Trong thế giới của gốm: Trở lại làng gốm

Có một cảm giác ngậm ngùi cứ luẩn quẩn trong tâm trạng chúng tôi khi về Bát Tràng những ngày này. Mấy năm gần đây, sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đã khiến làng gốm nổi tiếng Bắc bộ không thoát khỏi cảnh đìu hiu, ảm đạm do sản xuất ế ẩm…

Những chiếc khuôn này không được sử dụng đã khá lâu bởi năng suất sản xuất giảm. “Trước đây, trung bình một tuần nhà tôi đốt lò nung hai lần. Nhưng giờ một tháng chỉ “nổi lửa” một lần vì một mẻ hàng đó cũng chưa chắc đã bán hết cho tới tháng sau…”- anh Dũng, chủ xưởng gốm Dũng Thông, chia sẻ.

Cho tới nay, thợ gốm ở Bát Tràng vẫn sử dụng phương pháp chế tạo men ướt. Người ta trộn nguyên liệu đã nghiền lọc kỹ với nhau rồi khuấy trong nước. Chờ khi hợp chất lắng xuống thì bỏ phần nước trong ở trên, phần bã đọng ở dưới để lấy phần “dị” ở giữa làm men. Gốm Bát Tràng nổi tiếng với men tro, men nâu, men rạn…

Ít ai biết nhiều xưởng gốm ở Bát Tràng đã phải đóng cửa vì không có đầu ra. Nhưng người làng Bát Tràng nói rằng họ không thể bỏ nghề bởi gốm là cái hồn của làng.

Có một thời gian, người Bát Tràng bỏ kỹ thuật làm gốm vuốt tay mà sử dụng máy. Nhưng giờ đây, nhiều xưởng gốm đã trở lại với kỹ thuật chế tác truyền thống.

Phục hồi kỹ thuật sản xuất truyền thống kết hợp với những sáng tạo mang tính nghệ thuật giúp nhiều nghệ nhân ở Bát Tràng xây dựng được thương hiệu riêng như Delicious Ceramic với những sản phẩm rất được thị trường Nhật Bản ưa chuộng.

Tình yêu, sự gắn bó với gốm vẫn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ở Bát Tràng.

Chính việc ứng dụng công nghệ mới đã tạo ra một hướng đi khác cho các xưởng sản xuất quy mô lớn trong phát triển dòng gốm công nghiệp. Mặc dù chưa hoàn toàn vượt qua giai đoạn khó khăn, nhưng các xưởng này vẫn giữ được nhịp độ sản xuất và đảm bảo việc làm cho nhiều lao động của Bát Tràng.

Những bức tường bám than đen như thế này vốn là hình ảnh quen thuộc ở làng Bát Tràng nhưng giờ lại khá hiếm hoi. Đa số các xưởng gốm ở làng đều chuyển sang sử dụng lò nung gas thay vì lò nung bằng than.

Gốm, quả thực, như phần hồn của làng Bát Tràng. Gốm không chỉ là kế sinh nhai của người dân làng mà còn sống trong chính đời sống tinh thần của họ.

Thực hiện: GIANG HUY – ĐỘC CẦM