Cung Văn hóa Thiếu nhi ở Việt Nam: Kiến trúc ươm mầm tài năng tương lai

Với sự phát triển của kiến trúc công cộng hiện đại, các cung văn hóa thiếu nhi đang trở thành những điểm nhấn kiến trúc đáng chú ý tại các thành phố lớn của Việt Nam. Từ thiết kế đương đại đến việc ứng dụng sáng tạo các vật liệu, những công trình này không chỉ phục vụ nhu cầu giáo dục mà còn góp phần định hình diện mạo kiến trúc công cộng của đất nước.

Trong bối cảnh kiến trúc đương đại Việt Nam ngày càng phát triển, các công trình văn hóa dành cho thiếu nhi đang trở thành những điểm nhấn kiến trúc đáng chú ý. Không đơn thuần là không gian học tập và vui chơi, những cung văn hóa thiếu nhi này còn thể hiện tầm nhìn kiến trúc tiến bộ, nơi nghệ thuật thiết kế hòa quyện cùng chức năng giáo dục.

Từ những đường nét hiện đại, táo bạo đến việc ứng dụng vật liệu bản địa một cách sáng tạo, các công trình này không chỉ phục vụ nhu cầu phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ em mà còn góp phần định hình diện mạo kiến trúc công cộng của đất nước. Mỗi công trình mang trong mình câu chuyện riêng về cách tiếp cận thiết kế, về sự thấu hiểu tâm lý trẻ em, và về khát vọng tạo nên những không gian sống động, truyền cảm hứng.

Những công trình này phản ánh xu hướng thiết kế mới trong kiến trúc công cộng Việt Nam, nơi yếu tố thẩm mỹ và chức năng được cân nhắc cẩn trọng để phục vụ nhu cầu giáo dục và phát triển của thế hệ trẻ.

1. Nhà Thiếu nhi TP.HCM

Thành lập từ năm 1975 với tên gọi đầu tiên là Câu lạc bộ Thiếu nhi, Nhà Thiếu nhi TP.HCM đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và chuyển mình để trở thành một trung tâm văn hóa, giáo dục hàng đầu dành cho trẻ em thành phố. Nằm tại địa chỉ 169 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, nơi từng là Dinh Phó Tổng thống Sài Gòn, công trình này là biểu tượng cho sự phát triển của thế hệ tương lai.

Không chỉ là một trung tâm hoạt động sôi nổi, Nhà Thiếu nhi TP.HCM còn gây ấn tượng mạnh mẽ với kiến trúc độc đáo và ý nghĩa. Công trình do kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu thuộc Hội Kiến trúc sư TP.HCM thiết kế, được lấy cảm hứng từ những hình tượng gần gũi và đầy mơ ước của tuổi thơ: một hạt mầm đang nảy nở, một tổ chim ấm áp và những cánh diều bay cao trong gió.

cung van hoa thieu nhi viet nam tphcm

Bên trong công trình, với tổng diện tích sàn 13.495m², bao gồm một nhà hát biểu diễn nghệ thuật quy mô 500 chỗ, 14 phòng chức năng, 23 lớp học năng khiếu (nghệ thuật, ca múa nhạc, thể dục thể thao, khoa học, nghiên cứu thiên văn), một phòng chiếu phim 3D 150 chỗ cùng nhiều không gian vui chơi giải trí và vườn thực vật. Ảnh: Báo Dân trí

Ý tưởng thiết kế giàu chất thơ này đã được khai triển thành một công trình có hình thức kiến trúc nhẹ nhàng, mềm mại, sinh động và gần gũi, hoàn toàn phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Công trình được thiết kế hòa quyện với cây xanh, tạo ra một tổng thể hài hòa và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, việc sử dụng các nan che nắng không chỉ giúp điều tiết ánh sáng và nhiệt độ mà còn tạo nên hình khối nghệ thuật độc đáo, thể hiện rõ ý tưởng của đồ án, kết hợp bài hòa với các vườn cây xanh trên các tầng cao, mang đến một diện mạo bắt mắt.

trung tam cho tre viet nam tphcm

Ý tưởng thiết kế kiến trúc tạo cảm giác nhẹ nhàng, mềm mại, sinh động và gần gũi, hoàn toàn phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Ảnh: Báo Dân trí

Nhà Thiếu nhi TP.HCM còn nổi bật với giải pháp thông gió tự nhiên, mang lại sự thoáng mát tối đa cho người sử dụng, góp phần vào tiêu chí kiến trúc xanh mà công trình hướng tới. Sự xuất sắc trong thiết kế và tính ứng dụng đã giúp công trình đạt Giải Bạc – Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2018 ở hạng mục Công trình Văn hóa/Thể thao, nhận được đánh giá cao từ Hội đồng Giám khảo: “Đây là công trình dành cho đối tượng thiếu nhi có ý tưởng tạo hình gây ấn tượng và cảm xúc hấp dẫn.”

cung van hoa thieu nhi viet nam tphcm

Nhà Thiếu nhi TP.HCM thực sự là một “tổ ấm” nuôi dưỡng và phát triển toàn diện cho các em thiếu nhi. Ảnh: Báo Dân trí

2. Cung Thiếu nhi Hà Nội

Thủ đô Hà Nội không chỉ tự hào với những di sản cổ kính mà còn ghi dấu ấn với những công trình kiến trúc hiện đại, đặc biệt là dành cho thế hệ mầm non tương lai. Từ những năm tháng khó khăn của thời bao cấp, công trình đầu tiên tại số 36 Lý Thái Tổ (khởi công từ 1976), dưới bàn tay của kiến trúc sư Lê Văn Lân, đã tạo nên một bất ngờ  trong giới kiến trúc miền Bắc.

Trong bối cảnh kiến trúc Hiện đại chưa thực sự định hình, khi hầu hết các công trình nghiêm chỉnh vẫn tuân theo lối thiết kế truyền thống với tường bao quanh từ mặt đất, cửa sổ vuông vắn, mặt bằng tầng đồng nhất và mái kín đáo, Cung Thiếu nhi lại xuất hiện với một ngôn ngữ tạo hình hoàn toàn mới lạ. Thay vì sự khô cứng, nó mang đến cảm giác hiện đại, phóng khoáng, và đầy tính biểu tượng. Đây là một sự khác biệt đáng kinh ngạc sau Đại học Bách Khoa.

trung tam cho tre viet nam ha noi

Cung Thiếu nhi Hà Nội mang đến cảm giác hiện đại, phóng khoáng, và đầy tính biểu tượng. Đây là hình ảnh Công trình Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội trước đây. Ảnh: Sưu tầm

Điều đặc biệt là, công trình này đã nhận được sự đánh giá cao từ Tổ chức Nghiên cứu và Bảo vệ Kiến trúc Hiện đại Quốc tế (DOCOMOMO) cùng phân nhánh Châu Á vào năm 2017, khẳng định giá trị kiến trúc vượt thời gian của nó. kiến trúc sư Lê Văn Lân cũng tiết lộ rằng, mặc dù nhiều người lầm tưởng có sự giúp đỡ từ nước ngoài, toàn bộ công trình do chính các kiến trúc sư và kỹ sư của Viện Thiết kế công trình Hà Nội thực hiện. Cung Thiếu nhi còn được bổ sung hiện đại hóa nhờ một số trang thiết bị là quà tặng từ Đoàn Thanh niên Cộng sản Tiệp Khắc.

cung van hoa thieu nhi viet nam ha noi

Gần 40 năm qua, Cung Thiếu nhi Hà Nội đã trở thành ký ức thân thương và gắn bó sâu sắc với nhiều thế hệ người dân thủ đô. Ảnh: HARPI

Tiếp nối di sản và tầm nhìn cho tương lai, Hà Nội đang hoàn thiện một Cung Thiếu nhi mới tại khu đô thị Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm. Khởi công từ tháng 11/2021 trên khu đất gần 40.000m², đây là một trong những công trình trọng điểm của thành phố và chính thức khánh thành vào ngày 21/09/2024.

Kiến trúc của Cung Thiếu nhi mới mang hơi thở đương đại, được thiết kế với sự gần gũi với thiên nhiên, nổi bật bởi những đường cong mềm mại và màu sắc rực rỡ, tạo cảm giác thân thiện, tươi vui cho trẻ em. Công trình bao gồm hai khu chính: Khu A tập trung vào nghệ thuật và giải trí, với nhà hát đa năng 800 chỗ ngồi được trang bị hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại, và rạp chiếu phim công nghệ 3D – 4D sức chứa 100 chỗ. Trong khi đó, Khu B chuyên về thể thao và học tập, sở hữu nhà thi đấu rộng rãi 500 chỗ, bể bơi 10 làn tiêu chuẩn mang tên Yết Kiêu, cùng hệ thống phòng học chức năng, thư viện và văn phòng hiện đại.

trung tam cho tre viet nam ha noi

Điểm nhấn kiến trúc nổi bật của Cung Thiếu nhi mới chính là Tháp Thiên văn 18 tầng với chiều cao 68m, được thiết kế như một ngọn đuốc lớn ngay lối vào từ đường Phạm Hùng. Từ đây, các em nhỏ không chỉ có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố mà còn được khám phá vũ trụ qua những kiến thức thiên văn học. Ảnh: VTV.vn

Toàn bộ khuôn viên công trình được chú trọng đến không gian xanh mát, với nhiều cây xanh, tượng theo chủ đề, đèn chiếu sáng và sân chơi ngoài trời được phủ cao su mềm để đảm bảo an toàn cho trẻ. Thiết kế này không chỉ tạo môi trường trong lành, khuyến khích vận động mà còn tích hợp thiết bị tự động thông minh, mang lại sự thoải mái và tiện lợi tối đa cho mọi hoạt động học tập và giải trí. 

Hai công trình, hai thời đại, nhưng cùng chung một sứ mệnh cao cả: kiến tạo môi trường tốt nhất để mỗi em nhỏ thủ đô được vui chơi, học tập, phát triển tài năng và chắp cánh những ước mơ bay cao, xa hơn. Cung Thiếu nhi Hà Nội, dù cũ hay mới, vẫn luôn là “di sản” quý giá, là niềm tự hào của người dân Thủ đô và là tương lai rạng rỡ của đất nước.

3. Cung Văn hóa Thiếu nhi Đà Nẵng

Thành phố biển Đà Nẵng tự hào sở hữu một Cung Văn hóa Thiếu nhi độc đáo, được hoàn thành vào năm 2016, trở thành điểm đến lý tưởng ươm mầm tài năng và khơi nguồn sáng tạo cho thế hệ trẻ. Điều làm nên sự khác biệt và hấp dẫn của công trình này chính là ý tưởng thiết kế đầy mê hoặc, lấy cảm hứng từ trò chơi xếp hình cổ điển với bảy mảnh ghép phẳng. Mỗi mặt đứng, mỗi góc nhìn đều là một sự khám phá mới lạ, khơi gợi trí tò mò và trí tưởng tượng phong phú của trẻ thơ, đồng thời nâng cao hiệu quả thẩm mỹ tổng thể. Đây chính là điểm nhấn độc đáo, tạo nên một bản sắc riêng biệt, không thể nhầm lẫn so với các công trình tương đồng khác.

cung van hoa thieu nhi viet nam da nang

Với diện tích 33.335m², Cung Văn hóa Thiếu nhi Đà Nẵng là một công trình đa chức năng, tiện nghi và thân thiện môi trường. Ảnh: KimLien

Các phòng chức năng được bố trí khoa học, linh hoạt, đảm bảo dây chuyền khép kín và dễ dàng tiếp cận. Từ khu vui chơi giải trí, sân chơi thể chất, sân chơi cổ tích, phòng đa chức năng, phòng thể dục thể thao, đến thư viện, phòng học ngoại ngữ, tin học, hội trường và các khu triển lãm khoa học – lịch sử, tất cả đều được thiết kế nhằm phục vụ tối đa nhu cầu học tập, vui chơi và phát triển toàn diện của thiếu nhi. 

Đặc biệt, trong bối cảnh khí hậu đặc thù của miền Trung, công trình đã sử dụng những vật liệu thông minh, bền vững như mảng đặc aluminium kết hợp kính màu, cùng các vật liệu có hàm lượng carbon thấp như kính, đá, bê tông…, không chỉ mang lại tuổi thọ cao và tính thẩm mỹ mà còn thể hiện sự thân thiện với môi trường. 

trung tam cho tre viet nam da nang

Toàn bộ khuôn viên bên ngoài cũng được lồng ghép cảnh quan xanh mát, tạo ra những không gian mở sinh động cho các hoạt động ngoài trời. Ảnh: Kiến Việt

4. Cung Văn hóa Thiếu nhi Khánh Hòa

Hiện diện nổi bật tại khu trung tâm thành phố Nha Trang, ngay ngã sáu sầm uất và đối diện Nhà thờ Đá cổ kính, Cung Văn hóa Thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa không chỉ là một công trình kiến trúc đơn thuần mà còn là một biểu tượng văn hóa mới, đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/6 vừa qua. 

Điểm nhấn kiến trúc độc đáo và đầy ý nghĩa của Cung Thiếu nhi Khánh Hòa chính là cảm hứng từ chiếc khăn quàng đỏ – biểu tượng thân thuộc của tuổi thơ. Từ ý tưởng này, các kiến trúc sư đã tạo nên một tổng thể gồm bốn khối nhà hiện đại được sơn hai màu chủ đạo là trắng và đỏ, với phần mái uốn lượn mềm mại như dải lụa đỏ ôm trọn các khối công trình. Sự kết hợp giữa những đường cong duyên dáng và hình khối hiện đại, tạo nên sự liên kết độc đáo và mang đến một nét trẻ trung, sống động, hài hòa tuyệt đối với không gian công viên cây xanh bao quanh.

cung van hoa thieu nhi viet nam khanh hoa

Công trình gồm bốn khối nhà, được thiết kế theo phong cách hiện đại, hài hòa với không gian cây xanh xung quanh. Ảnh: Kinh tế Đô thị

cung thieu nhi nha trang khanh hoa kien truc

Công trình gồm bốn khối nhà, được thiết kế theo phong cách hiện đại, hài hòa với không gian cây xanh xung quanh. Ảnh: Phú Đào

Trên diện tích hơn 2,7ha, Cung Văn hóa Thiếu nhi Khánh Hòa quy hoạch đa dạng với Nhà hát Măng Non gần 1.000 chỗ, phòng học năng khiếu hiện đại (âm nhạc, tin học, hội họa,…), khu thể thao hoành tráng (hồ bơi, sân bóng, sân Pickleball) và khu vui chơi ngoài trời xanh mát, cùng hệ thống bãi đỗ xe rộng rãi, đáp ứng toàn diện nhu cầu của trẻ em và người dân khi tham gia hoạt động.

cung thieu nhi nha trang khanh hoa kien truc

Thiết kế kiến trúc lấy cảm hứng từ hình ảnh chiếc khăn quàng đỏ – biểu tượng thân thuộc của thiếu nhi Việt Nam. Ảnh: Phú Đào

nha van hoa thieu nhi nha trang khanh hoa kien truc

Ảnh: Phú Đào

Thực hiện: Thiên Thư


Xem thêm: 

Sân chơi Red Dunes Playtopia: Ngọn đồi hồng cho trẻ thơ

Sân chơi tương tác tại bảo tàng MET

Nhà trẻ Vaucluse: Sân chơi kiến trúc tươi sáng