Với bố cục kiến trúc trải dài trên diện tích lên đến hơn 5 cây số, ngôi đền Preah Khan Kompong Svay (một tên gọi đầy đủ để phân biệt với ngôi đền Preah Khan trong khu công viên Angkor, ở Siem Riep, cạnh ngôi đền Angkor Wat) là công trình đơn lẻ có diện tích rộng lớn nhất của thời kỳ Angkor, cách Angkor Wat đến hơn 100km.
Sự xa xôi, cách trở cùng nguồn tư liệu ít ỏi về ngôi đền bí ẩn này càng khiến Preah Khan thêm xa lạ với dân du lịch khám phá, kể cả với những nhà nghiên cứu chuyên sâu về đền đài thời kỳ Angkor.
Con đường mòn dẫn lối vào đền chính cũng đồng thời đi qua Prasat Preah Stung thuộc quần thể đền Preah Khan, với bốn gương mặt Bayon ở tháp chính nhìn ra bốn hướng. Hình thái kiến trúc Bayon này giúp xác định ngay đây là công trình do vua Jayavarman VII thực hiện. Như vậy, ngoài gương mặt Bayon ở quần thể công viên
Angkor, còn có thêm đền Banteay Chhmar và Preah Khan.
Dù bị tàn phá, đổ nát bởi thời gian, nhưng những dấu chỉ về một ngôi đền thờ Phật ở Preah Khan vẫn còn hiện hữu rõ qua các nét chạm trang trí hình tượng Phật còn lưu lại rải rác ở các phế tích quanh đền chính. So với các công trình kiến trúc khác của thời Angkor, Preah Khan được biết đến và nghiên cứu khá muộn (từ 1937) bởi nhà Khảo cổ học Victor Goloubew. Rất nhiều mảng điêu khắc giá trị mỹ thuật đỉnh cao của thời kỳ Angkor được tìm thấy ở Preah Khan, tiêu biểu nhất là chân dung vị vua Jayavarman VII (hiện trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Phnom Penh).
Trong huyền tích Hindu giáo, mỗi vị thần thường có một vật cưỡi riêng, như thần Shiva cưỡi bò Nandin, Vishnu cưỡi chim thần Garuda, Brahma cưỡi ngỗng thần Hamsa. Và ở Preah Khan, hình tượng ngỗng Hamsa thể hiện liên hoàn trên hàng trụ móng làm bệ đỡ cây cầu dẫn lối vào đền chính theo hướng Tây, được xem là mảng điêu khắc độc đáo và đẹp nhất về linh vật này trong số các kiến trúc còn lại của tất cả các phế tích thuộc thời kỳ Angkor.
Đi trong khu rừng nơi quần thể Preah Khan tọa lạc, giữa những đổ nát của đền đài, còn khá nhiều các tòa tháp đang xây dựng dở dang, chưa hoàn thiện hết các phần điêu khắc trang trí. Tất cả bị mảng xanh của cỏ lá rừng già bao bọc, che phủ, càng khiến cho nét đẹp của đền cổ Preah Khan chốn hoang vu thêm kỳ bí, hấp dẫn theo từng bước chân khám phá của lữ khách phương xa.
Bài và ảnh NGUYỄN ĐÌNH