Laurent House: Khi công năng xuất phát từ sự thấu cảm

Ra đời trong bối cảnh nước Mỹ hậu chiến, Laurent House là một trong số ít công trình mà Frank Lloyd Wright thiết kế riêng cho người khuyết tật. Không chỉ tiêu biểu cho kiểu nhà Usonian, ngôi nhà còn là minh chứng cho tinh thần nhân văn trong triết lý thiết kế của ông.

Ẩn mình trong một khu phố yên tĩnh ở Rockford, bang Illinois, nơi có địa hình thoai thoải và góc nhìn ra dòng suối Spring Creek, Laurent House gây ấn tượng không phải bằng sự phô trương trong đường nét mà bởi vẻ đẹp khiêm nhường, hòa quyện với thiên nhiên xung quanh. Đây là ngôi nhà một tầng do kiến trúc sư huyền thoại Frank Lloyd Wright thiết kế riêng cho Kenneth Laurent – một cựu chiến binh Thế chiến II bị liệt nửa người phải sử dụng xe lăn.

laurent house nha usonian kien truc su frank lloyd wright

Ảnh: GoRockford

Hiểu rõ những giới hạn thể chất của gia chủ, Frank Lloyd Wright đã dành sự quan tâm đặc biệt để kiến tạo một không gian sống không rào cản với khả năng tiếp cận linh hoạt. Ông vận dụng những nguyên tắc cốt lõi của kiểu nhà Usonian – mô hình nhà ở do chính ông phát triển vào những năm 1930 cho tầng lớp trung lưu Mỹ, mang tinh thần tối giản, tiết kiệm nhưng vẫn thẩm mỹ, đề cao công năng, vật liệu bản địa và mối liên kết hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Trong Laurent House, những nguyên lý này được điều chỉnh tinh tế để phù hợp với thể trạng và sinh hoạt thường nhật của chủ nhân ngôi nhà. Ngoài ra ngôi nhà còn gây gấn ấn tượng bởi sự nhân vân ẩn sâu trong đó, từ niềm cảm thông và sự tôn trọng đối với một cơ thể không hoàn hảo, kiến trúc sư đã thiết kế một căn nhà phá vỡ khuôn mẫu của chính mình và vượt lên trước thời đại. 

Khởi nguồn của một dự án nhân văn

Năm 1948, sau khi tình cờ đọc một bài viết về công trình của kiến trúc sư huyền thoại người Mỹ Frank Lloyd Wright – người nổi tiếng với phong cách hiện đại, đề cao công năng và sự hài hòa với cuộc sống, bà Phyllis Laurent đã chia sẻ với chồng mình, ông Kenneth Laurent – một cựu chiến binh Thế chiến II bị liệt nửa người sau ca phẫu thuật cột sống. Họ quyết định viết thư cho kiến trúc sư với mong muốn có được một ngôi nhà phù hợp với tình trạng thể chất của Kenneth. Trong thư, ông bày tỏ: “Tôi bị liệt từ thắt lưng trở xuống và phải ngồi xe lăn. Vì vậy tôi cần một ngôi nhà có công năng thiết thực và hợp lý, giống như phong cách kiến trúc của ông.”

kenneth laurent house nha usonian kien truc su

Hình ảnh gia đình Laurent.

Đáp lại lời đề nghị đầy thách thức ấy, Frank Lloyd Wright không chỉ nhận lời, mà còn dành sự đầu tư đặc biệt cho dự án. Ông đã chấp nhận thử thách, thiết kế ngôi nhà duy nhất trong sự nghiệp của mình dành riêng cho một người khuyết tật, trước khi Đạo luật Người khuyết tật Hoa Kỳ (ADA) ra đời và khái niệm “thiết kế tiếp cận” trở thành chuẩn mực phổ biến.

Mặt bằng bố trí: hình dáng phục vụ chức năng 

Ngôi nhà rộng khoảng 240m², nằm trên khu đất rộng 0,53 ha, được bố trí theo bố cục bán chu kỳ (semi-circular), một kiểu thiết kế lần đầu tiên kiến trúc sư áp dụng cho một công trình một tầng. Mặt bằng cong mềm mại mở ra phía tây bắc, nổi bật là bức tường kính cong dài 15m, hướng ra dòng suối Spring Creek hiền hòa, giúp đón ánh sáng trọn vẹn. 

laurent house nha usonian kien truc su frank lloyd wright

Một góc ngôi nhà với mặt kính mở rộng ra khung cảnh thiên nhiên bên ngoài. Ảnh: GoRockford

laurent house nha usonian kien truc su frank lloyd wright

Ảnh: GoRockford

Trong Laurent House, Frank Lloyd Wright thể hiện rõ tư tưởng “hình dáng phục vụ chức năng”, được khởi xướng bởi kiến trúc sư Louis Sullivan, thầy của ông. Ở đây, hình khối không nhằm tạo ấn tượng thị giác mà sinh ra từ nhu cầu thực tế. Toàn bộ không gian ngôi nhà được tổ chức xoay quanh một trục cong trung tâm, nơi các phòng chức năng như phòng khách, bếp, phòng ngủ và phòng tắm được sắp xếp theo hình cánh cung. Mặt bằng mở, hạn chế vách ngăn giúp tạo nên dòng chảy không gian liền mạch, cho phép người sử dụng xe lăn di chuyển thuận tiện mà không cần quay đầu, không góc nghẽn. 

laurent house nha usonian so do mat bang floor plan

Mặt bằng bố trí không gian và lối giao thông của Laurent House. Ảnh: Juanfgonzalezc

laurent house nha usonian kien truc su noi that phong ngu

Ảnh: GoRockford

Công năng và luồng giao thông trong nhà được điều chỉnh để phù hợp với thể trạng của gia chủ. Hành lang và cửa ra vào đủ rộng cho xe lăn di chuyển dễ dàng. Các khu vực lưu trữ được thiết kế âm tường và đặt ở độ cao hợp lý, toàn bộ ngưỡng cửa đều phẳng, không có bậc hay gờ chắn. Phòng tắm được mở rộng đáng kể so với các thiết kế tiền lệ của kiến trúc sư, đồng thời được trang bị vòi sen đứng để gia chủ có thể tiếp cận và sử dụng thuận tiện. 

laurent house nha usonian kien truc su frank lloyd wright hanh lang

Ảnh: GoRockford

laurent house nha usonian kien truc su phong khach noi that

Ảnh: GoRockford

Không chỉ giải quyết nhu cầu di chuyển, Frank Lloyd Wright còn thể hiện sự thấu hiểu tác động của không gian sống đối với tinh thần. Ông tránh những đồ vật mang tính y tế hay kỹ thuật có thể tạo cảm giác tách biệt. Không có tay vịn lộ rõ, không có kỹ thuật nhân trắc học bằng máy móc. Thay vào đó là một mặt bằng mở, phẳng và liền mạch, nơi việc di chuyển diễn ra một cách trơn tru và tự nhiên. Chính sự tinh tế này đã tạo nên một không gian hỗ trợ tinh thần theo cách kín đáo và đầy thấu cảm. 

laurent house nha usonian kien truc su frank lloyd wright xe lan

Ảnh: GoRockford

laurent house nha usonian kien truc su frank lloyd wright noi that phong khach

Ảnh: GoRockford

Vật liệu mộc mạc có chủ đích

Ngôi nhà Laurent là một ví dụ cho cách Frank Lloyd Wright ứng dụng kiểu nhà ở Usonian vào một công trình mang tính cá nhân. Công trình được xây dựng chủ yếu bằng gỗ bách đỏ Tidewater và gạch Chicago thông dụng, đều là những vật liệu ở địa phương, dễ bảo trì và sữa chửa khi có hư hỏng. Để giảm thiểu chi phí xây dựng, kiến trúc sưu đã thay đá vôi theo như dự kiến ban đầu thành bê tông được trộn bột màu đỏ để phù hợp với ngân sách của gia chủ. 

laurent house nha usonian noi that phong khach thu vien

Ảnh: GoRockford

Vai trò của màu sắc và vật liệu tuy âm thầm nhưng có chủ đích trong việc tạo dựng một không gian chữa lành. Những gam đỏ nâu từ sàn gạch bê tông và gạch nung mang đến cảm giác ổn định và bền vững, kết hợp cùng chất liệu gỗ bách đỏ gợi lên sự gần gũi, tự nhiên và ấm cúng. Không có bất kỳ mảng màu lạnh hay sự tương phản gây gắt nào, mọi thứ đều dịu nhẹ, mời gọi. Các khe cửa sổ thẳng đứng đưa ánh sáng tự nhiên rải đều khắp không gian, giúp người sử dụng không bị đóng khung bởi bốn bức tường, mà luôn cảm nhận được thiên nhiên hiện diện.Wright không dùng ánh sáng hay màu sắc để phô diễn thị giác, mà để xoa dịu và kết nối. Những yếu tố đó âm thầm biến ngôi nhà thành nơi nâng đỡ nội tâm, để người sử dụng quên đi những ràng buộc bị giới hạn bởi thể chất. 

Di sản và sự thấu cảm

Sau khi hoàn thành ngôi nhà vào năm 1952, gia đình Laurent vẫn duy trì liên lạc thường xuyên và được Frank Lloyd Wright nhiều lần đến thăm hỏi. Đến năm 1958, họ vẫn tiếp tục tìm đến ông để mở rộng ngôi nhà và được ông nhận lời dù tuổi đã cao. Dù kiến trúc sư qua đời trước khi công trình được hoàn tất, phần mở rộng sau đó vẫn được thực hiện bởi một trong những học trò cũ của ông, giữ trọn tinh thần thiết kế ban đầu.

Cặp đôi Kenneth và Phyllis Laurent sống trong ngôi nhà ấy cho đến cuối đời. Chính Kenneth Laurent đã từng nói về ngôi nhà của mình với niềm xúc động: “Suốt 60 năm, mỗi sáng, tôi đều bước ra khỏi phòng ngủ, dừng lại ở cửa ra vào, ngồi trên xe lăn và nhìn ra bức tường có cửa sổ. Tôi đắm chìm trong vẻ đẹp mà Wright thiết kế, nhìn thấy cả không gian trong nhà lẫn ngoài trời, như thể không có rào cản nào. Khung cảnh ấy cho phép tôi quên đi những khuyết tật của mình và tập trung vào năng lực của bản thân.” Trong vẻ yên bình của ngôi nhà nhỏ ở Rockford ấy, Frank Lloyd Wright đã tạo ra không chỉ một không gian mà còn tiếp thêm giá trị sống cho con người. 

laurent house nha usonian kien truc su frank lloyd wright

Ảnh: GoRockford

 Ngày nay, Laurent House được gìn giữ như một di sản kiến trúc mang tính biểu tượng, kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa thiết kế hiện đại và triết lý nhân văn vượt thời gian của Frank Lloyd Wright. Sau khi Kenneth Laurent qua đời vào năm 2012, ngôi nhà đã được một tổ chức phi lợi nhuận mua lại, tiến hành trùng tu cẩn trọng và chính thức mở cửa đón khách tham quan từ năm 2014. Hiện tại, công trình do Quỹ Laurent House quản lý và được đánh giá là một trong những ngôi nhà của Wright được bảo tồn tốt nhất còn tồn tại.

Thực hiện: Lê Vi | Theo: Wallpaper*


Xem thêm

Kiến trúc sư Frank Lloyd Wright và những công trình mang tính lịch sử

Frank Lloyd Wright: thiên tài hay kẻ mộng mơ

Phong vị châu Á trong kiến trúc Hiện Đại | The First Bricks