La Fábrica: Chất thơ ẩn trong tàn tích

Giữa bối cảnh kiến trúc công nghiệp điêu tàn, kiến trúc sư Ricardo Bofill đã tìm thấy vẻ đẹp tiềm ẩn của La Fábrica và tái sinh nó trở thành một thể nghiệm kiến trúc chưa từng có tiền lệ.

Trong kiến trúc, không có công trình nào là vô phương cứu chữa. Đó là triết lý định hình nên dự án cải tạo nhà máy xi măng bỏ hoang ở ngoại ô Barcelona của văn phòng Taller de Arquitectura, được khởi công năm 1973. Trước khi trở thành một không gian sáng tạo mang tính tiên phong và là nơi ở của gia đình kiến trúc sư Ricardo Bofill, La Fábrica từng là phế tích lỗi thời của nền công nghiệp vùng Catalonia. Là một người sống với sứ mệnh hồi sinh và tái định giá những công trình bị bỏ hoang tưởng chừng vô giá trị, Ricardo Bofill từng khẳng định rằng ông muốn sống tại tòa nhà này vì nó đem lại cho ông niềm hạnh phúc của sự thách thức.  

la fabrica kien truc ricardo bofill brutalism

Ảnh: Salva López

la fabrica ricardo bofill kien truc brutalism

Ảnh: Salva López

Ricardo Bofill lần đầu tiên phát hiện nhà máy rộng 31.000m2 này khi lái xe quanh vùng ngoại ô Catalan. Kiến trúc sư hồi tưởng: “Tôi thích đi dạo qua các bãi phế thải công nghiệp và vùng đất không người này, nơi thành phố bị xé nát, những ống khói gạch cũ phơi bày cuộc tranh đấu hỗn loạn giữa các cánh đồng và các khối bê tông.” Trên hành trình đó, ông tìm kiếm một bất động sản cho phép ông xây dựng một văn phòng và một ngôi nhà rộng rãi cho bản thân và gia đình. Đó là một đề xuất tương đối cấp tiến vào thời điểm đó, khi tại thành phố Barcelona ​​nơi ông đang sống chưa từng có một công trình đa nhiệm nào như vậy. Trước bối cảnh u ám với làn khói xám từ những nhà máy xi măng lâu đời, Ricardo lựa chọn công trình có ống khói cao lớn nhất. Sau khi tìm đường đến đó và biết tin chủ nhân của nhà máy sẽ dọn đi sau một tháng nữa, ông đã quyết định mua lại bất động sản này và toàn bộ khu đất xung quanh để hiện thực hóa ước mơ kiến trúc của mình. 

la fabrica kien truc brutalism tay ban nha

Ảnh: Salva López

kien truc la fabrica brutalism tho moc mai vom

Ảnh: Salva López

Mặc dù ở thời điểm Ricardo Bofill tìm đến nhà máy, bên trong vẫn còn công nhân làm việc và khói vẫn bốc lên nghi ngút từ ống khói. Không bị bỏ hoang nhưng tình trạng cũ kĩ khiến nó giống như một tàn tích đầy sức hấp dẫn với kiến trúc sư. Với ông, cuộc sống là một đống đổ nát và một dự án dở dang luôn làm ông say mê. Ông nói: “Tác phẩm nghệ thuật không tồn tại; nó giống như một cuộc đua chó mà bạn phải chạy về phía một thứ gì đó nhưng không bao giờ chạm tới được. Mọi tác phẩm đều có vấn đề.”

kien truc su ricardo bofil la fabrica noi that da cam thach phong khach

Ảnh: Salva López


 

Nhà máy này cũng hiện thân cho sự giao thoa giữa nhiều thế giới kiến trúc. Nó được xây dựng trong thời kỳ hoàng kim đầu tiên của quá trình công nghiệp hóa vào đầu những năm 1920, rồi dần mở rộng với những cấu trúc mới mỗi khi nhu cầu sản xuất đòi hỏi. Bản thiết kế bành trướng đầy ngẫu hứng phản ánh quá trình công nghiệp hóa theo từng giai đoạn của Catalonia – mỗi lần mở rộng là một tuyên ngôn về sự thịnh vượng được đúc kết thành hình khối. Có thể nói, tòa nhà mang đặc điểm của kiến trúc bản địa – nơi những ngôi nhà phát triển hữu cơ theo nhu cầu hay quy mô gia đình, nhưng được thể hiện trong lĩnh vực công nghiệp.

la fabrica kien truc su ricardo bofill van phong studio kien truc brutalism

Ảnh: Salva López

Việc đóng góp vào dòng chảy kiến trúc này khiến Ricardo Bofill hứng thú, phù hợp với quan điểm về đô thị độc đáo của ông. Nó đáp ứng khát vọng bảo tồn và bồi đắp môi trường xây dựng, giống như cách các thành phố hình thành trong suốt chiều dài lịch sử, thay vì phá bỏ hiện trạng theo tư duy đương đại. Giống những tàn tích khiến ông say mê, đây là một viễn kiến đầy chất lãng mạn. Kiến trúc sư từng nói: “Ở thời Phục hưng và Baroque, người ta thường thêm thắt nhiều chi tiết vào công trình hiện có mà không phá đi. Tôi muốn lặp lại trải nghiệm ấy, nhưng không phải với tòa nhà bình thường mà là một nhà máy xi măng phức tạp nhất”.

noi that phong khach la fabrica kien truc su ricardo bofill

Ảnh: Salva López

La Fábrica là tổng hòa của những mảnh ghép kiến trúc dị biệt, mang trong mình vô số phong cách khác nhau. Sức hút của nó với kiến trúc sư Ricardo Bofill đến từ những mâu thuẫn và sự mơ hồ của không gian, khiến ông quyết định làm dịu đi vẻ thô ráp vốn có. Những tương phản ấy sau này đã trở thành yếu tố quan trọng trong viễn kiến phát triển công trình theo thời gian. Từ bỏ chủ nghĩa công năng, La Fábrica hé lộ sự tồn tại vượt lên trên kiến trúc thông thường, đồng thời kế thừa và bảo tồn sự sáng tạo đã định hình nên phong cách hiện đại của các nước phương Tây. 

kien truc la fabrica brutalism mai vom

Ảnh: Salva López

Thực hiện: Hoàng Lê | Theo: House & Garden


Xem thêm

Dinh thự Dawnridge: Di sản nghệ thuật bất hủ của huyền thoại thiết kế Tony Duquette

Casa Batlló – Kiệt tác kiến trúc theo trường phái hiện đại Catalan

100 năm Art Deco: Di sản kiến trúc và cảm hứng thiết kế đương đại tại Việt Nam