Những chi tiết kể trên chỉ là một phần trưng bày rất nhỏ trong tổng số 25.000 hiện vật thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam – một bảo tàng với rất nhiều bước đột phá, từ không gian trưng bày đến cách chọn đề tài, giới thiệu hiện vật bằng ngôn ngữ đa phương tiện, khách tham quan tương tác trực tiếp với hiện vật thông qua từng câu chuyện cụ thể, tạo nên sự kết nối giữa hiện vật và người xem.
Lấy ví dụ là mảng sắp đặt hình ảnh chân dung, phim tư liệu, hiện vật trưng bày, trong câu chuyện sử dụng xe máy Chaly vượt 35.600km qua 63 tỉnh thành để họa lại chân dung người mẹ Việt Nam của họa sĩ Đặng Ái Việt từ 2010 – 2012. Không gian trưng bày khiến người xem choáng ngợp với mảng chân dung bởi số lượng, và cảm phục tinh thần của người họa sĩ bởi sự “mong manh” nhỏ bé từ chiếc xe, đến chặng đường chinh phục và kết quả là những bức họa chân dung thật đặc biệt, gói trọn trong đó là tình cảm, tình yêu của người họa sĩ đến các mẹ Việt Nam anh hùng.
Xuyên suốt qua các không gian trưng bày ở bảo tàng dù ở đề tài cuộc sống, tôn giáo, dân tộc, ngành nghề, sự sáng tạo… đều gắn liền với vấn đề giới, nhân học xã hội. Các cuộc sắp đặt, trưng bày đã vượt khỏi khuôn phép, giới hạn của lối trưng bày hiện vật chết (hiện vật tủ kính), vốn rất dễ tạo nên sự buồn tẻ, nhàm chán cho bảo tàng. Không gian tưng bừng, rộn ràng, tươi vui, đầy sức sống chính là bầu không khí chung ở khắp các gian trưng bày theo chủ đề Phụ nữ trong gia đình, trong lịch sử và phụ nữ với thời trang. Những bước đột phá của Bảo tàng Phụ nữ đã tạo một luồng sinh khí mới, một lối tư duy mới trong lĩnh vực bảo tàng, đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng, trở thành bảo tàng ăn khách nhất Hà Nội hiện nay.
Thực hiện: NGUYỄN ĐÌNH