán dương, nhưng nhiều người Nhật không đánh giá cao điều đó, họ cho rằng tôi đi sai lệch truyền thống rồi, và không thích cách tôi thể hiện”. Mitsubori không muốn biện minh, anh dẫn chứng bằng hành động, tạo nên những dụng cụ như đôi đũa kim, cùng các kỹ thuật làm bánh Wagashi đầy phá cách như Nerikiri, Hasami… trên nền tảng là hình dáng của chiếc bánh cổ truyền.

Wagashi 4

Đôi đũa kim tạo nên những đường khắc nét thần diệu trên chiếc bánh Wagashi. Ảnh: Nguyễn Đình.

Wagashi 5

Mỗi chiếc bánh, với Mitsubori là một sáng tạo, một tác phẩm, bánh không chỉ để bán, để ăn, mà còn để ngắm nhìn, cảm nhận và chiêm nghiệm về văn hóa Nhật Bản. Ảnh: Nguyễn Đình.

Wagashi 6

Bộ dụng cụ tạo hình chuyên biệt được Mitsubori sử dụng khi làm bánh Wagashi. Ảnh: Nguyễn Đình.

“Phong cách thể hiện bánh Wagashi của tôi là “Kado” (góc độ), mang tương phản giữa bóng tối và ánh sáng, biểu hiện vẻ đẹp mang nội hàm của sự tĩnh tại, bình an”.

Trong sáng tạo của Mitsubori ở Wagashi, có thể thấy rõ sự phá cách trong chi tiết trang trí, nhưng vẫn không xa rời với văn hóa Nhật Bản, từ những cảm hứng thiên nhiên, con người, trải nghiệm về mùa như hình ảnh hoa cúc (Kiku) ở tiết Sương Giáng (24/10 – 07/11), hoa mơ (Ume) tiết Lập Xuân (04/02 – 18/02), núi Phú Sĩ, hoa thược dược, cho đến các linh thú quen thuộc như rùa, hạc, cả kỹ thuật xếp giấy Origami qua hình ảnh con hạc giấy (Orizuru) – một thiết kế được coi là kinh điển nhất trong bộ môn Origami Nhật Bản… đều là những biểu hiện thường gặp trong sáng tác trên Wagashi của Mitsubori.

Wagashi 7

Ý tưởng tạo nên bánh Wagashi của Mitsubori là những cảm hứng từ thiên nhiên và đa chiều trải nghiệm cuộc sống. Ảnh: Nguyễn Đình.

Wagashi 8

Ý tưởng tạo nên bánh Wagashi của Mitsubori là những cảm hứng từ thiên nhiên và đa chiều trải nghiệm cuộc sống. Ảnh: Nguyễn Đình.

Được gọi là một Kakoda – môn nghệ thuật đương đại mà người thể hiện tập trung khám phá có chủ đích cái tôi cá nhân, thể hiện ở tác phẩm kinh nghiệm, cảm xúc, nội tâm người nghệ sĩ, và thường tạo nên những luồng ý kiến trái chiều – tương tự như hình thức nghệ thuật bộc bạch (Confessional Art). Mitsubori chia sẻ thêm: “Tôi chọn hướng đi riêng để tìm ra tương lai cho nghệ thuật làm bánh Wagashi, điều này khá khó khăn vì không ai dạy tôi cả, tôi phải tự học và phấn đấu mỗi ngày, không cho phép mình hài lòng với bản thân”.

“Sáng tạo là tình yêu. Hãy yêu những gì bạn sáng tạo, luyện tập không ngừng và chú tâm tối đa vào nó, bạn không thể làm tốt nếu không yêu công việc của mình”.

Wagashi 9

Khả năng tạo hình bánh Wagashi của Mitsubori gần như không giới hạn. Ảnh: Nguyễn Đình.

Wagashi 10

Đôi đũa tỉa nét là sáng tạo độc quyền của Mitsubori, được gọi là kỹ thuật Hasami. Ảnh: Nguyễn Đình.

Wagashi 11

Đường nét tối giản là phong cách Mitsubori yêu thích khi thể hiện lên bánh Wagashi.Ảnh: Nguyễn Đình.


Thực hiện: Nguyễn Đình.


Xem thêm:

Kenzo Takada – “Thời trang không dành cho số ít”

Kengo Kuma và sự tiên phong trong kiến trúc