Triển lãm với tên gọi Norman Foster được thiết kế bởi chính KTS tài ba, cùng với studio Foster + Partners và tổ chức phi lợi nhuận Norman Foster Foundation. Được tổ chức bởi Phó Giám đốc Trung tâm Pompidou Frédéric Migayrou, triển lãm nhằm mục đích trưng bày các mẫu kiến trúc về sự đổi mới và công nghệ của Norman Foster,bao gồm khoảng 130 dự án, cùng với cách tiếp cận bền vững và những ý tưởng của KTS về tương lai của môi trường xây dựng.
Ngoài các tác phẩm của Norman, triển lãm còn trưng bày các thiết kế ảnh hưởng đến phong cách của KTS người Anh, như tác phẩm của họa sĩ Trung Quốc Ai Weiwei, họa sĩ người Pháp Fernand Léger, nhà điêu khắc người Romania Constantin Brancusi và họa sĩ người Ý Umberto Boccioni. Bên cạnh đó, nơi đây cũng giới thiệu với công chúng niềm đam mê của Norman với nhiều chiếc xe hơi độc đáo.
Bàn về tính bền vững trong kiến trúc, Norman Foster đưa ra quan điểm: “Có rất nhiều quan niệm sai lầm và nguy hiểm về vấn đề này. Vì thế, triển lãm này tập trung vào những chủ đề về bền vững và khả năng dự báo tương lai.”
“Suốt nhiều thập kỷ, chúng tôi luôn nỗ lực thách thức các quy chuẩn, tái tạo các loại công trình và thể hiện một kiến trúc nhẹ nhàng tràn đầy ánh sáng được lấy cảm hứng từ thiên nhiên, mang lại niềm vui và đảm bảo tính thân thiện với môi trường”.
“Với tôi, thiết kế bắt đầu từ bản phác thảo, tiếp tục là một công cụ truyền thông xuyên suốt quá trình dài trong phòng thiết kế, nhà máy và cuối cùng là trên công trường xây dựng,” KTS cho biết: “Vào năm 1975, tôi bắt đầu thói quen mang theo một cuốn sổ tay A4 để phác thảo và viết – một số lượng các bản phác thảo này được trưng bày trong tủ trung tâm, được bao quanh bởi các bức tường dành cho các bản vẽ cá nhân. Từ năm 1975, tôi bắt đầu thói quen mang theo một cuốn sổ tay kích thước A4 để vẽ và viết. Một lượng nhỏ trong số đó được trưng bày trong các tủ đặt ở trung tâm. Còn các bức tường xung quanh thì dành riêng cho các bức vẽ cá nhân”.
Buổi triển lãm diễn ra trong một không gian rộng lớn với các bức tường ngăn cách chia thành 7 chủ đề: Thiên nhiên và Đô thị (Nature and Urbanity), Vỏ ngoài và xương khung (Skin and Bones), Thành phố thẳng đứng (Vertical city), Lịch sử và Truyền thống (History and Tradition), Quy hoạch và Địa điểm (Planning and Place), Mạng lưới và Di động (Networks and Mobilities), Triển vọng Tương lai (Future Perspectives).
Đầu tiên, “Nature and Urbanity” giúp khám phá phương pháp bảo vệ thiên nhiên của Norman bằng việc xây dựng “các cụm đô thị dày đặc và sự đảm bảo riêng tư thông qua thiết kế” – theo nhận định của studio. Tiếp đến là “Skin and Bones” được đặt tên theo nhận xét của một nhà phê bình, cho rằng bề mặt ngoài các dự án của Norman có thể được phân loại như một lớp “vỏ” mịn hoặc thể hiện cấu trúc xương khung bên trong. Nơi đây trưng bày các dự án của Norman nhằm minh họa mối quan hệ giữa cấu trúc, dịch vụ và lớp vỏ bên ngoài của các công trình. Trong “Vertical City”, studio trưng bày cách các tòa nhà “thở” (có không gian sống và làm việc thoải mái hơn) được tạo ra bằng cách thiết kế các không gian mở xếp chồng lên nhau.
KTS Norman Foster cho biết: “Chúng tôi là những người đầu tiên thách thức khái niệm về tòa nhà truyền thống, với trung tâm chứa các hệ thống cơ khí, hệ thống đi lại và kết cấu, bằng cách tạo ra các không gian mở xếp chồng lên nhau, linh hoạt và có tầm nhìn xuyên thấu.”
“Tại đây, các dịch vụ hỗ trợ được thêm vào không gian làm việc hoặc sinh hoạt. Điều này đã dẫn đến bước phát triển mới với chuỗi các tòa nhà có khả năng “thở” đầu tiên”.
“Trong nỗ lực giảm tiêu thụ năng lượng và tạo ra một lối sống lành mạnh, hấp dẫn hơn, chúng tôi đã chứng minh hệ thống thông gió tự nhiên – dùng để lọc sạch không khí – có thể được sử dụng để điều chỉnh khí hậu nội bộ của các tòa nhà một cách kiểm soát và hiệu quả”.
“History and Tradition” giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về kiến trúc truyền thống và bản địa đã ảnh hưởng đến Norman như thế nào. Trong khi “Planning and Places” thì giải thích các kế hoạch quy hoạch và xây dựng trong không gian đô thị. Phía cuối không gian triển lãm mở, “Networks and Mobility” trưng bày các ví dụ về phương tiện vận chuyển và cơ sở hạ tầng, đồng thời dẫn đến phòng cuối cùng, “Future Perspectives” – trưng bày các khái niệm cho các phương thức đi lại và giao tiếp trong tương lai”.
Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày chi tiết về các hệ thống không người lái, các thiết kế nơi cư trú trên sao Hỏa và mặt trăng, được NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu đồng phát triển.
Thực hiện: Khánh Quỳnh | Theo: Dezeen | Ảnh: Nigel Young, Foster + Partners
Xem thêm
Không gian triển lãm quốc tế tại Venice Architecture Biennale 2023
Triển lãm Doppia Firma: Cuộc đối thoại giữa thiết kế và thủ công điêu luyện