Tiểu vũ trụ trên bình vôi Chămpa

Được chế tác từ bạc, bình vôi Chămpa là dụng cụ phục vụ chuyện cau trầu, có kỹ thuật tạo hình và chi tiết trang trí khác biệt hẳn so với các quốc gia và vùng lãnh thổ có tục ăn trầu khác.

Dáng trụ, tách thành hai phần, nắp và thân, kích cỡ trung bình độ ba ngón tay chụm lại, cao không quá 20cm… là những chi tiết nhận dạng phổ biến khi tả về món đồ cổ bình vôi bạc thuộc văn hóa Chămpa. Trong lịch sử phát triển, nhiều vật dụng thuộc văn hóa Chămpa khi chế tác được dựa trên nền tảng ngôn ngữ tôn giáo (Hindu giáo, Phật giáo), và bình vôi bằng bạc là một điển hình. Nghệ thuật chế tác kim hoàn ở thời kỳ Chămpa đạt đỉnh cao, là sự kết hợp giữa nghệ thuật và niềm tin tôn giáo.

binh voi champa do co

Dáng trụ, nắp chóp nhọn, trang trí hoa văn đa tầng là chi tiết dễ nhận của một chiếc bình vôi thuộc văn hóa Chămpa.

do co bình vôi Chămpa 1

Những nét chạm nổi li ti trên nền bạc trang trí cho chóp nón của nắp bình vôi Chămpa.

Nếu đề cập về dáng trụ của món đồ cổ, sẽ thấy ở đó ít nhiều mối liên kết với hình tượng linga – biểu tượng của thần Shiva, là một trong ba vị thần cao cả nhất theo huyền tích Hindu giáo. Phần thân bình vôi thường được trang trí bằng các dải hoa văn được khắc chìm liên hoàn, riêng chóp hình nón thường thể hiện các nét chạm nổi, tạo thành nhiều phân lớp theo vòng tròn đồng tâm. Giá trị nghệ thuật của bình vôi chính là phần chóp nón này, hình ảnh ấy cũng gợi về đỉnh núi Meru – nơi các vị thần cao cả nhất của Hindu giáo ngự trị.

Nằm trên con đường tơ lụa trên biển, cảng thị Chămpa cũng là nơi giao thoa các nền văn hóa, tôn giáo, trong đó có Phật giáo Tiểu thừa (trước thế kỷ 8) và sau đó là Đại thừa, phát triển rực rỡ dưới vương triều Indrapura khi vua Indravarman II xây dựng Phật viện Đồng Dương (875). Hình ảnh chóp nón của bình vôi Chămpa, nếu nhìn từ trên cao, sẽ thấy tính đối xứng và đồng tâm, tựa Mandala trong văn hóa Phật giáo. Theo quan niệm này, bình vôi khi ấy trở thành một pháp khí, một mô hình vũ trụ nơi đấng tối cao ngự trị.

do co bình vôi Chămpa 2

Hoa văn hình sin trong trang trí bình vôi bạc Chămpa.

Tiểu vũ trụ trên bình vôi Chămpa

Tiểu vũ trụ hội tụ qua kỹ nghệ chiếc bình vôi bạc Chămpa.

Trong nghệ thuật Chămpa, tác tạo đồ nhật dụng cao cấp cũng là cách thực hành niềm tin tôn giáo, người nghệ nhân thường gửi gắm trong đó từ kỹ thuật tạo hình cho đến chi tiết trang trí, sử dụng ngôn ngữ gắn liền với thế giới tâm linh. Sản phẩm triển khai dựa trên niềm tin, dựa theo tư duy tín ngưỡng, kỹ thuật sẽ được chăm chút cực đại, đồ vật làm ra không chỉ mang công năng như sản phẩm thông thường, mà trở thành tác phẩm, có tính thiêng, xứng là “lễ vật” dâng đấng chí tôn. Bình vôi Chămpa, được ví như tiểu vũ trụ thu nhỏ là vậy.

Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình


Xem thêm

Tuyệt tác từ sa thạch Chămpa

Kỹ nghệ bạc cung đình triều Nguyễn

Đưa kỹ thuật chế tác bạc vào trà cụ