Khoảng trống – Không gian sống động trong kiến trúc đô thị của kiến trúc sư Sanuki Daisuke

Nhìn nhận khoảng trống như một không gian sống thực thụ chứ không phải phần thừa của thiết kế, kiến trúc sư Nhật Bản Sanuki Daisuke đã kiến tạo nên triết lý kiến trúc độc đáo sau hơn một thập kỉ làm việc tại Việt Nam.

Ngày 26.04.2025, tại Nam Thi House (TP.HCM), kiến trúc sư Sanuki Daisuke đã chia sẻ những chiêm nghiệm thực hành của mình trong buổi trò chuyện mang tên Kiến trúc và Khoảng trống, do Tản Mạn Kiến Trúc và Năm Năm Tháng Tháng tổ chức. Xuất phát từ hơn 16 năm làm việc tại Việt Nam, Sanuki mang đến một cách nhìn thấu đáo và cảm xúc về không gian sống trong các đô thị chật hẹp.

Từ Nhật đến Việt Nam: Hành trình quan sát và thực hành

Sanuki Daisuke sinh năm 1975, từng giảng dạy và làm việc tại Nhật Bản trước khi đến TP.HCM năm 2009, sau đó hợp tác với kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa. Năm 2011, anh thành lập văn phòng riêng  S+Na, văn phòng sau đó phát triển thành Sanuki Daisuke Architects (SDA), hoạt động trong cả thiết kế kiến trúc và quy hoạch.

floating house Sanuki Daisuke nha o kien truc hien dai khong gian

Công trình Floating House. Ảnh: Hiroyuki Oki

Trong hành trình hơn một thập kỷ tại Việt Nam, Sanuki quan sát sâu sắc đời sống thường ngày và nhận ra sự linh hoạt trong cách người dân sử dụng các khoảng trống đô thị. Từ quán ăn dựng tạm dưới trạm xe buýt đến rạp phim ngoài trời giữa lòng đường, anh thấy rõ năng lực tự tổ chức không gian sống của người Việt. Các khoảng trống vốn bị coi là thừa thãi hoặc bị lấp kín trong tư duy kiến trúc hiện đại, nay lại trở thành trung tâm sinh hoạt cộng đồng, nơi phát sinh tương tác và chia sẻ cảm xúc với nhau.

floating house Sanuki Daisuke nha o kien truc hien dai khong gian

Công trình Floating House. Ảnh: Hiroyuki Oki

Sanuki nhìn nhận đây là tiềm năng cho việc sáng tạo các thiết kế từ cộng đồng,  nơi không gian công cộng không bị chiếm dụng mà được sử dụng linh hoạt nhờ sự cộng cư và thoả hiệp giữa các nhóm cư dân khác nhau như chủ nhà, người thuê, người bán rong, người đi đường.

Ảnh hưởng từ giáo sư Kazuhiro Kojima: Trực giác và mô hình

Sanuki chịu ảnh hưởng sâu sắc từ giáo sư Kazuhiro Kojima, người thầy luôn nhấn mạnh đến chuyển động của con người trong không gian. Thay vì dựa hoàn toàn vào phần mềm, Sanuki yêu thích việc dựng mô hình bằng tay, như một cách hiểu vấn đề thông qua cảm giác và lao động cơ thể. Đây cũng là cách anh vượt qua rào cản ngôn ngữ khi làm việc tại Việt Nam, giúp truyền đạt ý tưởng trực quan cho cộng sự và chủ nhà.

vung tau house gieng troi Sanuki Daisuke vuon

Công trình Vung Tau House. Ảnh: Hiroyuki Oki

Tái định nghĩa mối quan hệ trong – ngoài

Điểm nhấn trong kiến trúc của Sanuki là tư duy về khoảng trống như một không gian để sống thực sự, chứ không chỉ là phần còn dư lại trong thiết kế. Anh cho rằng, nhà ở không chỉ để ở mà còn để nuôi dưỡng kết nối giữa các thành viên trong gia đình và với thiên nhiên. Một trong những chia sẻ của anh gây ấn tượng mạnh với người nghe:

“Sống như trong một khu vườn, không hình khối phức tạp, không gian có cây là khu vườn nơi trẻ nhỏ thích thú khám phá.”

Sanuki Daisuke nha o viet nam be tong

Công trình NGA House. Ảnh: Hiroyuki Oki

Đây cũng là triết lý thiết kế mà anh duy trì, bắt đầu từ giả định một khối nhà đặc, sau đó cắt gọt để mở khoảng hở, đưa gió và nắng vào nhà, tạo không gian cho cây cối phát triển và con người kết nối. Những ngôi nhà phố anh thiết kế hiện lên như “chiếc lồng đèn” vào ban đêm, ánh sáng xuyên qua lớp gạch thông gió, một biểu hiện nhẹ nhàng của sự sống giữa thành phố đông đúc.

Tương lai của khoảng trống: Không gian để sống

Chương trình kết thúc bằng đoạn phim Mùa đu đủ xanh của Trần Anh Hùng – tác phẩm đã truyền cảm hứng cho Sanuki từ khi còn là học sinh. Cảnh nấu ăn giữa khu vườn trong phim gợi lại hình ảnh lý tưởng về một kiến trúc không có ranh giới, nơi con người sống hòa mình vào thiên nhiên, ánh sáng và mùi hương.

phong khach noi that mai vom kien truc khong gian Sanuki Daisuke

Công trình VOM House. Ảnh: Hiroyuki Oki

Với Sanuki, khoảng trống không phải là khoảng rỗng vô nghĩa, mà là không gian linh hoạt, đầy tiềm năng sống động. Đó là nơi con người có thể dựng lên bất kỳ điều gì họ cần – từ bếp, rạp chiếu phim, nơi chơi đùa hay nghỉ ngơi – tất cả đều hướng đến một mục tiêu: sống chan hòa với nhau và với thiên nhiên.

Thực hiện: Tản Mạn Kiến Trúc 


Xem thêm

Vẻ đẹp hàm súc trong kiến trúc của Tadao Ando

Trò chuyện về cấu kiện trong kiến trúc gỗ truyền thống

Khi Kiến trúc lại gần Điêu khắc | The First Bricks