Di sản trên vách đá: Prambana – Ngôi đền của thần Shiva

Trong lối xây dựng, quy hoạch nhà ở, công trình, kiến trúc đền đài theo Ấn Độ cổ xưa, đồ hình vuông được áp dụng rộng rãi nhất, và ngôi đền Hindu giáo Prambanan thuộc thành phố Yogyakarta ở miền trung Java cũng được xây dựng theo kiểu thức như thế.

Dòng chảy Hindu giáo từ Ấn Độ cổ xưa du nhập đến Java từ thế kỷ 1, phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ 7 – 10, kéo theo các hình thái kiến trúc nhà ở, đền đài, mà một trong những dấu ấn vàng son chính là quần thể đền Prambanan với 240 tòa tháp lớn nhỏ, xây dựng vào năm 856 thờ tam thần của Hindu giáo là Shiva, Vishnu và Brahma.

Gương mặt Kala án ngữ trước cổng vào đền thờ linh vật Hamsa, vật cưỡi của thần Brahma.

Phần nhiều tháp phụ của đền Prambanan đã sụp đổ do những cơn động đất. Dựa trên kiến trúc còn lại, các nhà nghiên cứu cũng phân thành ba cụm khác nhau tương tự như đền thờ Phật Borobudur, với phần ngoài cùng tượng trưng cho cuộc sống trần tục (Bhurloka), thế giới tu hành ở cụm thứ hai gọi là Bhurvaloka, phần trọng tâm của đền là Svarloka tượng trưng cho đấng tối cao ngự trị, bao gồm 6 tòa tháp khổng lồ, bố cục theo trục Bắc – Nam. Ba tháp cao nhất ở vị trí trung tâm thờ thần Shiva, Vishnu và Brahma. Ba tháp nhỏ còn lại phía chính diện thờ bò Nandin – vật cưỡi của thần Shiva, chim Garuda – vật cưỡi của thần Vishnu, và ngỗng Hamsa – vật cưỡi của thần Brahma.

Cụm đền chính của Prambanan hiện hữu, những đổ nát là phế tích của 224 tòa tháp phụ đang trong giai đoạn phục dựng lại theo nguyên bản.

Hình ảnh tu sĩ ở mảng điêu khắc cụm thứ hai của Prambanan, gọi là Bhurvaloka – thế giới tu hành.

Đồ án trang trí gương mặt Kala và Makara, một biểu trưng “lưỡng nghi” của vũ trụ theo tín ngưỡng Hindu giáo.

Trong trang trí theo phong cách Hindu giáo ở Đông Nam Á, các nhà khoa học định danh một kiểu thức gọi riêng là điêu khắc Prambanan, với hình ảnh hai vị thần đầu người mình chim, có nhiệm vụ bảo vệ châu báu cho các thần trên dương thế là Kinnara (nam thần) và Kinnari (nữ thần), hình sư tử Sinha, hay các loài muông thú như khỉ, ngựa, voi, cừu, hươu… Sự khác biệt của điêu khắc Prambanan so với các đền đài Hindu khác còn là chất liệu. Việc sử dụng đá núi lửa có độ giòn vỡ cao, độ mịn kém hơn đá sa thạch, chắc hẳn người nghệ nhân điêu khắc gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tác tạo, nhưng những gì còn lại của Prambanan, từ các mảng điêu khắc trích dẫn trong sử thi Ramayana với những hình ảnh quen thuộc của anh hùng Rama, nàng công chúa Sita xinh đẹp, tướng khỉ Hanuman, quỷ vương Ravana… đã minh chứng cho tài nghệ điêu khắc của người xưa ở Java đã đạt mức tuyệt đỉnh.

Điêu khắc phong cách Prambanan với sư tử Sinha, cây sự sống, cùng hai vị thần Kinnara, Kinnari.

Tòa tháp chính thờ thần Shiva cao đến 47m. Ảnh trái Mảng điêu khắc anh hùng Rama tiêu diệt quỷ vương Ravana trích từ sử thi Ramayana.

Nét khắc rãnh trên đá tượng trưng cho các viên kim cương là lối trang trí kiến trúc cổ xưa của riêng vùng Java.

Prambanan cũng lưu lại nhiều mảng điêu khắc miêu tả cuộc sống sinh hoạt của xã hội đương thời theo thứ bậc được phân định rõ gồm vua chúa – tu sĩ – thương buôn – nô lệ. Ở các toà tháp, hình ảnh mặt Kala dữ tợn trang trí trên cổng vào là dấu ấn riêng của Prambanan. Theo huyền tích Hindu giáo, gương mặt Kala cũng là hiện thân của thần Shiva – vị thần hủy diệt để tái tạo vũ trụ. Kala thường xuất hiện trên các cửa đền với đôi mắt lồi, mũi sư tử, răng lởm chởm, không có hàm dưới, vừa thể hiện sự hung bạo, nhưng cũng mang hàm ý chở che, bảo vệ, gửi gắm ý niệm khi con người bước qua ngưỡng cửa dưới mặt Kala, đồng nghĩa là đi vào cõi bất diệt, vĩnh hằng.

Prambanan tuy không còn nguyên vẹn vẻ đồ sộ, nguy nga như thời mới tạo dựng, nhưng nét đẹp của đền còn lưu lại cũng đủ minh chứng một thuở vàng son về nghệ thuật trang trí kiến trúc Hindu giáo trên dải đất Java xưa.

Bài và ảnh NGUYỄN ĐÌNH