30 Tết ghé Lăng Tả quân, tưởng nhớ tiền nhân

Lăng Ông – Bà Chiểu (TP.HCM) là công trình được công nhận Di tích lịch sử quốc gia hơn 30 năm nay, được người dân thành phố suốt gần hai thế kỷ thường ghé qua mỗi dịp xuân về. Người trẻ có thể tìm một góc ảnh đẹp giữa kiến trúc cổ kính, người có lòng thì tìm đến vị Nhân thần để nguyện cầu một năm mới bình yên cũng như tưởng nhớ về thuở xưa của bậc tiền nhân miền Nam.

Cứ mỗi dịp Tết về, khi chùa chiền và đình miếu khu vực Gia Định – Sài Gòn – Hồ Chí Minh trở nên rực rỡ sắc đỏ và thơm mùi nhang khói, ta lại nghĩ đến tục lệ “uống nước nhớ nguồn” và lòng tưởng nhớ ông bà tổ tiên của người Việt Nam. Có một điểm thú vị trong truyền thống của người Việt là tưởng nhớ tổ tiên cũng từng có thời mở rộng đến những bậc tiền nhân nơi những mái đình cổ, ban thờ tiền hiền. Còn với người dân sinh ra và lớn lên ở đây, hẳn đều từng đến thắp hương lên ban thờ Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt với tên chính xác là “Thượng Công Miếu”, hay còn có cách gọi thân thương là ‘Lăng Ông’. Ngày nay, trong khuôn viên lăng vẫn còn phần mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt và vợ là bà Đỗ Thị Phận, nên người đến hương khói cũng quen gọi nơi đây là “Lăng Ông Bà Chiểu”, tức là gọi tôn kính Lăng của Đức ông và Đức bà đang ở kề chợ Bà Chiểu. 

lang ta quan le van duyet lang ong ba chieu

Ảnh: Thạch Duy Khang

lang ong ba chieu di san kien truc sai gon gia dinh

Ảnh: Thạch Duy Khang

Sức ảnh hưởng của Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt trong lòng người dân có hai lý do; đầu tiên: Lê Văn Duyệt (1763-1832) là một nhân vật lịch sử khá tiêu biểu ở vùng đất phương Nam. Cụ đã hai lần được vua triều Nguyễn cử giữ chức vụ Tổng Trấn Gia Định thành giai đoạn 1812 – 1815 và 1820 – 1832, khi thành phố này là một vùng đất quan trọng ở phía Nam. Giáo sư Trần Văn Giàu đã nhận định: “Chúng ta cần học tập ông rất nhiều trong công việc khẩn hoang, đặc biệt trong chiến lược phòng thủ và bảo vệ đất nước ở phía Nam và phía Tây.”  Kế tiếp là về những giai thoại kỳ diệu quanh khả năng bảo vệ người dân nhờ sự linh thiêng của Lăng Ông nhất là vào mỗi mùa Tết đến Xuân về, cũng như vẻ đẹp của kiến trúc kết hợp đặc thù giữa truyền thống và vật liệu hiện đại của khu kiến trúc này. Đến nay, hình ảnh của Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt vẫn còn gây lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân, khi vẫn có nhiều đề xuất chọn Lăng Ông làm một biểu tượng cho Thành Phố. Suốt 2 thế kỷ qua, nói như nhà văn Sơn Nam khi nhắc đến Lăng Ông, Sơn Nam đã chia sẻ rằng lòng tưởng nhớ đến Lê Văn Duyệt mỗi dịp 30 Tết cũng là sự mở rộng lòng tín yêu tổ tiên và tục thờ ông bà: 

Đêm giao thừa, sau khi cúng ông bà, đốt pháo, không đi hái lộc ở Lăng Ông thì đi đâu bây giờ? Trong giờ phút ấy, người bi quan nhất cũng thấy phấn khởi. Người đi ta cũng đi, trẻ con bắt chước người lớn hái lộc. Nếu lười biếng thì ta ở nhà rồi tới lui lóng nhóng, nghe pháo nổ, chia sẻ niềm hân hoan với người đang trở về khoe cái chồi non” (Đình Miễu & lễ hội dân gian Miền Nam).

ta quan le van duyet ong ba chieu

Ảnh: Thạch Duy Khang

lang ta quan le van duyet lang ong ba chieu

Ảnh: Thạch Duy Khang

Lê Văn Duyệt được xem như ‘Thần nhân’ ngay khi cụ còn sống bởi ngoài công lao về chính trị-kinh tế, cụ còn được biết đến với những câu chuyện quanh khả năng trấn áp các hiện tượng mà người thời xưa cho là do quỷ thần quấy phá. Miếu thờ Lê Văn Duyệt chính thức ra đời khi ông mất năm 1832 và được triều đình cho phép tế bái từ năm 1849 sau chiếu chỉ của vua Tự Đức, mục đích ban đầu cũng là mong linh hiển của vị công thần này có thể dừng lại những “tiếng kêu khóc tảo tạp ban đêm” theo Quốc Sử triều Nguyễn: Đại Nam liệt truyện. Và từ ấy, suốt khoảng thời gian dài lễ hội lớn nhất của đô thành đã từng được diễn ra trong mùa Tết ở Lăng Ông, thể hiện niềm tín cẩn vào vị Nhân thần này như một người bảo trợ thành phố và như một hình mẫu đạo đức lớn.

Lễ hội lớn nhất của Sài Gòn – Gia Định là đây. Người Hoa chiếm tỷ lệ gần phân nửa lượt người, theo tập tục ông bà để lại, họ nhớ ơn Tả quân đã khuyến khích thương mãi, vả lại, cư ngụ đất nào thì thờ thần đất ấy. Tháng Giêng, họ đến khấn nguyện, dịp khai trương của hiệu, xí nghiệp, thêm lệ “mùng chín vía trời, mùng mười vía đất”, cúng vái để gây phấn khởi, lạc quan. Từ Đông chí đến cuối năm âm lịch, trở lại đáp tạ, rất nghiêm túc, gọi lễ “hoàn thần”, nếu làm ăn không khá, chẳng dám oán trách thần thánh, chẳng qua vì người cầu nguyện chưa gặp vận, thiếu tài đức. Nhiều lễ vật như vàng mã, thực phẩm mang đến, bề bộn, nhằm gây cảm tình, gọi là “trà nước” cho quân hầu và đám thư lại của thần thánh” (Đình Miễu & lễ hội dân gian Miền Nam).

ta quan le van duyet ong ba chieu

Ảnh: Thạch Duy Khang

Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt không chỉ là công trình kiến trúc mang giá trị lịch sử mà còn là nơi ký thác bảo trợ tinh thần cho người dân hơn hai thế kỷ qua. Lăng Ông đã trở thành nơi gửi gắm niềm tin của thị dân trong những ngày tháng Tết đến – Xuân về, cũng như là địa điểm để thể hiện truyền thống tưởng nhớ tiền nhân rất đặc trưng của miền Nam việt Nam. Năm 2020, nhân lễ giỗ lần thứ 188 của Tả quân Lê Văn Duyệt, đoạn đường ngay trước lăng từng mang tên Đinh Tiên Hoàng đã được trả lại tên xưa là lê Văn Duyệt, như một ví dụ cho sự ảnh hưởng sâu sắc của vị Nhân thần Lê Văn Duyệt lẫn khu lăng đặc biệt này trong dòng lịch sử Việt Nam.

lang ta quan le van duyet lang ong ba chieu

Ảnh: Thạch Duy Khang

Thực hiện: Vương An Nguyên từ Tản Mạn Kiến Trúc


Xem thêm: 

Dấu ấn kiến trúc và văn hóa trong những ngôi chùa Việt Nam

Ngũ Phụng Lâu uy nghi trên bản đồ Á Đông

Hành trình đất nung và dấu ấn bản địa