“Nhất nghệ tinh”: Nét chạm Huế trên nền tre

Từng nét chạm mảnh như sợi chỉ, biến ảo lắt léo diệu kỳ, thể hiện rõ cả sợi râu rồng mềm mại, đến nhành liễu đang đu đưa trước gió, rồi ngọn cỏ ven đường phất phơ dưới chân trâu… Những tạo hình cực tiểu ấy được nghệ nhân ưu tú Đoàn Minh Căn của làng Dương Nỗ thể hiện hoàn hảo lên nền tre, xứng đáng là một đại diện tiêu biểu của kỹ thuật đục chạm đỉnh cao, mang đậm dấu ấn và phong cách nghệ thuật cung đình Huế tưởng rằng đã mai một.

Nghệ nhân Đoàn Minh Căn và một tác phẩm lồng chim vanh đốt trúc cùng các bức chạm tỉ mỉ, chi tiết của đáy lồng, móc lồng đang trong công đoạn hoàn thiện.

Được đào tạo bài bản với nghề điêu khắc gỗ với các nghệ nhân hàng đầu của Huế như Lê Đăng Duân, Phan Thế Huề… rồi chuyển hướng làm phù điêu trang trí, nhưng cơ duyên đưa nghệ nhân Đoàn Minh Căn đến với chất liệu tre ở những năm 1990s là từ nhu cầu thị trường, nguồn gỗ tự nhiên ngày càng giảm, trong khi nguyên liệu tre Huế lại rất phong phú, đa dạng, vậy là chuyển nghề. Những nét chạm tinh tế, li ti, vốn quen gặp trên các tủ thờ, các bàn hương án kiểu Huế… được Đoàn Minh Căn áp dụng hoàn hảo lên tre, đưa vào trang trí các sản phẩm mỹ nghệ chất lượng cao như lồng chim, khay trầu rượu, bình phong, hương án, hũ đựng trà, song bình…

Tích Bát tiên cưỡi rồng được thể hiện tinh tế trên móc lồng do nghệ nhân ưu tú Đoàn Minh Căn chế tác.

Nói tới chạm trổ trên tre, Đoàn Minh Căn chia sẻ: “Khó làm hơn chạm khắc trên gỗ nhiều bởi tính tre dễ nứt vỡ, lại chạy theo sớ nên dụng cụ đục chạm cũng phải cải biên cho phù hợp”. Quả thực nhìn vào bộ đồ nghề điêu khắc trên tre của Đoàn Minh căn, đếm không xuể bởi có đến hơn 100 các loại đục, giũa nhỏ xíu với đủ kiểu dáng khác biệt, có thể biểu đạt hình ảnh một vị tiên đang cưỡi trên thân rồng, người chỉ bé bằng đầu đũa nhưng đầy đủ các chi tiết râu tóc, thần thái đầy tinh nghệ.

Để trở thành một thợ đục tre lành nghề, anh Căn cho biết: “Thợ sáng trí học cả năm chỉ đục được những nét đơn giản, 3 năm sau mới có khả năng đục hình theo mẫu và cảm thụ được những đường nét trên tre. Qua được giai đoạn này thì việc học sẽ nhanh hơn, có thể tự sáng tác được”. Phần việc được làm nhiều nhất ở xưởng của anh Căn là trang trí lồng chim. Nếu lồng chim làng Vác biểu đạt sự chắc chắn, mạnh khỏe, thì lồng chim kiểu Huế lại phô diễn nét thanh mảnh, quý phái, đường nét chạm trổ kín thân – đáy lồng.

Đề tài tam hạp “Sửu – Dậu – Tỵ” phối cùng phong cảnh được thể hiện bằng kỹ thuật chạm trổ.

Chim quý phải gắn với lồng son, nhưng những chiếc lồng được Đoàn Minh Căn sáng tác, dường như chỉ để phục vụ giới sưu tầm nét đẹp nghệ thuật của lồng Huế hơn là chơi chim. Để hoàn thiện việc trang trí tỉ mỉ cho một lồng chim ưng ý, không kể đến yếu tố thời gian, chỉ nói giá trị đã mất từ 300-500 triệu đồng tiền công đục chạm. Người đặt lồng chỉ đưa ra ý tưởng chủ đạo, chẳng hạn kể tuổi của các thành viên trong gia đình và muốn đưa hết các con giáp ấy vào chi tiết trang trí, nghệ nhân sẽ tùy ứng biến để phối lại theo quan niệm tam hạp, lục hạp, kết hợp các yếu tố phong thủy, âm dương, ngũ hành vào cùng một bức chạm gắn trên thân lồng.

Đáy lồng, chân lồng đều là những khoảng không gian được tận dụng tối đa cho việc chạm trổ trang trí.

Đoàn Minh Căn cho biết các công đoạn sáng tác ấy đều là sự mày mò, tìm hiểu, học hỏi và nâng cao tay nghề từ chính những yêu cầu của khách hàng – đều là giới sưu tầm, chơi chim đỉnh cao ở các thành phố lớn, giới Việt kiều và người chơi ở thị trường Thái Lan cũng tìm đến làng Dương Nỗ để đặt hàng những nét chạm tuyệt kỹ lên nền tre.

Thực hiện: NGUYỄN ĐÌNH