Tính nữ trong mỹ thuật Việt (Kỳ III) – Tính nữ trong cuộc giao duyên mỹ thuật Đông – Tây

Hài hòa và tinh tế, mỹ thuật Đông Dương luôn là giấc mộng êm đềm của mắt nhìn, rất Việt nhưng cũng rất thời thượng. Tính nữ trong khởi đầu mới của mỹ thuật hiện đại vẫn chung thủy, sắt son với những gì thuộc về quá vãng trong cách thể hiện đậm đặc không khí của thời đại hỗn độn Đông-Tây của nước Việt.

Tưởng mảnh dẻ và mỏng manh tựa chỉ tơ, từ lúc cuốn ken dày thuở lập nước, rồi gần như đứt lìa trong bể đô hộ của nền văn hóa trọng dương từ phương Bắc, lại vấn vít trong rường cột mái đình của làng, nhưng khi cuộc xâm chiếm từ phương Tây diễn ra, sợi tơ tính nữ Việt trong mỹ thuật vẫn uyển chuyển tồn tại và đượm thêm hương sắc quen lạ của nghệ thuật Đông Dương.

Tâm thức con người hiện tại được in hằn những mô tả rất đặc trưng và nhất quán của tính nữ như dịu dàng, mềm mại và yểu điệu. Dẫu đa dạng, tựu trung vẫn không đi xa hơn mẫu hình ảnh người phụ nữ. Tính nữ không chỉ nằm trong giới hạn những khuôn mẫu hình thể, giới tính hay phân loại tính cách. Nó còn được dùng để áp lên và gọi tên những thuộc tính, đặc trưng vô hình trong các quy mô ngoại tại như vạn vật, văn hóa…, và là một phần trong triết lý âm dương sâu sắc của cư dân phía Đông địa cầu tự ngàn xưa. Ví như sợi tơ lụa mỏng manh nhưng óng ánh, tính nữ len lỏi xuyên suốt trong văn hoá của các thời kì, làm nền mỹ thuật Việt trở nên duyên dáng, khác biệt. 

Đọc kỳ II: Tính nữ trong mỹ thuật Việt (Kỳ II) – Những ẩn tàng trong giao lưu và tiếp biến văn hóa tôn giáo phương Đông

Tính nữ trở về trong chuyển giao xã hội

Bánh xe thời gian luôn mải miết với nhiệm vụ của nó, những sơn son thếp vàng của thời đại phong kiến bắt đầu tan rã như một điều hiển nhiên của thời cuộc. Nước Việt bước vào giai đoạn chuyển đổi xã hội đầy đau thương, bắt đầu từ khi bom đạn đổ ập cảng biển Đà Nẵng để rồi vang dội toàn cõi nước Nam, thực dân Pháp rầm rập dấu chân mình trên khắp đất nước. Những trang lịch sử còn mồn một sự tàn độc của kẻ ngoại bang, không chỉ người Việt chơi vơi, ngả nghiêng giữa sợi dây sinh mạng, đầy rẫy những vết thương khó lòng liền da mà thiên nhiên xứ này cũng toang toác không thành hình dạng. 

Dẫu chất chồng những tổn thương, nhưng cũng vì vậy mà hình hài nước Việt và cả con người Việt bắt đầu khoác lên lớp áo lạ. Bên cạnh những rường cột, kèo gỗ in dấu trong ký ức, những tòa nhà với kiến trúc Pháp dần trở nên quen thuộc trong đáy mắt; giữa những yếm đào, khăn mỏ quạ lại bần bật những đầm, những corset;… Người đau đáu thời dĩ vãng gần gụi chẳng thể nào dung chứa những gì thuộc về ngoại bang, kẻ thức thời chuộng mới lạ tự gắn thêm vào mình hai chữ  “tân thời”. Lịch sử đã qua, quan niệm là cá nhân, ta chẳng thể rạch ròi đúng sai-sai đúng. Nhưng giữa hỗn mang của thời cuộc, nghệ thuật truyền thống Việt từ mờ nhòe trong những rối ren chính trị các triều đại, lặng lẽ nương tựa vào các rường cột, vì kèo của đình làng để tồn tại lại một lần nữa tường minh và rực rỡ. Tính nữ không chỉ còn gói gọn trong những mực thước của xã hội phong kiến trọng dương học phỏng theo Trung Hoa mà được trả về lại với sự phóng khoáng của ngày trước và còn thêm phần tươi sắc bởi luồng gió Tây phương.

Tính nữ Việt với khởi đầu mới mỹ thuật Đông Dương

Mỹ thuật Đông Dương là nỗi hoài niệm, niềm nhung nhớ và cả ánh hào quang quá đỗi đằm thắm, dịu dàng của rất nhiều tâm thức Việt. Ta khắc khoải nhớ về điệu hình yểu điệu, mềm mại, nét tròn đầy dịu dàng, má hồng lúng liếng hây hây, áo dài mềm nhẹ bay bổng, sắc tươi thắm mà nhẹ nhàng, tính nữ phủ đầy lên từng lớp màu của mỹ thuật Đông Dương, e ấp mà giao duyên với những mới lạ của mỹ thuật phương Tây.

Nhắc về mỹ thuật Đông Dương, ta sẽ không thôi nhớ về ngôi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, hay còn gọi là Ecole des Beaux-Art de l’Indochine.  Năm 1925, trường được chính Chính phủ Toàn quyền Đông Dương thành lập với mục đích đào tạo thợ thủ công, sản xuất sản phẩm nghệ thuật để xuất khẩu và làm giàu cho Mẫu quốc. Dẫu xuất phát điểm với ý định tư lợi cho nước Pháp, nhưng người Pháp chẳng thể ngờ được bằng sự tài hoa tột bậc, người dân An Nam đã biến nơi đây trở thành nền móng vững chắc cho nghệ thuật hiện đại Việt Nam bung nở đầy mãnh liệt.

truong my thuat dong duong victor tardieu

Hiệu trưởng Victor Tardieu (ngồi giữa) cùng các thầy trò Trường Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội năm 1926)

Với người Việt thời bấy giờ, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là nơi đáp ứng được khát khao của những người trẻ về một con đường khác cho mỹ thuật giữa muôn ngàn rối ren và bi kịch khi truyền thống cạnh tranh kịch liệt với những mô thức thẩm mỹ châu Âu được du nhập thông qua xâm lược của người Pháp. Người Việt lần đầu tiên được tiếp xúc với hệ thống đào tạo mỹ thuật, thỏa mãn không chỉ tay nghề mà còn tư duy thẩm mỹ. Ngoài những môn học đậm phương Tây như hội hoạ, điều khắc, trang trí, mỹ học và lịch sử nghệ thuật, khảo cổ, nghệ thuật kiến trúc Viễn Đông… các ông thầy Pháp – những người thực sự yêu mến con người và mảnh đất xứ này, đã đem mỹ thuật truyền thống Việt trở lại.

Tính nữ trong cuộc giao duyên mỹ thuật Đông – Tây

Trong tuần báo Phong Hóa số 18 (20-10-1932) có bài về Trường Mỹ thuật Đông Pháp, không ký tên, chắc của tác giả Nhất Linh, bởi chỉ có ông là người trong tòa soạn thời đó ghi công lao của giáo sư Tardieu. Bài báo viết: “Nền mỹ thuật của nước nhà mà có được cái kết quả tốt đẹp như vậy cũng là nhờ công trình của cụ Victor Tardieu, người đã sáng lập ra nhà trường. Cụ khéo điều hòa hai nền mỹ thuật Âu Á, hết lòng chỉ bảo học trò noi theo cái tinh hoa của mỹ thuật Đông phương lấy đấy làm gốc của sự học.”

Victor Tardieu tranh tuong truong dai hoc dong duong

Victor Tardieu với tác phẩm tranh tường vẽ cho giảng đường chính của Trường Đại học Đông Dương, 1923.

Các nghệ sĩ Việt được tung tẩy tự do với đa dạng chất liệu và phong cách mỹ thuật của trời Tây, nhưng hồn Việt vẫn nằm sâu trong tiềm thức, phổ lên từng nét cọ, lớp màu. Tính nữ nhờ vậy cũng dìu dặt, bay bổng. Xuyên suốt thời Đông Dương, có thể thấy chủ đề về người phụ nữ được rất mực các nghệ sĩ ưu ái, hiển nhiên là từ cái trữ tình người Pháp luôn yêu chiều phái đẹp nhưng gốc rễ tư tưởng trọng âm tự ngàn xưa cũng là lý do cho số lượng áp đảo này.

Người thiếu nữ của Tô Ngọc Vân với góc nhìn cận, hình thể tròn đầy, xuân thì chiếm trọn khung tranh mà vẫn rất mực duyên dáng bởi tư thế cúi mình e lệ thưởng hoa. Đường cong hoàn hảo của tư thế, dẫn mắt nhìn tập trung vào khuôn trăng dịu dàng của thiếu nữ chốn kinh kỳ không chỉ tạo thế cân xứng hài hòa theo lối tạo hình phương Tây mà còn diễn lại nét ý nhị, thanh tao tựa như những Tố Nữ gảy đàn, gõ sênh trong tranh Hàng Trống. Lớp ánh sáng phủ nhẹ, vẽ nên dáng điệu căng đầy, sắc trắng làm chủ đạo nhờ sự phụ trợ của sắc xanh từ nền và họa tiết hoa lam cổ truyền tôn lên tính nữ nguyên bản nhuần nhị và thanh thoát. Một tính nữ rất Việt gợi cảm nhưng cũng rất mực kín đáo.

my thuat viet thieu nu ben hoa hue to ngoc van

Thiếu nữ bên hoa huệ, Tô Ngọc Vân, sơn dầu vào năm 1943.

Vẫn là người phụ nữ, Mai Trung Thứ lại đem đến mỹ cảm khác biệt. Trong bức Điểm trang cho đám cưới, với bảng màu quen thuộc của tranh truyền thống Việt, đủ tươi tắn nhưng không chói mắt, vẽ nên không khí đủ tất bật nhưng vẫn trang trọng của một đám cưới bậc trung lưu. Tranh khắc họa tập thể sáu người phụ nữ nằm ở vị trí trung tâm, với nhiều độ tuổi khác nhau, không thiên tạo khối hình, mà mang tính hơi phẳng dẹt như, mang tính trang trí của tranh truyền thống. Hình thể người phụ nữ với những đường cong mềm mại, uyển chuyển, không quá chú trọng vào tỉ lệ thực. Người phụ nữ của Mai Trung Thứ hiện lên đầy sang trọng, cổ điển và quý phái, mang đầy đủ những chuẩn mực của nét đẹp thuần Việt trong sáng.

diem trang cho dam cuoi mai trung thu

Bức tranh Điểm trang cho đám cưới của Mai Trung Thứ.

my thuat viet nam co gai mai trung thu

Bức Năm cô gái, Mai Trung Thứ, 1973, mực và gouache trên lụa.

Đi qua chất truyền thống, Lê Phổ lại khắc họa tính nữ trong những tạo hình rất mực Tây phương. Vẫn là hình thể mềm mại, áo dài duyên dáng, nhưng trong tranh của Lê Phổ lại có sắc thái nhạy cảm và giàu nội tâm. Tính nữ lấp ló giữa bảng màu ngập ánh sáng, giữa mảng hoa lá phủ đầy trong không gian mơ màng của châu Âu. Phụ nữ và hoa, một tính nữ tuyệt đối của Lê Phổ, một đối thoại ấm áp, và thân tình của nghệ thuật Đông Tây.

Người phụ nữ trong tranh của các họa sĩ Đông Dương bật thoát nên những đặc trưng rất riêng, bởi chính sự tự do trong thể hiện phong cách cá nhân và bởi vì tính cách trọng sự hài hòa của người Việt được hình thành ở những buổi đầu. Ta thấy nét duyên mặn mà, chất truyền thống vẫn đậm đà, hình thể mơn mởn, tròn đầy giàu sức sống ẩn hiện trong lớp vải áo dài mềm mại đặt giữa không khí canh tân mới mẻ phương Tây với bảng màu rực rỡ, những cử động phóng khoáng, chi tiết được tạo hình kỹ lưỡng, phối cảnh xa gần…

Trong cuộc giao duyên Đông Tây, mỹ thuật Việt với những điều kiện thuận lợi do người Pháp vô tình bồi đắp đã bung xòe rực rỡ, mới mẻ và canh tân. Trong mối giao hảo (chỉ riêng mỹ thuật) này, phần tính cách hài hòa, cởi mở, trọng âm của người Việt góp phần không nhỏ. Không đau thương, không triệt tiêu lẫn nhau, nghệ sĩ Việt cởi mở đón nhận nhưng tinh hoa, dẫu chúng được kẻ xâm lược mang đến, để rồi từng bước dung hòa. Mỹ thuật Việt chuyển mượt mà từ sơn son thếp vàng phong kiến đến hiện đại, mô thức Tây phương uyển chuyển ứng dụng để tạo nên dáng dấp mỹ thuật xưa.

my thuat viet L’Étude buoi hoc

Bức L’Étude (Tạm dịch: Buổi học), sơn dầu trên canvas, 65 x 81 cm, vẽ vào khoảng năm 1970.

Chuyện kể về tính nữ có chăng chỉ dừng lại ở tạo hình? Điều gì khác ngoài những dáng điệu nữ nhân Việt? Kỳ cuối của chuỗi bài Tính nữ trong mỹ thuật Việt (hay Mỹ thuật Việt – Khi tính nữ là sợi dây tơ xuyên suốt các thời kỳ) sẽ dẫn bạn đào sâu vào phương diện thể hiện khác của tính nữ, âm thầm nhưng bóng chiếu của nó rạng rỡ toàn diện mỹ thuật Việt.

Chuỗi bài viết Mỹ thuật Việt – Khi tính nữ là sợi dây tơ xuyên suốt các thời kỳ là những suy tư về tính nữ của văn hóa Việt biểu hiện qua khía cạnh mỹ thuật tạo hình. Tính nữ trong thẩm mỹ tạo hình của mỹ thuật Việt không phải là cái điệu hình mỏng manh hay yêu kiều mà là sự gợi cảm của thể hình khỏe khoắn, nét mày đôn hậu. Là tính nữ hòa hợp với lối sống và suy tư của chính người Việt trong lớp lang văn hóa và chiều kích lịch sử xuyên suốt từ ngàn năm son rõ đến rực rỡ về sau của dân tộc mình.

Thực hiện: Saya Nguyễn | Ảnh: Tư liệu


Xem thêm: 

Tính nữ trong mỹ thuật Việt (Kỳ I)

Những bức tranh sơn dầu nổi tiếng của mỹ thuật Việt Nam

Phong cảnh qua lăng kính nghệ thuật phương Tây