Cheng-Tsung Feng và những tác phẩm đan cài thủ công

Nằm giữa ranh giới của kiến trúc, nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ, Cheng-Tsung Feng – một nghệ sĩ/NTK Đài Loan là người tạo nên những tác phẩm “điêu khắc” từ mây tre đan với đủ các quy mô từ lớn đến nhỏ, từ hoành tráng đến thân mật. Bước chân vào tác phẩm của Cheng-Tsung Feng không chỉ để chiêm ngưỡng mà còn để trả lời câu hỏi rằng: chúng là gì?

Được thực thủ công dựa trên kỹ nghệ đan mây qua hàng thế kỷ, các tác phẩm của Feng đều mang theo vẻ nhẹ nhàng đầy tôn kính với ngành nghề thủ công truyền thống đồng thời hình dung ra một tương lai mới cho chúng. Trên thực tế, Feng cũng thiết kế các đồ vật gia dụng bằng mây tre theo mô hình sản xuất công nghiệp, sản xuất hàng loạt hay gia công riêng. Điều này đã tạo nên một hình thức cho các ngành nghệ thủ công, kích thích sự tích lũy cũng như nhiều thành tựu trí tuệ của ngành nghề lâu đời.

Với hàng trăm loài tre mọc khắp Đông Á, tập quán đan tre đã có những ấn định khá sâu sắc trong lịch sử và văn hóa khu vực. Các thợ thủ công Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đã chế tác nhiều vật dụng gia dụng như giỏ, mũ, bàn ghế,..v..v.. qua nhiều thiên niên kỷ với đa dạng các kỹ thuật tùy thuộc vào đặc điểm của tre bản địa cũng như văn hóa địa phương.

thủ công 8

Tác phẩm Fish Trap House tại hồ Nhật Nguyệt. Ảnh: Chong Sheng Hsu.

Để minh chứng cho sự đa dạng khu vực và văn hóa trong kỹ nghệ dệt mây tre chính là chiếc nơm dùng để bắt cá. Được làm từ mây tre, đây là công cụ bắt cá cổ xưa được nhiều dân tộc sử dụng với đa dạng về hình dáng, kích cỡ phản ánh sở thích thẩm mỹ, loại mồi bẫy hay đơn giản là chịu sự ảnh hưởng của vật liệu địa phương. Tuy vậy giữa các nền văn hóa lại có cùng quy trình sản xuất, điều này không chỉ truyền cảm hứng cho Feng mà còn khẳng định thiết kế luôn mang một ngôn ngữ chung trên mọi vùng đất.

thủ công 7

Ảnh: Chong Sheng Hsu.

Trong tay Feng, những chiếc nơm cá truyền thống đã được phóng đại thành không gian lớn để thu hút sự chú ý của mọi người. Được gia công trên bờ hồ Nhật Nguyệt (Sun Moon), một danh thắng ở trung tâm Đài Loan và cũng là nơi sinh sống của dân tộc Thao bản địa. Chính những cao niên trong tộc đã truyền đạt cho Feng cách làm một nơm cá truyền thống. Với chiều cao hơn 3 mét và rộng 5 mét, công trình Fish Trap House là nơi con người có thể ngồi lại bên trong, lặng nhìn mặt hồ qua khung cửa tròn và tận hưởng từng luồng thiên nhiên chảy quanh người.

thủ công 6

Ảnh: Chong Sheng Hsu.

thủ công 5

Ảnh: Chong Sheng Hsu.

thủ công 4

Ảnh: Chong Sheng Hsu.

Trái ngược với cảnh quan thiên nhiên của hồ Nhật Nguyệt, Fish Trap House II là lại một thiết kế hoàn toàn khác khi bối cảnh của tác phẩm này được đặt bên trong trung tâm văn hóa nghệ thuật Shenzhen’s Sea World Culture and Arts Centre tại Trung Quốc. Được ủy quyền bởi hiệp hội thiết kế Design Society vào tháng 10/2018, Feng đã thiết kế một tác phẩm mang tinh thần hướng nội nhiều hơn để đáp ứng được bối cảnh bảo tàng do KTS người Nhật Maki Fumihiko thực hiện. Nằm giữa một phòng trưng bày cao cấp, quan khách không chỉ đi xuyên qua lòng tác phẩm thủ công tinh xảo mà còn có thể ngắm nhìn từng luồng di chuyển bên trong bảo tàng từ các lối đi. Ngoài ra sự kết hợp ngẫu hứng của nghệ sĩ Đài Loan, KTS Nhật Bản tại Trung Quốc đã gói gọn cách hoàn hảo ý nghĩa giao thoa văn hóa của ngành nghề đan dệt mây tre.

thủ công 3

Tác phẩm Fish Trap House II tại Shenzhen’s Sea World Culture and Arts Centre. Ảnh: Neil Shiang.

Với tác phẩm “Beside”, một thiết kế cho công viên văn hóa âm nhạc Teng Yu-Hsien Music Culture Park of Qionglin Township tại miền bắc Đài Loan, Feng đã tạo nên một không gian thư giãn dưới sự giúp đỡ của hơn 60 dân cư địa phương có hiểu biết về kỹ thuật đan dệt mây tre cơ bản – một hành động kết hợp giữa thông điệp bảo tồn văn hóa thủ công truyền thống với sự kết nối cộng đồng.

thủ công 2

Tác phẩm Beside tại Teng Yu-Hsien Music Culture Park of Qionglin Township. Ảnh: Ci-Xia Lin.

Một tác phẩm thủ công vô cùng hoành tráng khác của Feng mang tên The Trap, một khối tác phẩm rộng 20 mét, cao 9 mét được dựng xung quanh cổng vào bảo tàng Teipei Museum of Contemporary Arts ở thủ đô Đài Loan như một phần của triển lãm “The Charismatic Rebirth of Yore”. Tương tự như các thiết kế nơm cá truyền thống, Feng đã rút ra nhiều bài học từ các di sản thủ công quốc gia để phát triển thiết kế hài hòa cho khối công trình 100 tuổi mang phong cách tân cổ điển. Nhẹ nhàng bao bọc các cổng đá bằng hệ lưới đan mềm, nhẹ, uốn lượn, cụm tác phẩm thủ công đã tăng thêm phần quyến rũ đầy tự nhiên và đậm tính nghệ thuật dân gian, kết hợp thú vị hai nền văn hóa Đông – Tây, truyền thống – hiện đại, cũ – mới. Chính những tác phẩm như thế đã góp phần không nhỏ trong việc thắp lại nguồn sống cho giá trị truyền thống đáng được lưu giữ trường tồn.

thủ công 1

Tác phẩm The Trap tại bảo tàng Teipei Museum of Contemporary Arts. Ảnh: Sheng Da Tsa.

Thực hiện: Đức Nguyên | Theo: Yatzer.


Xem thêm:

Amber Cowan – “Người làm vườn” bằng thủy tinh

Festive Pavilion – Ấn tượng khu vườn lưới sắt lập thể